Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, sáng 10/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). 

Thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về đối tượng được trợ giúp pháp lý và việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. 

Toàn cảnh phiên họp sáng 10/11. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

 

Cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý 

Có ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần thu hẹp đối tượng. Theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), dự thảo đã cơ bản bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật thống nhất. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật thì đối tượng được trợ giúp pháp lý bị thu hẹp hơn so với một số quy định của luật hiện hành đặc biệt với một số nhóm yếu thế trong Luật Người Khuyết tật, Luật Trẻ em, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý của người dân. 

Điều 7 dự thảo Luật có đưa ra một số nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý, những quy định này đúng nhưng chưa đủ số nhóm trẻ em được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 30, 70 của Luật trẻ em. Ban soạn thảo cần thiết kế thêm một số điều khoản mới quy định về người được trợ giúp pháp lý theo hướng không giới hạn quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, không hạn chế về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xuất thân, địa bàn sinh sống. Trong đó, đáng lưu tâm là 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kể cả việc trợ giúp pháp lý cho cha mẹ, người chăm sóc cho nhóm trẻ em này theo quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. 

Trên thực tế không phải mọi trẻ em đều cần đến trợ giúp pháp lý mà nhu cầu của trẻ em chỉ phát sinh khi các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em bị xâm hại hoặc chính các em có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, việc thừa nhận quyền được trợ giúp pháp lý của các em sẽ không tạo gánh nặng cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. 

Đồng tình với đại biểu Minh, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định do sự khác biệt và phức tạp của hệ thống pháp luật hiện hành về độ tuổi trẻ em và người chưa thành niên nên ngoài các đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, thì nhóm đối tượng từ đủ 16-18 tuổi chưa được đề cập trong dự thảo luật.

Phân tích các đạo luật quy định về tuổi trẻ em, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt vấn đề có nên mở rộng diện bao phủ trợ giúp pháp lý đối với nhóm đối tượng này không và nên giới hạn trong những trường hợp nào? Theo điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tất cả các trường hợp dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo đều được chỉ định người bào chữa trong trường hợp gia đình không mời người bào chữa. Như vậy, phạm vi đối tượng trong dự thảo Luật thu hẹp hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu cho rằng vì lý do ngân sách nên cần thu hẹp phạm vi đối tượng thì không thỏa đáng. 

Theo thống kê tình hình tội phạm năm 2015 do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao công bố, có đến 5.864 bị can là người chưa thành niên bị khởi tố (chiếm 5,4% tổng số người khởi tố trong năm), trong đó 93% rơi vào độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Như vậy, nhu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu rơi vào nhóm nay, còn nhóm trẻ em (dưới 16 tuổi) chiếm tỷ lệ rất thấp. 

“Việc phải đối mặt với vấn đề pháp lý ở lứa tuổi này dù ở tư cách bị can, bị cáo hay bị hại cũng là cú sốc lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển về sau” – đại biểu khẳng định. 

Đại biểu Xuân đề nghị cân nhắc, mở rộng diện được trợ giúp pháp lý bao gồm cả người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội hoặc là nạn nhân. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các luật, bộ luật đã được ban hành. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận định Nhà nước có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm bảo đảm đưa pháp luật vào cuộc sống đối với mọi tầng lớp dân cư, mọi công dân, dù giàu hay nghèo đều được bình đẳng trước pháp luật và được tiếp cận với dịch vụ pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, điều khiến đại biểu băn khoăn là đối tượng được trợ giúp pháp lý có được tiếp cận quyền này hay không. Trong quy định của dự thảo Luật dù đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được mở rộng nhưng lại hạn chế đối với đối tượng trẻ em và phụ nữ. Cần xem xét theo hướng mở rộng diện thụ hưởng trợ giúp pháp lý với hai đối tượng nhằm bảo đảm Công ước quốc tế và luật pháp của Việt Nam về quyền trẻ em và Luật bình đẳng giới. 

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng một trong những đối tượng đáp ứng yêu cầu được trợ giúp pháp lý là hạ sỹ quan, chiến sỹ làm nghĩa vụ trong quân đội. 18 tuổi đi vào quân đội thực hiện nghĩa vụ quân sự, thu nhập chỉ có phụ cấp sinh hoạt (tiêu vặt), khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt là khi bị tạm giam thì phụ cấp đó bị cắt nhưng gia đình các em không có điều kiện để thuê luật sư. 

