Bên bờ hạnh phúc

Hòa Bình là một xã nông nghiệp của huyện Trà Ôn. Ngày xưa nơi đây là một vùng bưng đầm rộng lớn, cây cỏ mọc um tùm, lúc nào nhìn vào cũng thấy một màu sẩm tối, nên nơi đây còn có một tên gọi khác là Bưng sẩm.

Những hộ dân đã thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đa canh tổng hợp, phát triển chăn nuôi và đổi mới tư duy khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Trước đây kinh tế của xã Hòa bình không mấy phát triển; chủ yếu là sản xuất nhờ vào cây lúa, nhưng hiệu quả cũng không cao. Đường sá giao thông còn khó khăn, nên việc đi lại, giao thương với các nơi khác cũng không được thuận tiện. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao đến nỗi được xếp vào nhóm các xã khó khăn nhất của huyện. Thế nhưng miền quê nghèo khó ấy giờ đây khác xưa, đã thay da đổi thịt và vươn lên mạnh mẽ phấn đấu trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Trà Ôn.

Vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, vùng đất Bưng sẩm này được xem là xứ sở heo hút, địa hình sình lầy, đất đai cầm thủy nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, mức thu nhập của nông dân rất thấp vì vậy đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tuy vậy người dân nơi đây lại rất giàu lòng nhân ái và anh dũng. Phát huy đặc điểm này những người lãnh đạo kháng chiến xưa đã biến  nơi đây thành căn cứ địa đặc biệt của cách mạng và dựa vào đó để tạo nên những chiến công oanh liệt với nhiều trận đánh làm cho quân địch phải khiếp sợ.

Người dân Hòa Bình sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính mà chủ yếu là cây lúa, thế nhưng sau 1975, trong thời gian hơn 10 năm đầu giải phóng do đặc điểm nơi đây là vùng đất trũnng, lầy lội, địa phương vừa mới trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nên đất đai còn hoang hóa đang trong thời kỳ khai khẩn lại, vì thế việc sản xuất cây lúa nhất là đối với cây lúa ngắn ngày không mấy thuận lợi và thêm vào đó là bà con còn làm ruộng theo thói quen, tập quán cũ nên năng suất đạt thấp. Bên cạnh vườn cây, ao cá và chăn nuôi chưa được áp dụng kỹ thuật mới còn thả nổi cho tự nhiên nên năng suất không cao. Từ chỗ sản xuất kém hiệu quả, cái nghèo luôn đeo bám nên đời sống của người nông dân luôn gặp khó khăn vì thế một số người phải rời xa quê hương đi làm ăn, mưu sinh ở xứ xa mặc cho diện tích đất đai còn khá rộng lớn phải  bỏ hoang không được cải tạo và canh tác. 

Để vực vậy vùng đất này, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương đưa KHKT tiến bộ vào đồng ruộng, khuyến khích sử dụng giống mới có năng suất cao để giúp người nông dân sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh còn vận động bà con chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi, đưa rau màu xuống ruộng đã giải quyết phần nào về kinh tế, đời sống. Nhiều phương án phát triển sản xuất nông nghiệp cho vùng đất Bưng sẩm – Hòa Bình được địa phương đưa ra thực hiện. Trong đó, cái chính là phải khia hoang, biến sình lầy xưa kia thành những mảnh vườn, thửa ruộng màu mỡ, đẩy mạnh công tác thủy lợi, tạo nguồn nước đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời khuyến khích nông dân sản xuất đa dạng hóa cây trồng vật nuôi ….Nhờ vậy đã giúp cho kinh tế nông nghiệp của xã đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân.
 

Bây giờ đến xã Hòa Bình mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi nhanh chóng của nó. Nếu cách đây hơn 20 năm, nơi này còn sình lầy, đất đai hoang hóa nhiều, sản xuất chỉ được từ 1đến 2 vụ một năm thì nay trên vùng đất này đã được phủ lên một màu xanh tươi tốt và những cánh đồng trù phú, mỗi năm sản xuất 3 vụ với năng suất bình quân 18 tấn/ha/năm và vườn cây ăn trái xanh tốt, trĩu quả.

Chuyện về phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng theo hướng cây trồng, vật nuôi giúp đổi đời nhiều hộ nông dân ở xã Hòa Bình hiện đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của địa phương. Bởi  sự vươn lên giàu có của bà con vùng đất này, không ai nghĩ rằng sẽ diễn ra khá nhanh chóng, chỉ sau vài ba thập niên đầu tư phát triển.

Vào những ngày giáp Tết, đến thăm anh Phan Hoàng Lõi, ở ấp Tân Thạnh là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương và cũng là người đi tiên phong trong phát triển kinh tế nông nghiệp tổng hợp đẩy mạnh nghề chăn nuôi. Khi nghe anh kể về chuyện sản xuất lúa kết hợp với chăn nuôi heo mà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay, làm giàu nhanh chóng của gia đình. Bằng suy nghĩ có tính đột phá, năm 2005, ngoài sản xuất hơn một ha lúa ra, anh Lõi còn là một trong những người đầu tiên của vùnng này phát triển thêm nghề chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp. Lúc đầu anh chỉ nuôi hơn chục con heo thịt, qua vài năm thấy có hiệu quả nên anh tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại, đến nay tổng đàn heo của anh đã lên đến hơn 100 con. Với cây lúa và con heo mà bình quân mỗi năm anh thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng. Hiện nay cuộc sống của gia đình anh đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giả.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, đưa cây màu xuống ruộng, phát triển vườn cây ăn trái … mà đời sống của người dân ở –Hòa Bình hiện nay được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo đã giảm thấp và được thay vào đó là những hộ khá giàu ngày càng nhiều. Hiện nay, mức thu nhập của nhiều hộ dân nơi đây từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/ năm là chuyện bình thường. Đời sống kinh tế mấy năm nay phát triển mạnh, nên mọi người đều vui tươi phấn khởi trước những đổi thay của quê hương mình.

Không chỉ chú trọng đến phát triển sản xuất , nâng cao đời sống của người nông dân; chính quyền địa phương còn quan tâm đến xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, tươi đẹp. Gần đây xã Hòa bình đã được chọn là xã Nông thôn mới của tỉnh nên được nhà nước hỗ trợ vốn, đồng thời kết hợp với sự đóng góp chung sức của người dân địa phương đã xây dựng các tuyến đường giao thông ở các ấp, đảm bảo xe 2 bánh đi lại thông suốt. Thủy lợi được khai thông và mở rộng, đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp với 3 vụ lúa/ năm. Các cơ sở hạ tầng khác như chợ, điện , trường học … cũng được đầu tư xây dựng giúp cho đời sống người dân phát triển toàn diện hơn.

Với nỗ lực tự thân của bà con nông dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn và khoa học kỹ thuật, kinh tế nông nghiệp của xã Hòa Bình đã có bước phát triển vượt bậc.

Những hộ dân đã thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đa canh tổng hợp, phát triển chăn nuôi và đổi mới tư duy khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay vùng đất Bưng sẩm Hòa Bình đã thay da đổi thịt rõ nét. Cuộc sống của người dân ổn định và khá giả hơn, số hộ giàu đã tăng lên hàng năm và bộ mặt nông thôn cũng trở nên khang trang hơn.

Một mùa xuân mới lại đến trên quê hương Bưng sẩm – Hòa Bình, đời sống nhân dân đã ấm no, mọi nhà đều sung túc. Vùng quê nghèo của của huyện Trà Ôn ngày nào, nay đã nhộn nhịp hẳn lên và đón Tết Nhâm thìn trong không khí rất phấn khởi, khi mà kinh tế phát triển, giao thông đi lại thuận tiện và đời sống của người dân quê đã khấm khá hơn. Điều đó đã mở ra một tương lai sáng lạn cho vùng đất bưng đầm này. Người dân nơi đây đã thật sự an tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *