Bên bờ hạnh phúc

Từ  một tỉnh thuần nông, 20 năm sau ngày chia tách tỉnh, Vĩnh Long đã có nhiều chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ.

 

Năm đầu tiên tách tỉnh, cơ cấu kinh tế Vĩnh Long có đến 68% là nông nghiệp; thương mại dịch vụ chỉ chiếm hơn 22% và công nghiệp – xây dựng chỉ trên 9,5%.

Đến năm 2012 này, Vĩnh Long có kế hoạch đưa tỉ trọng nông nghiệp còn 48%; nâng tỉ trọng công nghiệp lên 34% và thương mại dịch vụ chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. GDP trong giai đoạn này tăng trưởng ở mức khá cao vời tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 17%/ năm.

 Có thể nhận thấy đặc điểm chung nhất của ngành sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Long là sự đa dạng và  phân tán. Qui mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Từ lâu, Vĩnh Long được biết đến bởi những làng nghề sản xuất gạch ngói ven sông Tiền. 15 năm trở lại đây, làng nghề này bổ sung thêm sản phẩm mới là gốm đỏ, một sản phẩm đặc thù của địa phương. Song, do tác động của suy thoái kinh tế, nghề này ít nhiều bị mai một, nhưng gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đã  có thời gian thể hiện tính năng động tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đổi mới kinh tế của đất nước.

Những nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phản ánh đặc trưng của một tỉnh có giao thông đường thủy là thế mạnh. Như nghề sản xuất nước mắm ven sông Hậu. Tuy là tỉnh không có biển, xa nguồn nguyên liệu nhưng nước chấm Vĩnh Long được tiêu thụ khắp miền Tây Nam bộ. 

20 năm qua, Vĩnh Long kết nối giao thương thuận lợi hơn nhờ hệ thống  đường bộ phát triển. Trong số 3 bến phà lớn ngày trước thì nay chỉ còn phà Đình Khao kết nối với Bến Tre qua quốc lộ 57. Hai bến phà Mỹ Thuận và Cần Thơ đã được thay thế bằng 2 chiếc cầu dây văng lớn. Cùng với hệ thống các tuyến quốc lộ qua địa bàn và các tuyến tỉnh lộ đã giúp cho Vĩnh Long phát triển nhanh về công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ.

 

Năm 2005, Hòa Phú là khu công nghiệp tập trung đầu tiên của tỉnh được thành lập. Qua hơn 7 năm, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã hình thành 2 khu công nghiệp và 1 tuyến công nghiệp với tổng diện tích khoảng 470 ha.     

Chỉ riêng khu công nghiệp Hòa Phú, đến nay toàn bộ 122 ha đất đã được lắp đầy với 16 nhà đầu tư đăng ký thuê đất. Tổng số vốn doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này đạt 625 tỷ đồng và 90 triệu đô – la Mỹ. Nhiều dự án đầu tư vào đây bắt đầu phát huy hiệu quả và có sự đóng góp lớn vào tăng trưởng công nghiệp địa phương. Đặc biệt, ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài chọn Vĩnh Long làm địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất. Đó là kết quả cả một quá trình Vĩnh Long đề ra các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế mà thời điểm khởi động là năm 2003.

Nếu như khu công nghiệp Hòa Phú có giao thông đường bộ là chính thì khu công nghiệp Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên được tỉnh qui hoạch có vị trí địa lý thuận lợi cả đường bộ và đường thủy. Như Khu công nghiệp Bình Minh nằm tả ngạn sông Hậu, tiếp giáp với Cần Thơ nên sử dụng được hạ tầng của đô thị loại 1 trực thuộc TW. Diện tích đất cho thuê của Khu công nghiệp này hiện đạt 47%.

Riêng tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã san lắp mặt bằng được 70% khu 4 và 100% đất công nghiệp được giao cho nhà đầu tư. Các khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Long đã góp phần nâng cao tỉ trọng công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu chung của nền kinh tế và có sự chuyển biến rõ nét kể từ khi tái lập tỉnh năm1992, với tốc độ tăng trưởng bình quân 21%/ năm.

 

 

 

Thương mại và dịch vụ trong 20 năm qua đã thể hiện vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Đây cũng là khu vực kinh tế chiếm tỉ lệ lớn thứ hai chỉ sau nông nghiệp. Thương mại nội địa có sự phát triển nhanh chóng nhờ việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác chợ. Nhiều chợ cũng được chuyển đổi mô hình quản lý sang doanh nghiệp, HTX nên đã có sự chuyển biến nhanh. Với 108 chợ hiện có trên địa bàn, Vĩnh Long được xem là tỉnh có mật độ chợ cao so với nhiều tỉnh trong vùng. Bình quân mỗi đơn vị hành chính cấp xã có một chợ, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

Khu vực đô thị, thành phố Vĩnh Long ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng và khai thác các trung tâm dịch vụ, siêu thị. Qua đó hình thành hệ thống bán lẻ hiện đại cùng hoạt động song hành với chợ truyền thống. Từ đó thúc đẩy nâng cao vai trò văn minh thương mại trong nền kinh tế thị trường.

 

 

Hoạt động xuất khẩu từ chỗ qui mô nhỏ, chủ yếu là sơ chế xuất khẩu thô các loại nông sản như: lúa gạo, trái cây, thủy sản, trứng vịt, v.v… Vĩnh Long đã từng bước hình thành nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, như: trái cây, nấm rơm đóng lon, v.v… Cùng với các mặt hàng công nghiệp chế biến khác, trong năm 2012 này, Vĩnh Long đặt mục tiêu xuất khẩu 390 triệu đô – la Mỹ giá trị hàng hóa sang thị trường các nước trên thế giới. 

Nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng hướng mà 20 năm qua, Vĩnh Long từng bước tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ. Tuy sau 20 năm chia tách tỉnh, Vĩnh Long đã có bước chuyển đổi ấn tượng về cơ cấu kinh tế nhưng nhìn chung Vĩnh Long vẫn cơ bản là tỉnh thuần nông. Tỷ trọng nông nghiệp – thủy sản trên địa bàn tỉnh còn xấp xỉ 50% và cao hơn bình quân các tỉnh khu vực ĐBSCL.

 

Do vậy, trong những năm tiếp theo, Vĩnh Long tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp còn khá cao thì xây dựng nông thôn mới là lựa chọn hàng đầu để phát triển kinh tế đồng bộ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để thực hiện mục tiêu trước mắt, đến cuối năm 2012 này, Vĩnh Long nâng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, từ đó kéo giảm tỷ trọng nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản còn 48%. Trong đó, chú trọng sản xuất theo hướng toàn diện, bền vững, hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *