Bên bờ hạnh phúc

 Trong kế hoạch thực hiện nghị quyết 12, hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “ Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, tất cả các tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh Vĩnh Long đều tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tuyến xã-phường-thị trấn. Đây là một trong các biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi hiện nay, trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở còn hạn chế,  chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. 

Trong số 20 cán bộ, công chức đang làm việc tại xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, hiện còn 6 đồng chí chưa được học lý luận chính trị lẫn nghiệp vụ chuyên môn. Trong đó có một số cán bộ chủ chốt, do trình độ văn hóa thấp nên chưa đủ điều kiện chuẩn hóa nghiệp vụ, chuyên môn. Số cán bộ, công chức còn lại, dù đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn nhưng cũng chưa được bài bản, chính quy. Trong khi đó, Long Mỹ được chọn là xã điểm xây dựng xã nông thôn mới. Vì vậy tất cả cán bộ, công chức ở đây phải được chuẩn hóa trình độ mọi mặt thì mới đạt tiêu chí đã đề ra. 

Không riêng xã Long My, mà ở tất cả 107 xã- phường-thị trấn của tỉnh Vĩnh Long còn khá nhiều cán bộ, công chức chưa được chuẩn hóa về trình độ mọi mặt. Theo thống kê của Sở Nội vụ, số cán bộ, công chức cấp xã-phường-thị trấn chưa được học chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước hiện còn đến 40%. Số cán bộ, công chức chưa được học lý luận chính trị còn đến 51%. Trong đó có trên 25% là cán bộ chủ chốt. Phần lớn số cán bộ, công chức cũng chưa được học nghiệp vụ hỗ trợ, chưa biết căn bản về tin học-ngoại ngữ cho nên trong giao tiếp và trong công việc hàng ngày còn phải phụ thuộc vào người khác. 

 

Do chưa được chuẩn hóa về trình độ mọi mặt nên hiệu quả hoạt động của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức xã còn rất hạn chế. Phần lớn họ chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, chưa bao quát được tình hình, còn thụ động trong thực thi nhiệm vụ, chậm thích ứng khi chuyển sang nhiệm vụ mới. Nhiều cán bộ, công chức chưa có khả năng tư duy, dự báo, xây dựng chương trình kế hoạch, thiếu khả năng nghiên cứu tổng hợp, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và còn hạn chế trong phối hợp công việc nên hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa tốt, còn gây phiền hà cho nhân dân. 

Một trong những nguyên nhân làm cho không ít cán bộ, công chức chưa được chuẩn hóa, là do công tác quản lý cán bộ chậm được đổi mới, còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Đơn cử như, trước khi tiến hành đại hội Đảng bộ cấp xã-phường-thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015, tất cả các địa phương đều đã quy hoạch xong cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số cán bộ này đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, quản lý nhà nước và nghiệp vụ hỗ trợ, được cơ cấu vào cấp ủy khóa mới. Thế nhưng qua bầu cử có khá nhiều người không trúng cử. Chính do đội ngũ cán bộ chuyên trách biến động sau mỗi nhiệm kỳ đã làm cho công tác chuẩn hóa gặp nhiều khó khăn.  

Một nguyên nhân khác cũng gây trở ngại cho công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức, là do áp lực công việc ở tuyến xã-phường-thị trấn ngày càng cao. Thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ, công chức ai cũng muốn được đi học để nâng cao trình độ mọi mặt nhưng do công việc hàng ngày ở cơ quan không có người thay thế nên họ không thể đi học. Trong khi đó, để đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, ít nhất cũng phải mất vài năm. Mặt khác, do chế độ đãi ngộ cho người đi học chưa thỏa đáng nên nhiều người cũng không mặn mà với công việc này. 

Một nguyên nhân khác cũng làm cho công tác chuẩn hóa cán bộ gặp khó khăn, là do chưa có chế độ chính sách giải quyết đầu ra cho số cán bộ lớn tuổi hiện đang công tác ở các xã-phường-thị trấn. Đa phần số cán bộ lớn tuổi có độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị lẫn nghiệp vụ chuyên môn, hoặc trước đây đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng so với chuẩn mới hiện nay thì chưa đạt yêu cầu. Do lớn tuổi nên họ không còn đủ điều kiện để đi học chuẩn hóa trình độ. 

Còn một nguyên nhân khác nữa cũng làm cho công tác chuẩn hóa gặp trở ngại, là do đời sống của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ không chuyên trách ở tuyến cơ sở còn nhiều khó khăn. Số cán bộ này không được hưởng lương mà chỉ có phụ cấp trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ cũng phải làm việc mỗi ngày 8 tiếng, kể cả ngày thứ Bảy. Quỹ thời gian đã dành hết cho công việc ở cơ quan nên họ khó có thể kiếm thêm thu nhập ngoài giời. Trong thời buổi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao như hiện nay, với mức phụ cấp ít ỏi này, phần lớn cán bộ cơ sở đều gặp khó khăn về kinh tế gia đình nên không thể đi học được. 

Chính những nguyên nhân nêu trên đã dẫn đến thực trạng, là số cán bộ, công chức tuyến xã-phường-thị trấn chưa được chuẩn hóa hiện nay vẫn còn rất nhiều, dẫn đến hậu quả, là không chủ động được nguồn cán bộ cho việc bố trí thay thế, thiếu nguồn bổ sung, làm cho lực lượng cán bộ tuyến cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý bị hụt hẫng.  

Để nâng cao năng lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên, trong kế hoạch thực hiện nghị quyết 12, hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “ Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” tất cả các tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh Vĩnh Long đã đề ra giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã phường đạt chuẩn về trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, trước mắt là đáp ứng việc quy hoạch cấp ủy, cán bộ chủ chốt nhiệm 2015-2020. 

 

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 2.250 cán bộ, công chức đang làm việc ở 107 xã, phường, thị trấn. Trong đó, cán bộ chuyên trách chiếm phân nửa, phân nửa còn lại là cán bộ bán chuyên trách. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã – phường, tiến tới thực hiện chuẩn hóa theo quy định của Chính phủ, hiện nay các địa phương đang rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. Trên cơ sở đó mà quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, để triển khai thực hiện lộ trình thay thế những cán bộ không đạt chuẩn về trình độ. 

Xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở gần dân, sát dân nhất. Chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ ở đây quyết định hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện nghị quyết 12, hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương XI về “ Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đang quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp xã –phường-thị trấn có đầy đủ phẩm chất năng lực, có uy tín đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đây cũng là một trong các biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *