Bên bờ hạnh phúc

Năm 2013, năm thứ ba tỉnh Vĩnh Long thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015. Mục tiêu của tỉnh trong năm nay là phát huy mọi nguồn lực, đảm bảo kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đúng hướng và bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế.

 

Trong đầu năm 2013, một tín hiệu khả quan của Vĩnh Long là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI vượt 49 bậc so với năm 2012. Với thứ hạng 5 cả nước và xếp hạng 3 trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long trở thành một trong 10 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao. Đây là kết quả sau một năm kiên trì thực hiện chỉ thị 05 của Tỉnh ủy và chỉ thị 08 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 Chỉ số năng lực cạnh tranh của Vĩnh Long năm 2012 thể hiện sự phấn đấu nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà mục tiêu là đưa tổng sản phẩm của tỉnh, tức GDP, tăng từ 8 – 8,5% trong năm 2013.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ CỦA VĨNH LONG 2013.

Giá trị sản xuất nông nghiệp – thuỷ sản tăng từ 3 – 3,5%,

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%,

Giá trị các ngành dịch vụ tăng 9%,

Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng,

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 410 triệu USD,

Huy động tổng vốn đầu tư phát triển xã hội 10.000 tỷ đồng,

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.554 tỷ đồng.

Cho đến nay, nông nghiệp – thủy sản vẫn là thế mạnh của tỉnh khi giá trị sản xuất của khu vực này chiếm tỉ trọng hơn 50% trong cơ cấu kinh tế. Là tỉnh có diện tích đất nhỏ so với hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL, nhưng Vĩnh Long luôn chú trọng công tác giống với 80% diện tích lúa đông xuân chất lượng cao. Mô hình cánh đồng mẫu lớn duy trì gần 1.700 ha. Năng suất lúa vụ đông xuân vừa qua đạt gần 6,7 tấn/ ha. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh duy trì  ổn định ở mức 1 triệu tấn.

Để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân và ngành nông nghiệp có nhiều nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu trong năm nay là đưa giá trị sản xuất đạt mức tăng trưởng từ 3 – 3,5%. Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo sản xuất theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành, trong đó tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Từ đầu năm đến nay,  diện tích cây màu xuống giống đạt gần 70% so với kế hoạch cả năm và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Là tỉnh có nguồn nước mặt dồi dào với nhiều con sông lớn chảy qua địa bàn, nên thủy sản là một ngành có thế mạnh của Vĩnh Long. Diện tích nuôi cá tra thâm canh của tỉnh trong 4 tháng đầu năm được duy trì và tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện đối diện với những khó khăn nhất định ,là giá cả nhiều loại hàng hóa, trong đó có cá tra, thấp hơn giá thành và tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi gần đây có xu hướng gia tăng.

 

 

 

Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mục tiêu của tỉnh là đưa giá trị sản xuất đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 18% trong GDP. Trong quý 1, ngành công nghiệp đạt giá trị sản xuất đạt hơn 4.210 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm và tăng 12% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp hiện vẫn còn khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ. Một số ngành hàng truyền thống từng là thế mạnh của tỉnh như gạch gốm đất đỏ bị thu hẹp tác động suy thoái kinh tế, giảm đầu tư công, chi phí đầu vào tăng cao và đặt ra nhu cầu đổi mới, chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với chính sách nhưng năng lực của doanh nghiệp suy yếu.

Vĩnh Long đang tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm, tuyến công nghiệp trên địa bàn. Trong đó có giai đoạn 2 khu công nghiệp Hòa Phú diện tích gần 130 ha. Các khu công nghiệp Bình Minh, tuyến công nghiệp Cổ Chiên đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã bàn giao mặt bằng.

Song song đó là phát huy năng lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện có trong các khu, cụm, tuyến công nghiệp và các làng nghề truyền thống ở các địa phương. Khu công nghiệp Hòa Phú hiện có 16 doanh nghiệp đã thuê 100% diện tích đất.

Là một trong những doanh nghiệp thuê trên 6 ha đất đầu tiên trong khu công nghiệp này vào năm 2006, công ty TNHH Thiết Lập luôn duy trì sản xuất ổn định và có hiệu quả. Năm qua công ty nộp vào ngân sách nhà nước 37 tỷ đồng. Sự quan tâm của các ngành chức năng với cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố tích cực trong giai đoạn sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Là tỉnh tiếp giáp với nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL, thương mại – dịch vụ là thế  mạnh của Vĩnh Long. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư trên địa bàn đã giúp cho hoạt động thương mại của tỉnh nhộn nhịp. Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long trong năm nay là đưa tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn đạt 30 ngàn tỷ đồng.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong 4 tháng đầu năm thực hiện được hơn 100 triệu đô-la Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh khá đa dạng, chủ yếu là các mặt hàng nông sản.

Để đưa giá trị các ngành dịch vụ tăng 9%, trong năm nay tỉnh tập trung nâng cao các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ổn định thị trường, quản lý giá hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, khai thác hiệu quả lợi thế vị trí trung tâm vùng để phát triển các ngành dịch vụ và du lịch.

Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, Vĩnh Long phấn đấu huy động 10 ngàn tỷ đồng chiếm 27% GDP, tăng 16% so với năm 2012. Trong đó, ngân sách tỉnh sẽ dành trên 1.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình, các dự án quan trọng.

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, trên trục giao thông thủy bộ nối hai miền Đông – Tây Nam Bộ, là hình ảnh thu nhỏ của vùng ĐBSCL với sự trù phú về tài nguyên, đa dạng ngành nghề. Với dân số trên 1 triệu người, chất lượng nguồn nhân lực cao so với các tỉnh trong vùng là yếu tố quan trọng và lợi thế so sánh đặc thù để Vĩnh Long thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *