Bên bờ hạnh phúc

Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương sẽ rút ngắn khoảng cách giữa ĐBSCL và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM

Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương có dự toán ban đầu hơn 6.500 tỷ đồng. Sau đó, công trình được điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 9.500 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 62 km, từ Chợ Đệm, quận Bình Tân, TPHCM đến xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang, trong đó có 40 km đường cao tốc, còn lại là 3 tuyến đường nối, gồm : Tân Tạo – Chợ Đệm dài 9,6 km, Bình Thuận – Chợ Đệm dài 3,7 km và Thân Cửu Nghĩa – Trung Lương dài 8,8 km. Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương qui hoạch 8 làn xe cơ giới, 2 làn xe dừng khẩn cấp, nền đường rộng 42m. Riêng giai đoạn 1 mới xây dựng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp với nền đường rộng từ 25m – 26m.

Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương được trải trên bề mặt một lớp nhựa siêu mỏng. Đây là công nghệ của Mỹ, tiên tiến và hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, mới được áp dụng tại một vài nước. Lớp bê-tông nhựa tạo độ nhám mặt đường, thoát nước tốt, giảm bắn bụi nước, chống trơn trợt và tăng tuổi thọ cho con đường. Điểm nhấn của tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương là đoạn đường trên cao dài 16 km, còn gọi là cầu cạn. Lần đầu tiên, trong quá trình thi công cầu cạn, những người thợ cầu đường Việt Nam ứng dụng công nghệ thiết kế các miếng đệm tại các khe co giãn hoàn toàn do trong nước sản xuất, có chất lượng tốt và thay thế hàng nhập khẩu. Dù đã thông xe, nhưng đường cao tốc TPHCM – Trung Lương vẫn còn 15 hạng mục phải tiếp tục xây dựng trong thời gian tới.

Tuy là khai thác tạm, nhưng Trung tâm Quản lý đường cao tốc đã hoàn thiện và được đặt tại điểm cuối đường cao tốc thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Ngoài ra, trên tuyến cũng sẽ xây dựng một Trung tâm Điều hành đặt tại điểm đầu, thuộc huyện Bình Chánh – TPHCM, một trạm dịch vụ tại km 27 thuộc huyện Thủ Thừa – Long An. Trên tuyến cao tốc sẽ có 4 trạm thu phí tương ứng các điểm ra vào đường cao tốc tại Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An và Thân Cửu Nghĩa. Tuy nhiên, trong giai đoạn khai thác tạm, từ nay đến quí I/2011 sẽ không thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương còn có 20 km cầu, 40 km đường gom dọc và 10 cầu vượt ngang qua. Suốt tuyến không có các tuyến giao cắt đồng mức nên tốc độ tối đa cho phép xe ô-tô chạy là 120 km/ giờ. Do vậy, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế dưới 70 km/ giờ không được lưu thông trên đường cao tốc. Trong giai đoạn khai thác tạm thời, xe chạy ở làn đường cạnh dải phân cách phải đạt tốc độ tối đa 100 km/ giờ và tối thiểu 60 km/ giờ. Xe chạy cạnh làn dừng xe khẩn cấp tương ứng với tốc độ tối đa và tối thiểu là 80 km/ giờ và 50 km/ giờ. So với lưu thông trên quốc lộ 1A hiện hữu, thời gian được rút ngắn hơn một nửa. Cùng với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 54 km đã được khởi công tháng 11/2009, đến cuối năm 2012, tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận dài 94 km sẽ đi vào khai thác, giúp ĐBSCL gần hơn với TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Tong giai đoạn 2, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương được mở rộng với 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp. Đường cao tốc này hoàn thành sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL và mở ra cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế xã hội vùng đất nhiều tiềm năng này.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *