Bên bờ hạnh phúc

Để nâng cao hiệu quả canh tác, đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm qua ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã có nhiều nổ lực để chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng rau màu theo hướng an toàn. Tuy nhiên, nếu nhìn lại xuất phát điểm thì chương trình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh chưa tiến triển như kỳ vọng. Trong khi nhu cầu của thị trường về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng thì tại các cơ sở sản xuất rau an toàn được tỉnh tập trung đầu tư vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán sản lượng và đầu ra.

 

Tổng thể là vậy, nhưng tại một số địa phương cũng dần hình thành được những hình thức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn có nhiều triển vọng. Hiệu quả kinh tế cũng như cách thức tổ chức sản xuất hợp lý đã tạo được lòng tin cho nhiều bà con nông dân khi tham gia canh tác rau màu theo hướng an toàn. Đây có thể là những mô hình gợi mở hướng đi cho lĩnh vực sản xuất rau an toàn ở Vĩnh Long trong thời gian tới.  

 Đậu bắp xanh là loại cây trồng đã góp phần làm cho Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Thành Lợi – huyện Bình Tân được nhiều người biết đến. Vào thời điểm năm 2005, đây được xem là mô hình điểm về mối liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và người nông dân trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn ở Vĩnh Long. Và từ nơi này, giống hoa màu ăn trái này đã được công ty bao tiêu nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh và khu vực ĐBSCL.

 Đáng tiếc là sự hấp dẫn của cây đậu bắp xanh trên địa bàn Vĩnh Long bị giảm dần theo thời gian. Nhiều mô hình luân canh đậu bắp trên đất lúa đành phải dừng lại sau vụ trồng đầu tiên.

Tuy vậy, cũng có một vài địa phương vẫn duy trì hình thức sản xuất này nhiều năm qua. Đây là những nơi có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, đơn vị thu mua và bà con nông dân đã từng bước tìm được tiếng nói chung trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ.

Điển hình như tại ấp 2 xã Hòa Lộc huyện Tam Bình. Thấy được cây đậu bắp xanh có tiềm năng để luân canh trên nền đất lúa, chính quyền địa phương đã thành lập tổ hợp tác để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với công ty thu mua. Tuy diện tích chỉ gói gọn ở phạm vi 5 đến 10 ha mỗi vụ, nhưng nhờ tổ chức tốt khâu sản xuất và tiêu thụ nên cây đậu bắp xanh đã được duy trì ở đây hơn 05 năm.

Vụ Xuân Hè là thời điểm thích hợp để đưa đậu bắp thay thế 01 vụ lúa. Trong năm 2012 này, tổ hợp tác đã xuống giống được 08 ha. Nhờ diện tích trồng được tập trung liền kề nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ dịch hại, tránh được mâu thuẩn về nguồn nước tưới với các ruộng trồng lúa. Mặt khác, khâu vận chuyển, tập kết sản phẩm của tổ viên cũng thuận lợi hơn. Còn về phía đơn vị bao tiêu sản phẩm, thì cách tổ chức này giúp họ dễ dàng kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân để có phương án điều chỉnh kịp thời. 

Ngoài có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, được tổ chức sản xuất khá chặt chẽ thì hiệu quả kinh tế khá cao chính là yếu tố rất quan trọng để cây đậu bắp xanh duy trì lâu năm ở vùng đất này.

 

Năm 2012 giá thu mua đậu bắp đã được tăng lên khá mạnh. Theo hợp đồng thì mức giá dao động từ 5-7 ngàn đồng/kg, tùy vào tích cỡ. Với năng suất bình quân từ 10 đến 15 tấn trái, mỗi ha đậu bắp sau khi trừ hết tất cả chi phí người trồng có thể thu lãi từ 5-7 triệu đồng.

Bên cạnh giá cả thì hình thức thu mua đậu bắp cũng được điều chỉnh theo hướng “thuận mua vừa bán”. Nếu như trước đây, đơn vị bao tiêu mang sản phẩm về phân loại ở xưởng chế biến thì hiện nay khâu này đã được thực hiện trực tiếp tại điểm thu mua. Từ đó, nông dân cũng cảm thấy được sự rõ ràng hơn trong quá trình bán sản phẩm, củng cố được lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu. 

Tuy với diện tích rất nhỏ nhưng qua đây cho thấy, để vấn đề sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đạt hiệu quả cao, thu hút nông dân tham gia thì đòi hỏi phải tích hợp được nhiều yếu tố. Ngoài biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo dựng phong trào của ngành chức năng thì khâu tổ chức sản xuất tại địa phương có vai trò hết sức quan trọng.

Qua tìm hiểu thì hiện có từ 4-5 doanh nghiệp đang thu mua giống đậu bắp xanh để chế biến xuất khẩu. Với diện tích gieo trồng chỉ hơn 100 ha hàng năm thì Vĩnh Long chưa đáp ứng được nhu cầu có nguồn nguyên liệu hàng ngàn tấn mà các doanh nghiệp này đang cần. Thiết nghĩ, nếu có sự hỗ trợ, điều tiết của ngành chức năng về mặt kỹ thuật, kiểm soát chất lượng nguồn giống thì có nhiều tiềm năng mở rộng diện tích trồng đậu bắp xanh theo hướng an toàn, đưa Vĩnh Long thành vùng nguyên liệu quan trọng cho các công ty xuất khẩu nông sản.

Trong bối cảnh mà vấn đề tìm đầu ra cho rau an toàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, những mô hình như tổ hợp tác trồng đậu bắp xanh ở ấp 2 xã Hòa Lộc có thể xem là điểm sáng, gợi mở ra hướng đi cho nhiều chủng loại rau an toàn có nhiều tiềm năng khác ở Vĩnh Long./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *