Bên bờ hạnh phúc

           Hiện nay tỉnh Vĩnh long đang bắt tay vào thu hoạch vụ lúa thu đông 2011. Nếu hồi đầu vụ bà con nông dân rất lo âu về những rủi ro có thể xảy ra cho vụ lúa này, thì  hiện tại bà con rất phấn khởi. Do lúa trúng mùa, với năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/ ha.  Đây là vụ thu đông được xem là bội thu  nhất trong vòng 3 năm qua. Hơn nữa lúa thu hoạch đến đâu là thương lái đến thu mua đến đó, nên đã không còn xảy ra tình trạng lúa bị tồn đọng như các năm trước. Mặt khác, giá lúa trên thị trường cũng đang ở mức cao, nên sau khi trừ chi phí, bà con có lãi khá. Kết quả này cho thấy đây là một vụ lúa trúng mùa và được giá.

 

          Khác với những năm trước, vụ lúa thu đông năm nay được ngành nông nghiệp chủ trương mở rộng sản xuất và xem đây là vụ lúa chính trong năm, nên bà con nông dân đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng ngay từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng đến chọn lúa giống có chất lượng để gieo sạ và chủ động xuống giống tập trung, đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó còn kết hợp với  việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ vào đồng ruộng và quản lý dịch hại tốt…….vì thế đã giúp cây lúa phát triển khỏe và cho năng suất  khá cao .       

          Theo đó vụ lúa thu đông năm 2011 ở Vĩnh long đã được gieo sạ với diện tích khá lớn – gần 54000 ha, vượt hơn 8000 ha so với kế hoạch.  Mặc dù ở đầu vụ thời tiết diễn biến bất thường,  dịch bệnh phát sinh mạnh, nhưng nhờ áp dụng tốt các qui trình kỹ thuật canh tác tiến bộ như 3 giảm 3 tăng, chương trình IPM và có biện pháp  quản lý, phòng ngừa tốt các đối tượng dịch hại, nhất là rầy nâu, bệnh đạo ôn…..nên cây lúa đã vượt qua những khó khăn trở ngại  và bước vào thời kỳ thu hoạch với năng suất bình quân đạt  trên 5tấn/ ha. Thậm chí có nơi đạt gần 6 tấn/ ha. 

          So với vụ thu đông trong vòng 3 năm trở lại đây , thì vụ thu đông năm nay quả là một vụ lúa bội thu của bà con nông dân.  Nhiều bà con đã khẳng định, chưa có năm nào mà làm lúa thu đông được trúng mùa như thế này  và vụ lúa này cho năng suất không thua kém so với vụ hè thu trước đó.

 

          Ông Phạm Văn Đấu ở xã Hòa thạnh, huyện Tam bình canh tác 1 ha lúa ở vụ thu đông năm nay phấn khởi cho biết : do có sự chuẩn bị ngay từ đầu, nên bà con dọn đất khá kỹ, xuống giống tập trung, đúng lịch thời vụ;  đồng thời sử dụng giống lúa có chất lượng cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong chăm sóc lúa, quản lý tốt sâu rầy và bệnh hại……nên cây lúa phát triển khỏe, cho năng suất cao, bình quân mỗi công thu hoạch  trên 25 giạ.

           Để có vụ lúa thu đông thành công như hôm nay, vấn đề quyết định đầu tiên  là việc quản lý dịch bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh đạo ôn gây hại trên đồng ruộng khá tốt , nên mầm bệnh đã được khống chế ngay từ khi chúng mới chớm xuất hiện . Ngành nông nghiệp Vĩnh long đã dự báo sâu bệnh kịp thời và thực hiện tuyên truyền hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp quản lý và  phòng ngừa dịch bệnh theo nguyên tắc 4 đúng . Bên cạnh đó còn đẩy mạnh chuyển giao qui trình canh tác lúa tiến bộ, chương trình IPM, 3 giảm-3 tăng hoặc 1 phải -5 giảm, bón phân và cung cấp các dưỡng chất cân đối và hợp lý, để nông dân ứng dụngvào đồng ruộng nhằm giúp cho cây lúa có sức đề kháng tốt, chống chọi với  dịch bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết.  

           Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, bên cạnh việc khống chế và quản lý tốt dịch bệnh, một nguyên nhân quan trọng khác giúp vụ lúa thu đông thắng lợi là bà con nông dân còn thực hiện gieo sạ đồng loạt,  sử dụng giống hợp lý ; ngoài ra nhận thức của nông dân trong canh tác lúa cũng được nâng cao và khoa học theo những giải pháp kỹ thuật tiên tiến ; vì thế  sự thiệt hại do dịch bệnh gây ra không đáng kể và cây lúa phát triển khỏe.                            

         Song song với  niềm vui được mùa thì ở vụ lúa thu đông năm nay bà con còn trúng cả giá bán. Trái với các năm trước là khi vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá lúa sẽ bị giảm thấp, nhưng năm nay giá lúa đang tăng ở mức cao. Hiện thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giá 6200 đồng-63000 đồng/ kg. Còn lúa được phơi khô, tùy chất lượng mua với giá 7300 đồng đến 7500 đồng/ kg. Dù cả giá vật tư nông nghiệp có tăng, nhưng sau khi trừ tất cả chi phí  bình quân mỗi công lúa nông dân còn lãi  trên 30%.

         Theo thông lệ, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường đem phơi sấy khô rồi mới bán cho thương lái, nhưng năm nay thì khác, do thời điểm thu hoạch lúa thu đông đúng vào dịp giá lúa trên thị trường tăng cao, và tình hình xuất khẩu rất thuận lợi, kết hợp với việc lái lúa đã tổ chức lực lượng đi xem đồng và mua lúa tận ruộng ; cho nên phần lớn nông dân đã bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch xong. Hiện tại lúa thu hoạch đến đâu thì được thương lái thu mua hết, vì thế không còn tình trạng lúa còn tồn đọng trong dân như mọi năm. 

        Mặc dù biết việc bán lúa tươi tại ruộng sẽ bị mất đi khoảng 1000 đồng/ kg so với bán lúa khô, nhưng nông dân cho rằng bù lại họ sẽ không tốn công lao động và chi phí cho việc vận chuyển lúa về nhà và phơi  sấy ; ngoài ra còn sẽ bị hao hụt  một lượng lúa do rơi vãi trong quá trình làm khô lúa, thậm chí còn làm cho lúa bị sẫm màu, giảm chất lượng do mưa gió và bảo quản không tốt . Do vậy bán lúa tươi  tại ruộng với giá cao hiện đang được nông dân ưa chuộng, vì cách này đã  đã bỏ bớt nhiều khâu sau thu hoạch và giảm chi phí.

          Còn theo thương lái và cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu thì việc thu mua lúa tươi  là cách làm phù hợp để giữ phẩm chất hạt gạo. Bởi  lúa tươi được thu mua với số lượng lớn sau đó đem đi sấy một lượt rồi mới xay chà, nên chất lượng hạt lúa rất đồng đều. Thêm vào đó do xuất phát từ yêu cầu của thị trường cần loại gạo đồng nhất về chất lượng, và tăng tỷ lệ gạo đạt chuẩn trong chế biến, nên cách làm này là phù hợp, tạo mắc xích quan trọng trong chuỗi nâng cao giá trị hạt gạo, và là một qui trình khép kín phù hợp với việc sản xuất qui mô lớn hiện nay.

            Đến nay, có thể nói vụ lúa thu đông ở Vĩnh long đã vượt qua khó khăn về điều kiện thời tiết, như mưa lũ, nông dân được một vụ mùa bội thu cả 2 mặt : năng suất và giá bán. Tuy nhiên nghề trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhất là vụ lúa đông xuân kế tiếp. Bởi thời tiết mưa lũ hiện vẫn còn diễn biến phức tạp , và hiểm họa dịch bệnh có nguy cơ tái phát trở lại. Do vậy để tránh sự thiệt hại cho vụ lúa quan trọng này, ngành nông nghiệp và bà con nông dân cần phải  quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề lịch thời vụ gieo sạ sao cho hợp lý, tăng cường chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến bộ vào đồng ruộng và áp dụng phòng ngừa dịch hại một cách khoa học. Theo đó việc làm trước tiên là phải giãn vụ, nghĩa là cho đất  có thời gian nghỉ ngơi và xả lũ vào đồng để vừa lấy phù sa,  đồng thời  tiêu diệt mầm bệnh;  nên sử dụng lúa giống tốt, đạt chuẩn để gieo sạ và khi xuống giống phải tập trung đồng loạt theo qui định của từng vùng cụ thể, tránh hiện tượng vượt rào, sai lịch thời vụ; việc gieo sạ rải rác, nhỏ lẻ sẽ khó cho việc quản lý và phòng trị dịch bệnh.

         Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *