Bên bờ hạnh phúc

Sau 20 năm tái lập tỉnh, mặc dù tiến lên trong điều kiện khó khăn, nhưng nông nghiệp Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phía trước đang là những thách thức mới và lớn hơn nhiều. Có gần 80% diện tích đất nông nghiệp và 90% hộ dân sống bằng nghề nông,  nên Vĩnh Long tiếp tục xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Trong giai đoạn tiếp theo, một nền nông nghiệp xanh – sạch – bền vững là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang nỗ lực hướng tới.

 

Nằm tại khu vực trung tâm của ĐBSCL, có nguồn tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên ít chịu tác động cực đoan của môi trường, nên Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất và đa dạng hóa sản phẩm. Đây là lợi thế vượt trội của Vĩnh Long so với các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, có rất nhiều loại nông sản hàng hóa của Vĩnh Long, đặc biệt là thủy sản, rau màu và cây ăn trái, cũng đã sản xuất được quanh năm với nhiều chủng loại giống, năng suất và chất lượng ngày càng cao đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Hơn nữa, trong quá trình phát triển với tốc độ cạnh tranh ngày càng cao thì trình độ thâm canh của bà con nông dân cũng được nâng lên đáng kể. Ngoài việc tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của KHKT vào sản xuất, bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long cũng đúc kết ra nhiều kinh nghiệm, nhiều sáng kiến, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đã tạo ra nhiều mô hình hiệu quả với các loại cây trồng đặc sản như: bưởi Năm Roi, cam sành, khoai lang, sầu riêng Ri6,…. đó được xem là tài sản quý trong nhân giống cũng như lai tạo ra các nông sản hàng hóa mang tính cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, với những chủ trương đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo tỉnh nhà trong việc chuyển dịch đúng hướng cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, dần dần phá thế độc canh cây lúa, năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên, tạo nên nhiều vùng chuyên canh rộng lớn có thế mạnh, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác được nâng lên.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng như vậy, nhưng ngành nông nghiệp cũng nhận định rằng sự phát triển của ngành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Mà nổi bật hơn hết là thiếu tính bền vững trong sản xuất. Điều đó thể hiện ở việc nông sản được sản xuất ra gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ, giả cả lại bấp bênh, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra làm cho nông dân dè dặt trong quyết định đầu tư. Hơn nữa, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ phức tạp và nguy hiểm cao hơn cũng đang là một trở ngại không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.

Phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Vĩnh Long cũng sẽ tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ thị trường bên ngoài. Và một khi hàng rào thuế quan về nông sản được cắt giảm theo lộ trình hội nhập kinh tế giữa Việt Nam với các tổ chức kinh tế trên thế giới, sẽ dẫn đến thách thức lớn nhất là cạnh tranh ngay tại “sân nhà”. Trong khi đó, nông sản Việt Nam nói chung, của Vĩnh Long nói riêng có sức cạnh tranh thấp cả về giá cả, năng suất và chất lượng. Mặt khác các nguyên liệu đầu vào để sản xuất nông sản luôn có khuynh hướng ngày càng tăng giá, bởi đây là những nguồn nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu như: thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, nông dược,…

Sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét với tầm ảnh hưởng rộng và gây hại lớn cũng đang là thách thức chung của toàn ngành nông nghiệp. Vì vậy, với những gì đã đạt được trong quá khứ vẫn chưa đủ để có thể ứng phó với những nguy cơ của tình hình mới. Nông nghiệp cần phát triển ở trình dộ cao hơn, chuyên sâu hơn để đi vào thế ổn định và bền vững: nền nông nghiệp XANH và SẠCH.

Trong giai đoạn 2011 –  2015, Vĩnh Long xác định mục tiêu là tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được sự tăng trưởng cao, chất lượng và bền vững; cải thiện cơ bản điều kiện sống của người dân nông thôn, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Để đạt được mục tiêu đó, ngành cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ như: việc củng cố và quy hoạch thủy lợi, quy hoạch vùng chuyên canh đều phải gắn với nhu cầu của thị trường và gắn với tình hình biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu KHKT vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, để hạn chế dịch bệnh; chú trọng đến công tác lai tạo giống mới, đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất; khuyến khích các mô hình sản xuất theo quy trình Vietgap hoặc Globalgap để có những nông sản an toàn; tích cực giải quyết đầu ra cho nông sản; bên cạnh đó ngành cũng có chính thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chính sách đào tạo nguồn nhân lực,… Đây cũng là giai đoạn mà toàn ngành đang thực hiện đề án nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cũng như  chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, với những giải pháp đưa ra, cho thấy sự quyết tâm cao của ngành nông nghiệp nói riêng và của toàn Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Trên thực tế, không chỉ riêng Vĩnh Long mà trên phạm vi toàn vùng, hiện cũng có nhiều mô hình ở nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng đã và đang nỗ lực hướng tới quy trình sản xuất nông sản sạch, với mong muốn đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường khó tính và luôn biến động, qua đó cũng nhằm hạn chế những rủi ro trong sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 đơn vị đã ứng dụng quy trình thực hàng nông nghiệp sạch toàn cầu – Global Gap – và được trao chứng nhận đó là: HTX bưởi 5 Roi Mỹ Hòa, HTX chôm chôm Tích Khánh, xã Tích Thiện, Trà Ôn và Doanh nghiệp Biofeed với sản phẩm cá tra đây được xem là một trong số những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực thủy sản áp dụng quy trình nuôi hiện đại này. đây được xem là nhân tố tích cực để giúp cho nghề nuôi cá tra tỉnh nhà đi vào thế ổn định.

 

Là cây trồng chủ lực của cả nước, cũng như của Vĩnh Long, nhiều năm qua, cây lúa có đóp góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong tình hình mới, Ấn Độ, Pakistan, và Myanmar là những nước có lợi thế về sản phẩm gạo giá rẻ chứ khộng phải Việt Nam nữa, do đó, việc sản xuất gạo chất lượng cao là con đường mà nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới. Nằm trong xu thế chung đó, nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng đã cùng với bà con hình thành nên nhiều vùng lúa chất lượng cao, an toàn như mô hình những cánh đồng mẫu lớn, mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa,…

Và với nhận thức và quyết tâm của bà con ngày càng đúng hướng, nên mục tiêu của tỉnh là xây dựng 30.000 ha lúa chất lượng cao vào năm 2015 sẽ có nhiều cơ hội hoàn thành.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, hay với các sản phẩm rau màu – đây là những mặt hàng có nhiều rủi ro về dịch bệnh và độ nhạy cảm cao với thị trường – thì lại thiếu mô hình ứng dụng quy trình sản xuất an toàn – GAP. Trong thời gian qua tuy có nhen nhóm thực hiện ở một số nơi như chăn nuôi gà, heo theo hướng an toàn sinh học ở Mang Thít và Long Hồ, xuất hiện các Hợp tác xã rau an toàn,… nhưng chưa đi đến đích cuối cùng.

Dù còn nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu nhân lực nhưng ngành nông nghiệp Vĩnh Long sẽ nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này trong thời gian sớm nhất.

Thúy Hằng- Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *