Bên bờ hạnh phúc

Xưa nay, theo triết lý Phương Đông, nhiều người vẫn luôn quan niệm rằng: Đầu xuôi thì đuôi lọt. Hễ việc gì thuận lợi vào lúc đầu; về sau sẽ tốt đẹp, viên mãn . Phong tục khai trương cũng bắt đầu từ đó,  với niềm ước mong sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc làm ăn.

Ban đầu , niềm mong ước về sự hưng thịnh đó chỉ xuất hiện trong cách nghĩ, dần dần trở thành cách làm phổ biến ,để cầu mong sự tốt lành trong câu chuyện làm ăn, nhất là trong những ngày đầu năm mới.

 

Tục khai trương có nguồn gốc từ xa xưa, xuất phát từ sự hiện diện của những hoạt động thương nghiệp. Lúc bấy giờ ,  người mua bán có nhu cầu công bố hoạt động của mình và mong muốn được nhiều người biết đến. Từ đó,  trở thành thói quen được áp dụng rộng rãi. Thương gia ở khắp nơi dần xem khai trương như một hoạt động không thể thiếu trong làm ăn mua bán. Hoạt động này dễ dàng bắt gặp ở những thương cảng lớn.

Theo chân những thương gia, tục khai trương dần phổ biến. Trong quá trình giao thoa văn hóa và tương tác giữa các nền văn minh,  khai trương không chỉ  là một hoạt động đơn thuần xuất phát từ nhu cầu công bố với công chúng nữa, mà đã trở thành một phong tục gắn liền với người bản xứ.

Khái niệm khai trương dù tồn tại ở nền văn minh Phương Đông hay phương Tây, thì vẫn gắn liền với những hoạt động thương nghiệp, mua bán. Tuy nhiên, phong tục ấy được thể hiện bằng nhiều dạng thức khác nhau, tùy theo từng điều kiện cụ thể mà có những tên gọi khác như: khai trương, khánh thành, động thổ, khởi công..vv… Nhưng dù ở dạng thức nào, cũng đều gặp nhau ở một điểm chung là: mong muốn sự bắt đầu tốt đẹp.

Trong tâm thức người Việt, phong tục khai trương mang ý nghĩa mong cầu điều may mắn nhất sẽ đến vào thời khắc đầu tiên. Bởi” vạn sự khởi đầu nan”. Nếu “khởi sự” thành công thì :”van sự” đều tốt đẹp.

Có lẽ vì thế mà chủ nhân của lễ khai trương thường chuẩn bị công phu nhiều lễ vật dâng cúng tổ tiên, đất đai..vv… để gửi gắm điều mình kỳ vọng. Lễ vật có thể không  cầu kỳ, nhưng cũng không quá đơn giản. Cần nhất là phải đủ lễ như: đèn hương, hoa, quả, trầu, cau… kèm theo con heo, hoặc gà, vịt…, tùy vào quy mô cụ thể mà có những lễ vật khác nhau.

Lễ cúng được bày trí trang trọng , bày tỏ lòng nhiệt  thành của gia chủ. Những chủ gia gắn liền với hoạt động thương nghiệp, mua bán thường thờ cúng Thần Tài, Thổ Địa. Hai vị thần này, trong quan niệm dân gian, gắn bó thân thiết với mỗi gia đình.

Bàn thờ thường được bày giữa nhà, ngay lối ra vào cho dễ nhìn thấy nhất. Bởi tâm thức người Việt cho rằng Thần Tài, Thổ Địa sẽ quan sát được việc bán mua và giữ lộc cho gia chủ. Ngày khai trương, nghi thức cúng 2 vị cũng trang trọng và chu đáo hơn.

 

Sau lễ cúng sẽ là phần tiệc dành cho gia đình, bạn bè, khách mời..vv… Lúc này tục khai trương còn mang một ý nghĩa thiết thực như vốn dĩ đã có là: công bố với mọi người về hoạt động của mình và giao lưu tạo cơ hội làm ăn.

Ý nghĩa chung là vậy, nhưng trong môi trường văn hoa Việt thì tục khai trương xuất hiện nhiều ở những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên Đán.  Cứ mỗi năm mới là người mua bán sẽ chọn một ngày để : “Khai trương lại” hay còn gọi là khai trương đầu năm. Nghi lễ này thể hiện một chu kỳ thời gian; và tục khai trương lại bắt đầu cho chu kỳ ấy. Khai trương với kỳ vọng tất cả mọi ưu phiền của năm cũ sẽ qua đi và bắt đầu một chu kỳ làm ăn mới , nhiều thuận lợi và phát đạt trong năm.

Hoạt động mở đầu cho ngày khai trương cũng không kém phần quan trọng đối với chủ gia. Vị khách đầu tiên đến nhà được định danh là “người mở hàng”. Người mở hàng thường phải là người có phong thái mau mắn, lẹ làng, vui vẻ…mà dân gian quen gọi là “tốt vía”. Nhân vật này thường được dặn dò chủ động bắt đầu việc mua bán cho suôn sẻ. Người đầu tiên “mở hàng” thực hiện việc giao thương cũng nên đưa tiền chẳn để người bán thối lại tiền lẻ , như quan niệm có: “đồng ra đồng vào”,  xem như việc mở hàng thành công….

Chuyện xưa là vậy, phong tục khai trương ngày nay cũng đã khác nhiều và được điều chỉnh dần theo xu hướng kinh doanh hiện đại. Những nghi lễ cầu kỳ cũng dần được đơn giản nhưng vẫn trang trọng.

Phạm vi diễn ra hoạt động văn hóa ấy cũng không bó hẹp ở một nhóm đối tượng kinh doanh nào mà ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống.

 

Một trong những nghi thức góp phần cho ngày khai trương thêm ý nghĩa là hoạt động múa lân-sư-rồng. Những điệu bộ, cử chỉ, nét mặt hay nhịp điệu thể hiện niềm mong muốn sự hanh thông phát đạt, sung túc trong câu chuyện làm ăn mua bán.

Bài múa lân khai trương cũng khác với bài múa lân chúc tết. Thường diễn ra những ngày đầu Tết Nguyên Đán, bài múa với lân bạc, rồng vàng đặc biệt được ưa chuộng vì tượng trưng cho vàng bạc đến nhà. Người ta tin rằng múa lân có thể mang đến ”khí lực” cho công việc làm ăn phát đạt. Người đến xem cũng góp phần sinh động tạo không khí tấp nập cho việc kinh doanh.

Ngày nay, trong môi trường văn hóa mới, tục khai trương cũng được điều chỉnh dần cho phù hợp . Nghi lễ ấy cũng không chỉ dành riêng cho giới kinh doanh, thương mại mà dần dần pho biến rộng rãi  hơn. Tuy nhiên, dù xuất hiện ở đâu, dưới bất kỳ dạng thức nào thì tục khai trương vẫn được giữ nguyên ý nghĩa trọn vẹn là mong cầu sự khởi đầu tốt lành, như ý.

Những ngày đầu năm cũng là lúc rộn ràng bắt đầu cho chu kỳ làm ăn mới. Khai trương cũng không còn là một hoạt động thương mại đơn thuần mà trở thành một phong tục đẹp của người Việt, được nhiều người hưởng ứng với niềm hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ, hưng thịnh trong năm.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều hoạt động văn hóa cũng được quan tâm phổ biến. Chắc rằng phong tục khai trương sẽ là một nét văn hóa đẹp làm phong phú đời sống con người , luôn muốn vươn đến những điều tốt đẹp.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *