Bên bờ hạnh phúc

Nhờ chủ trương chuyển đổi cây trồng hợp lý, nhiều năm qua, bà con nông dân ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có cơ hội vươn lên khá giàu.

Trên 200 ha diện tích canh tác và khoảng 680 ha diện tích gieo trồng hàng năm, Ngãi Tứ được mệnh danh là vùng trồng màu lớn nhất của huyện Tam Bình. Hiện nay, mỗi năm có hàng chục ha đất ruộng hoặc vườn kém hiệu quả được bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng màu. Điều này cho thấy cây màu nơi đây đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế hấp dẫn đối với bà con.

Một lợi thế khác của vùng này là từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng rẫy,  nên thương lái các nơi cũng tập trung về đây khá đông. Do vậy bà con trồng rẫy ở đây rất yên tâm về vấn đề tiêu thụ. Điều còn lại là việc chọn lựa cây trồng như thế nào, mùa vụ ra sao để đạt được giá cao nữa mà thôi.

 

 Tuy năm nay mới ngoài 30, anh Phạm Hoàng Phong ở ấp Đông Thạnh, xã Ngãi Tứ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm với nghề trồng rẫy, và anh cũng là người biết cách lựa chọn cây trồng cũng như thời điểm xuống giống sao cho đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy mà những mùa rẫy đã qua, mùa nào anh cũng thu lời khá.

Tự nhận mình là người con của đất rẫy, từ khi lập gia đình riêng, anh Phong cũng chọn cho mình cách riêng để khắc phục hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình. Cha mẹ nghèo, nên khi anh Phong ra riêng chỉ có được một nền đất thổ cư để ở, vốn liếng còn lại của hại vợ chồng chính là nghề trồng rẫy. Với anh Phong, có được cái nghề là đã quý. Cây trồng mà anh chọn canh tác hàng năm, đó là dưa hấu. Anh Phong chia sẻ, từ khi còn sống chung với cha mẹ, anh đã học được cách trồng dưa rồi. Nói chung nếu thời tiết không có gì trở ngại, thì chuyện thành công với cây màu này là trong tầm tay của anh.

Nhà không có đất, anh Phong đã tự bươn chải đi tìm đất thuê. Tùy khả năng lao động, tài chính thuê được bao nhiêu, thì anh nhận đất thuê bấy nhiêu.

Theo lời anh Phong chia sẻ, tính ra mỗi năm gia đình anh trồng quay vòng đất từ 3 đến 4 vụ màu. Trong đó có 2 đến 3 vụ dưa. Lợi nhuận thu được trên mỗi công đất có thể lên đến 10 triệu đồng. Anh cho biết, nhờ tích lũy qua nhiều năm, mà hiện gia đình anh đã có thể thuê gần 1 ha đất để trồng màu. Tất cả chúng đều tập trung gần nhau để anh và chị còn có thể thay phiên canh giữ, đồng thời có thời gian về nhà lo cho 2 đứa con đang trong độ tuổi đến trường.

 

 

Trong khi những gia đình không có đất sản xuất giống như hộ anh Phong thường trở thành hộ nghèo, hoặc cận nghèo, chờ Nhà nước hỗ trợ. Hoặc những hộ trẻ tuổi cũng thường sa đà vào những trò đỏ đen để cầu may hơn là tự mình lao động vươn lên. Với anh Phạm Hoàng Phong, tuy nhà nghèo, ít học nhưng vẫn nhận thức rất rõ “có lao động mới chiến thắng được nghèo khó, lao động mới mang lại giá trị thiết thực cho con người”.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *