Sau khi SDTV tạm dừng phát sóng hai kênh Truyền hình Vĩnh Long trên K33 từ 12/8, toàn bộ miền Đông Nam Bộ không xem được miễn phí hai kênh đó trên hệ thống DVB-T2. Dự kiến cuối tháng 9 khu vực này mới tiếp tục có sóng Truyền hình Vĩnh Long.
Chỉ còn ít giờ nữa, vào lúc 24h đêm nay (ngày 15/8/2017), tại 15 tỉnh, thành phố sẽ chính thức tắt sóng kênh truyền hình analog, tại khu vực Nam Bộ sẽ có 8 tỉnh tắt sóng truyền hình analog bao gồm An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.
Đối với người dân Nam Bộ, kênh Truyền hình Vĩnh Long có số lượng người xem đông vào bậc nhất và được coi là kênh quan trọng nhất khi triển khai số hóa truyền hình, tuy nhiên kể từ ngày 12/8/2017, sau khi Công ty Truyền hình Kỹ thuật số miền Nam (SDTV) chính thức thông báo về việc dừng phát sóng hai kênh Truyền hình Vĩnh Long là THVL1 và THVL2, cùng với kênh An Giang ATV trên kênh tần số 33, thay vào vị trí đó SDTV sẽ phát các kênh TTV11, DRT2, BPTV1.
Việc SDTV ngừng phát sóng hai kênh Truyền hình Vĩnh Long trên K33 khiến toàn bộ khu vực TP.HCM và miền Đông Nam Bộ không xem được hai kênh này. Còn tại khu vực miền Tây Nam Bộ, hai kênh Truyền hình Vĩnh Long vẫn được phát sóng trên kênh tần số 34 bình thường.
Theo ông Huỳnh Phú, Phó Giám đốc công ty Vũ Hồng Minh, việc ngừng phát sóng hai kênh Vĩnh Long ở khu vực miền đông Nam Bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh doanh đầu thu DVB-T2 của các doanh nghiệp vì mất hai kênh Vĩnh Long coi như toàn bộ khu vực miền Đông Nam Bộ bị… tê liệt. Mấy ngày nay người dân ở đây vô cùng bất ngờ vì hai kênh truyền hình Vĩnh Long được coi là hai kênh “thiết yếu” nhất, là hai kênh truyền hình ăn khách nhất tại miền Nam.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty SDTV cho biết, từ 12/8/2017, những khu vực mà SDTV chưa phát sóng kênh 34 sẽ không xem được Truyền hình Vĩnh Long, dự kiến khoảng 20/8/2017 SDTV mới khởi động lắp đặt thêm một số máy phát ở khu vực miền Đông Nam Bộ, đến cuối tháng 9/2017 sẽ hoàn thành, kênh 34 sẽ được phủ sóng ở các khu vực: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM. Khi đó kênh Vĩnh Long sẽ được phục vụ trở lại.
“Còn ở thời điểm này sẽ không có phương án nào để giải quyết ngay được”, ông Hòa khẳng định.
Hiện tại, công ty SDTV đã phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 K33 tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Long An, Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu), Bà Rịa (Bà Rịa Vũng Tàu), Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bình Thuận; phát kênh 34 tại Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và Trà Vinh; phát kênh 35 ở huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (gồm 3 máy phát đặt ở 3 vị trí trên đảo là: Trung tâm Côn Đảo, Cỏ Ống và Bến Đầm).
Tính đến thời điểm này, vùng phủ sóng của SDTV đã đảm bảo cho các Đài PT-TH Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang tắt sóng analog vào ngày 15/8/2017.
Ông Hòa cũng cho hay, hiện tại vùng phủ sóng kênh 33 của SDTV đã đạt khoảng 85% diện tích toàn miền Nam, vùng phủ sóng kênh 34 của SDTV đạt khoảng 60% diện tích toàn miền Nam, còn vùng phủ sóng kênh 35 của SDTV đạt 100% diện tích Côn Đảo.
Dự kiến SDTV sẽ phủ sóng toàn bộ khu vực Nam Bộ vào tháng 12/2017 hoàn thành kế hoạch phát sóng cho giai đoạn 3 trước một năm.
Nguồn Đình Anh (http://ictnews.vn)