Từ thực tiễn xét xử tại phiên tòa, đại biểu đưa ra một thực tế đáng buồn là khi công tố viên trình bày về lời buộc tội, thẩm phán yêu cầu bị cáo phát biểu tranh luận thì bị cáo chỉ biết trả lời “vâng”, điều đó cho thấy bị cáo không đủ kiến thức pháp lý để tranh luận. Nếu không đưa hạ sỹ quan, chiến sỹ làm nghĩa vụ trong quân đội vào diện được trợ giúp pháp lý là không ổn – đại biểu khẳng định. 

Tranh luận của các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho thấy đối tượng cần được trợ giúp pháp lý là rất nhiều, Luật không thể bao quát được, cần tránh tràn lan về đối tượng. 

Phân sân rõ ràng trong công tác trợ giúp pháp lý 

Dự thảo Luật chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu xã hội hóa, chưa coi trọng, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia vào trợ giúp pháp lý, chưa tạo điều kiện cho các tổ chức chuyên ngành được trợ giúp pháp lý …đây là nhìn nhận của nhiều đại biểu. 

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, dự thảo Luật có một số quy định chưa sát với thực tiễn. Việc quy định các điều kiện để các tổ chức chuyên ngành tham gia trợ giúp pháp lý phải có luật sư là chưa phù hợp vì hầu hết các Trung tâm trợ giúp pháp lý hiện nay chỉ có tư vấn viên pháp luật. 

Theo tờ trình của Chính phủ, có đến 93% vụ việc trợ giúp pháp lý là tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định phù hợp về cơ chế hỗ trợ và huy động sự tham gia các tổ chức chuyên ngành và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm yếu thế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kế thừa chính sách trợ giúp pháp lý tại Điều 6 của Luật trợ giúp pháp lý 2006 và bổ sung thêm chính sách hỗ trợ tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó có tổ chức chuyên ngành.

Để đạt được yêu cầu đặt ra, Điều 4 dự thảo Luật cần bổ sung chính sách của nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý như khuyến khích phụ nữ, người dân tộc thiểu số tổ chức cá nhân có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nếu đủ các điều kiện thì được tham gia trợ giúp pháp lý. Quy định này nhằm thúc đẩy xã hội hóa thu hút nguồn lực tham gia trợ giúp chất lượng tại các trung tâm tư vấn pháp lý của các hội chuyên ngành tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý chuyên sâu. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng chủ trương xã hội hóa trợ giúp pháp lý là đúng, nhưng đặc thù của xã hội hóa trong trợ giúp pháp lý khác với xã hội hóa trong các dịch vụ công hiện nay. 

Khẳng định xã hội hóa là đòi hỏi của thực tiễn, song, đại biểu Nguyễn Mai Bộ lo lắng nếu theo quy định của dự thảo Luật, những đại biểu Quốc hội khi sau khi hết nhiệm kỳ của đại biểu dân cử, muốn trở về làm tư vấn pháp luật sẽ trở thành vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị cần có quy định để thể chế hoạt động của những người tự bỏ tiền ra thực hiện trợ giúp pháp lý. 

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ muốn căn chỉnh Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) là để thực hiện mục đích phân sân rõ ràng, trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất của nó cho người nghèo và người không có khả năng. Xã hội hóa được là rất rốt, nếu không thì đây là một phần thuộc trách nhiệm của nhà nước. Các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của luật Việt Nam là rộng nhất thế giới. Chính sách của Việt Nam là nhân văn, “làm chính sách, về mặt tâm, không ai muốn hạn chế” – Bộ trưởng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng, việc căn chỉnh đối tượng bớt đi thì số tiền từ ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ được tập trung hơn. Cố gắng để cho người nghèo, đối tượng chính sách được trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ pháp lý về cơ bản như người bình thường, không phải vì không có tiền, chưa có luật sư cãi mà đã biết là thua. 

Bộ trưởng cũng lý giải, xã hội hóa ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, không như xã hội hóa trong y tế, giáo dục tức là nhà nước không làm nữa mà để cho khối ngoài nhà nước các làm. Xã hội hóa ở đây là thu hút các nguồn lực nếu đáp ứng được yêu cầu và chất lượng. Do vậy, dự thảo Luật có cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều12, 13). 

Hàng năm, Nhà nước có khoản kinh phí cho trợ giúp pháp lý, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân mà chất lượng tốt hơn thì không có vấn đề gì, điều này cũng không mâu thuẫn với Luật Luật sư – Bộ trưởng khẳng định./. 

Nguồn: CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *