Bên bờ hạnh phúc

Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đặt mục tiêu phấn đấu đạt ít nhất 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 17,3% tương đương 86 đại biểu, thiếu 4 đại biểu so với dự kiến ban đầu.

Đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trả lười phỏng vấn.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, chúng ta tiếp tục đặt ra tỷ lệ 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Vậy phải làm gì để đạt được tỷ lệ này? Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc đổi với đại biểu Leo Thị Lịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để cùng trao đổi xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Theo bà, việc  đảm bảo tỷ lệ đại biểu Quốc hội là đồng bào vùng dân tộc thiểu số trong Quốc hội có ý nghĩa như thế nào?

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Các dân tộc thiểu số tham gia làm đại biểu Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng chính sách, thực hiện, triển khai chính sách phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào. Ví dụ cụ thể, trong nhiệm kỳ khóa XIV, các đại biểu dân tộc đã đóng góp ý kiến tích cực ý kiến của mình vào thực hiện Đề án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt đã có nhiều ý kiến rất xác đáng phù hợp với phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng các đại biểu khác đã biểu quyết thông qua được Nghị quyết 88 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một nội dung mang tính lịch sử bởi từ trước đến giờ chưa có một chương trình nào mang tính tổng thể như thế này.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng ứng cử đại biểu Quốc hội của những ứng viên là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số có số dân từ 10 nghìn người trở lên thì theo tôi có thể đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng ứng cử viên tham gia ứng cử. Tuy nhiên đối với một số dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người thì cũng đang được Hội đồng Dân tộc quan tâm, xem xét. Các khóa trước đây, các dân tộc ít người tham gia ứng cử rất là ít, bởi chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia. Quốc hội khóa XIV, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người chỉ có 1 đại biểu là người dân tộc Chứt ở Quảng Bình.

Đối với các ứng cử viên là đồng bào dân tộc rất ít người thì cần phải được quan tâm, đào tạo, xét đủ các điều kiện để hiệp thương ứng cử đại biểu khóa XV. Ví dụ có 4 dân tộc rất ít người chưa có 1 đại biểu nào tham gia Quốc hội là: dân tộc Lự, dân tộc Ngái, dân tộc Bờ râu, dân tộc Ơ Đu, và trong nhiệm kỳ này Hội đồng Dân tộc,  Ban Công tác đại biểu có đề xuất thêm 1 dân tộc là Brâu để tham gia ở vùng Kon Tum – Tây Nguyên. Điều này cho thấy đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Tôi cũng hi vọng thời gian tới các ứng cử viên là người đồng bào dân tộc thiểu số được hiệp thương đưa vào danh sách sẽ đáp ứng yêu cầu Quốc hội cũng như cử tri mong muốn.

Phóng viên: Theo bà, để có thể vừa đảm bảo tỷ lệ vừa đảm bảo chất lượng của người ứng cử Đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số thì đâu là giải pháp quan trọng?

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Giải pháp đầu tiên đối với các các cấp chính quyền phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ đầu. Phải thực hiện công khai dân chủ để cử tri lựa chọn người xứng đáng đại diện cho tâm tư nguyện vọng, ý chí của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Một cái quan trọng nữa là phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao cho sinh động, dễ hiểu để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, hiểu được quy trình thủ tục, để không sai phạm, rồi hiểu về quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của mình trong việc đi bầu cử.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ và nắm rõ lý lịch của các ứng cử viên, lựa chọn và bầu ra đại biểu là những người thực sự ưu tú, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, nắm chắc chính sách dân tộc, gắn bó mật thiết và hiểu phong tục, tập quán, nói lên được nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là các ứng cử viên tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là người dân tộc rất ít người, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.

Phóng viên: Một lần nữa xin được cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của Đại biểu!

Theo hoidongbaucuquochoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *