Bên bờ hạnh phúc

         Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã Thành Đông huyện Bình Tân – một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã góp phần làm cho cuộc sống của người dân trong xã ngày càng khởi sắc.  

          Là một trong 02 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015, Thành Đông đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện các tiêu chí về kinh tế được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã xác định là nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

          Giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này là vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để thay thế 01 hoặc 02 vụ lúa trong năm. Trong đó loại màu chủ lực được khuyến khích mở rộng diện tích là khoai lang tím Nhật.

 

          Theo thống kê của ngành nông nghiệp xã, vụ Xuân Hè năm nay toàn bộ gần 1000 ha đất canh tác lúa của xã đã chuyển sang trồng màu, trong đó có hơn 850 ha trồng khoai lang tím Nhật. Nhờ có đầu ra và giá cả ổn định, từ năm 2010 đến nay, bà con nông dân trồng khoai ở Thành Đông liên tiếp có được những vụ mùa thắng lợi. Hiện tại, mỗi ha khoai lang cho thu nhập cao gấp 5-7 lần so với độc canh 03 vụ lúa, giúp Thành Đông trở thành một trong những địa phương có giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cao nhất tỉnh trong năm 2011. Người dân đang thụ hưởng những thành quả từ định hướng chuyển đổi đúng đắn của địa phương.  

          Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả tốt, xã đã tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi theo nhu cầu canh tác khoai lang. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật canh tác khoai lang ở những vùng mới trồng giống khoai tím Nhật.

          Hiện Thành Đông đang hình thành các mô hình canh tác khoai lang theo đặc điểm của từng tiểu vùng. Những nơi có địa hình cao, hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, như ấp Thành Khương, Thành An, Thành Qưới, nông dân đã chuyển hẳn sang chuyên canh 02 vụ khoai trong năm. Bên cạnh lợi nhuận từ thu hoạch củ, những địa phương này còn có lợi thế là nơi cung cấp nguồn khoai giống khi toàn huyện Bình Tân vào mùa xuống giống. Ơ 03 ấp còn lại là Thành Tiến, Thành Hậu và Thành Tân, bà con nông dân thực hiện luân canh 01 vụ lúa 01 vụ khoai để nâng cao thu nhập cho gia đình. Qua ghi nhận thực tế thì mô hình luân canh 01 vụ lúa 01 vụ khoai đang được nhiều người ưa chuộng. Vì nó cho hiệu quả bền vững hơn canh tác khoai liên tục trong năm.

 

         

          Theo thống kê của UBND xã Thành Đông, hiện trên địa bàn xã đã xây dựng được 01 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác sản xuất khoai lang. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức này là vừa cung ứng nguồn nhân công lao động để mở rộng diện tích, đồng thời giúp ổn định được tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

          Tuy nhiên, dù tạo được nhiều công ăn việc làm, nhưng khi có nhiều lao động trong hoạt động sản xuất khoai lang, thì cũng có nghĩa là thực hiện tiêu chí về cơ cấu lao động ở Thành Đông lại trở nên khó hơn. Bởi, trong khi tiêu chí này hướng đến rút bớt lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp thì nghề làm khoai lại cho thu nhập cao hơn các hình thức hoạt động phi nông nghiệp khác. Tính đến năm 2011, toàn xã có trên 88% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu so với chỉ tiêu cơ cấu lao động nông nghiệp phải dưới hoặc tương đương 35% dân số, thì đến năm 2015 xã rất khó đạt được. Không riêng gì Thành Đông mà nhiều xã thuần nông khác ở Vĩnh Long cũng khó đạt được tiêu chí này.

          Có thể nói, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thành Đông đã tạo ra hiệu quả tích cực trong việc nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã thực sự phát huy được tiềm năng, ưu thế của giống khoai lang tím Nhật ở địa phương mình. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các dịch vụ xung quanh  nghề trồng khoai đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trong năm 2011 xuống chỉ còn 5,6%, đạt mức quy định về tiêu chí hộ nghèo của xã nông thôn mới là dưới 6%. Chỉ tiêu thu nhập bình quân trên đầu người có nhiều khả năng sẽ đạt được trước năm 2015. Kết quả trên đã làm cho người dân ngày càng tin tưởng hơn vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai ở khắp các địa phương.

         Qua đây cũng cho thấy, để cải thiện thu nhập cho người dân ở các địa phương thuần nông, mỗi nơi cần xác định được thế mạnh của điều kiện đất đai, tập quán sản xuất của mình để lựa chọn những mô hình canh tác hiệu quả. Đồng thời, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh theo tình hình thực tế, để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đặt ra ./.

        Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *