Bên bờ hạnh phúc

Tại Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long, hàng năm có hàng trăm phạm nhân bị tạm giam. Để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, bên cạnh những nghề thủ công như làm nấm rơm, vào hộp kem… còn có nghề hớt tóc, thợ mộc, sửa kiểng, chăn nuôi… Những nghề này đã giúp cho không ít phạm nhân dù bị chấp hành án phạt tù nhưng vẫn có điều kiện nâng cao tay nghề. Không ít trường hợp khi trở về với cuộc sống tự do thì những nghề được học đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Trước khi bước vào con đường phạm tội, phạm nhân Lâm Nhựt Minh ngày ngày hành nghề hớt tóc với thu nhập khoảng 30.000 đến 40.000 đồng. Ở vùng nôn thôn, mức thu nhập đó cũng đủ nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, trong một ngày đi chơi cùng bè bạn, Nhựt Minh gây ra vụ tai nạn giao thông làm chết một người. Với hành vi đó, Lâm Nhựt Minh bị tòa kết án một năm tù giam. Qua một thời gian thử thách, Lâm Nhựt Minh đã có cơ hội trở lại với nghề hớt tóc ngay tại trại giam…

Chúng tôi bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của phạm nhân Lê Thanh Tùng. Qua cuộc trò chuyện, được biết, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tùng được tha tù trước thời hạn trở về sum họp với gia đình sau gần 4 năm dài xa cách. Anh tâm sự, gia đình nghèo, sống chủ yếu nhờ vào số tiền chạy xe honda khách, vậy mà, trong giây phút nóng giận, anh đã lỡ tay gây thương tích cho một người cùng xóm. Với hành vi đó, Tùng bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam. Càng đáng buồn hơn, thời gian Tùng phạm tội là thời gian vợ đang mang thai, đứa bé sinh ra không được sự chăm sóc của cha. Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Lê Thanh Tùng luôn phấn đấu cải tạo, làm lại cuộc đời, mong sớm có ngày trở về sum hợp với gia đình, với đứa con thơ. Trong những ngày chấp hành hình phạt, anh đã được cán bộ hướng dẫn nghề nuôi cá. Sau ngày ra tù, Tùng dự định về quê vợ nuôi cá với hi vọng sẽ có một cuộc sống mới sung túc hơn…

Nhà ông Võ Văn Lịch ở xã Tân An Hội, huyện Mang Thít. Đến nơi, trông thấy những thành viên gia đình đang bận rộn chuẩn bị đón Tết, nhìn vẻ mặt vui tươi hiện rõ trên từng gương mặt cũng đủ cho thấy niềm hạnh phúc đã đến với họ. Trong cuộc trò chuyện, ông kể với chúng tôi về quá khứ của mình, đôi lúc đôi mắt lại bừng sáng lên…

Những chuỗi ngày tù tội đã giúp ông nhận ra việc làm sai trái của mình, từ đó chí thú làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Cũng chính quá khứ ấy đã giúp ông có được một cái nghề. Hiện nay, nguồn thu nhập từ nghề sửa kiểng đã trở thành thu nhập chính của gia đình. Sửa kiểng được xem là một công việc làm thuê khá thu hút khách hàng, với thu nhập khá cao, từ 150.000 – 200.000 đồng/ ngày. Bên cạnh việc sửa kiểng thuê, ông còn mua cây kiểng về sửa để bán lại trong dịp Tết. Tết năm nay cái Tết thứ 2 ông được trở về nhà sum họp với gia đình, hạnh phúc của những ngày tự do không sao tả xiết. Là người chồng, người cha, người trụ cột chính, ông được trả về với cuộc sống gia đình là niềm hạnh phúc cho tất cả thành viên. Những chuỗi ngày quá khứ đã giúp ông thêm động lực vươn lên ổn định cuộc sống.

Vào những ngày giáp Tết, mặc dù bận rộn với biết bao công việc, tuy nhiên, theo lời giới thiệu của Ban Giám thị trại giam, chúng tôi tìm đến nhà anh Tôn Thất Toàn ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn. Cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn với nguồn thu nhập ổn định từ cái nghề anh học được trong quá trình chấp hành án. Qua tìm hiểu được biết, anh Tôn Thất Toàn đã có vợ, hai con, anh là con trai út trong gia đình. Ngoài việc lo cho gia đình bé nhỏ của mình, anh còn có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ. Tuy vậy, trong một lần lầm lỡ, anh đã bỏ lại tất cả bao lo toan trên đôi vai của người vợ… Tết năm nay là cái tết thứ 2 anh được sum hợp với gia đình. Điều phấn khởi hơn là, trong năm 2009, anh đã ở nhà phụ giúp gia đình. Giờ đây, gia đình anh có cuộc sống khấm khá hơn trước, chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập chính của anh. Với việc nuôi ong lấy mật, hàng tháng, anh đã mang lại cho gia đình trên 2 triệu đồng, số tiền không phải là nhỏ đối với người dân nông thôn. Khi chúng tôi hỏi anh đã có nghề nuôi ong lâu chưa? Anh cười cho biết, đây là công việc mà anh đã học được trong những ngày ở tại giam.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi người thân trở về, bao nhiêu lo toan gác lại, những người trong gia đình lại chuẩn bị chào đón năm mới, chào đón thành viên vừa trở về sum họp sau những tháng năm dài xa cách. Sự trở lại của các anh càng minh chứng cho chân lý : cuộc đời sẽ không mất đi phần ý nghĩa nếu con người biết thoát khỏi bóng tối của sự cám dỗ và tội lỗi để vươn lên. Chúng tôi, những người viết bài viết này, cũng như những người thực thi công tác pháp luật, luôn mong muốn những người đã và đang hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, khi trở về đoàn tụ với gia đình, với xã hội, luôn phấn đấu trở thành người công dân tốt. Chúc những người vừa trở về có một mùa xuân vui tươi, tràn đầy hạnh phúc bên gia đình, bên những người thân.

Ngọc Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *