Bên bờ hạnh phúc

Những năm qua, mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình được đánh giá là phương cách làm ăn hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình của rất nhiều hộ nông dân tại các xã vùng ven Thành phố Cà Mau. Nhiều hộ nuôi với quy mô trang trại đã có nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Điều này, mở ra một hướng đi mới, bền vững cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh này.

 

Thay vì hàng năm phải tranh thủ nước mưa để trồng 02 vụ lúa, thì nay, bà con nông dân ở phường Tân Thành, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã sử dụng lượng nước mưa dành được để nuôi cá, hiệu quả thu được rất cao. Qua tính toán từ thực tiễn của bà con, cho biết, nếu trồng lúa thì 1 ha, 2 vụ chỉ thu lãi nhiều nhất là 20 triệu đồng; còn nuôi cá chình hay cá bống tượng thì hiệu quả cao gấp 50 – 60 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy mà hầu hết diện tích đất lúa ở địa phương được dịch chuyển sang mô hình nuôi cá như thế này diễn ra rất nhanh chóng. Trong số 800 ha đất sản xuất nông nghiệp của phường Tân Thành, trong vòng 5 năm trở lại đây diện tích chỉ còn khoảng 200 ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, con số ấy hiện cũng đang giảm dần từng ngày .

Với khuôn viên gần 4 ha ao nuôi, trang trại của ông Cao Văn Khứng ở khóm 2 phường Tân Thành được xem là một trong những trang trại nuôi cá chình, cá bống tượng có quy mô lớn và đạt hiệu cao tại địa phương. Hơn 5 năm trước, diện tích đất này vẫn được gia đình ông Cao Văn Khứng canh tác lúa như nhiều hộ khác xung quanh, mỗi năm tiền lãi thu được chỉ vừa đủ để xoay xở chuyện gia đình, chứ không thể có dư nhiều để tích lũy. Thấy những hộ gần đó đã duy trì nghề nuôi cá chình, cá bống tượng hàng chục năm và họ vẫn đang gặt hái những kết quả rất đáng mừng, vậy là ông về bàn với gia đình chuyển đất nhà sang nuôi cá. 

Như ông Khứng chia sẻ, nguồn con giống, chất lượng con giống, thức ăn đầu vào và chuyện tiêu thụ vẫn đang là những vấn đề khó khăn chung của người nuôi cá ở đây. Tuy nhiên, bà con vẫn có lời cao, nguyên nhân chủ yếu là nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật và giá cá đầu ra luôn ổn định ở mức cao, do vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn sống được với nghề nuôi cá này.

Do chủ yếu tận dụng nguồn nước mưa để nuôi cá, nên mùa vụ thả nuôi thường bắt đầu rộ vào mùa mưa, và theo đó giá cá giống cũng tăng cao. Rút kinh nghiệm sau nhiều năm, ông Cao Văn Khứng không thả nuôi theo mùa vụ như thường lệ mà ông chọn cách thả nuôi trải đều. Hầu như tháng nào ông cũng có ao  thả nuôi mới và vì vậy, việc thu hoạch ông cũng có thể chủ động chờ thời điểm giá hợp lý để bán. Nhờ vậy, những năm qua, trang trại nuôi cá của ông năm nào cũng thu được lãi cao, và ông được đánh giá là một trong những hộ nuôi cá bống tượng, cá chình thành công nhất ở địa phương.

 

Những năm gần đây, khi nghề nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL ngày càng gặp khó, khiến người dân và ngành chức năng những địa phương này tự tìm cho mình những giải pháp riêng để vượt qua cái bóng của nghề tôm. Với tỉnh Cà Mau mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng được xem là cứu cánh cho bà con nông dân. Cá chình và cá bống tượng sinh trưởng rất tốt trong môi trường nước ngọt, vì vậy, việc nuôi hai đối tượng này ở những vùng mặn và vùng lợ sẽ là một thách thức lớn đối với họ. Tại những nơi xung quanh toàn là nước biển, nhưng bà con vẫn có những ao nước ngọt hết sức quý giá để nuôi cá. Có truyền thống hơn 15 năm với mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, các xã, phường ngoại ô của Thành phố Cà Mau, trong đó có phường Tân Thành, những năm qua được xem là điểm đến học tập kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Phường Tân Thành có 2 vùng nuôi rõ rệt, một vùng phù hợp để nuôi cá chình, một vùng phù hợp để nuôi cá bống tượng. Tuy nhiên, bà con ở đây thả nuôi đan xen cả hai đối tượng này tùy khả năng tài chính của từng hộ, nhưng lợi nhuận vẫn tương đương nhau. Thông thường những hộ ít vốn thì chọn nuôi cá bống tượng. Vì thời gian nuôi trong vòng 1 năm là có thể thu hoạch; còn cá chình thì thời gian nuôi lâu hơn, mà hễ nuôi càng lâu cá càng có giá cao. Vì vậy, mô hình thường dành cho những người vốn nhiều và chấp nhận rủi ro cao.

Hiện nay, với sự thành công của mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau đã mở thêm một hướng đi mới giúp bà con ở vùng nước mặn tỉnh này có cơ hội làm giàu mà không cần phụ thuộc nhiều vào con tôm nữa.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *