Bên bờ hạnh phúc

Mấy năm nay, vùng màu Bình Tân đã trở thành thương hiệu, đời sống nông dân nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Đây chính là kết quả từ những vụ rau màu bội thu.

Những ngày giáp Tết Tân Mão, vùng chuyên canh cây rau màu của huyện Bình Tân nhộn nhịp hẳn lên. Dọc theo tuyến kinh Mười Thới và tỉnh lộ 908, từng chuyến xe hàng có trọng tải lớn, với đầy ắp những rau quả tươi vừa mới thu hoạch từ chân rẫy, hối hả xuôi ngược về các khu chợ lớn ở thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM, rồi từ đó tỏa đi khắp nơi, để kịp tham gia chợ Tết. Trong các loại rau quả Bình Tân đến với thị trường Tết năm nay, có một loại quả không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, đó là dưa hấu.

Cán bộ nông nghiệp huyện cho biết : Vài năm trở lại đây, kể từ khi hệ thống thủy lợi được khép kín, nguồn nước tưới tiêu cho rau màu được chủ động hoàn toàn, thì cây dưa hấu được trồng quanh năm trên đất ruộng. Nhưng có lẽ cây dưa hấu bén rễ nhất, tươi tốt nhất, là vào tiết trời xuân ấm áp. Vụ dưa hấu Tết năm nay ở huyện Bình Tân được khởi động từ giữa tháng 10 Âm lịch, xuống giống đồng loạt trên 200 hécta, tăng khoảng 60 hécta so với năm ngoái. Tầm Vu, vùng đất trũng mới khai phá, trải rộng trên địa bàn bốn xã : Tân Hưng, Tân Thành, Thành Trung và Thành Đông, là nơi hội tụ những giống dưa tốt cho năng suất cao và chất lượng trái ngon. Các giống dưa mới như : Bảo Long, Hắc Mỹ Nhân, Thanh Mỹ Nhân, tỏ ra ưu thế, với đặc điểm là trái dài, tuy có trọng lượng không lớn lắm, nhưng được nhiều người ưu chuộng nhờ có vị ngọt thanh. Các giống dưa truyền thống như : Dưa An Tiêm, dưa Hồng Cúc… với đặc điểm là trái to căng tròn, trông rất đẹp mắt, dành để chưng trong mấy ngày Tết cũng được trồng nhiều.

Năm nay, thời tiết thuận lợi cho suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dưa nên bà con ở Bình Tân chi phí đầu tư không nhiều mà năng suất dưa lại cao hơn năm ngoái

 

Một số bà con trồng dưa cho biết : Năm nay, thời tiết thuận lợi cho suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dưa nên chi phí đầu tư tiêu tốn không nhiều mà năng suất dưa lại cao hơn năm ngoái. Đối với các giống dưa mới trong nước, năng suất đạt trên 3 tấn mỗi công. Còn đối với các giống dưa truyền thống, năng suất cao gấp đôi. Vào thời điểm giáp Tết, có khá nhiều thương lái đến đây thu mua dưa để bán trong dịp Tết cổ truyền. Giá dưa đặt cọc sớm tại rẫy cho dù có thấp hơn chút ít so với năm ngoái, nhưng sau khi trừ chi phí sản xuất, bà con cũng có thể nghĩ đến một cái Tết ngọt ngào như vị dưa Xuân. So với trồng lúa vụ này, mức lợi nhuận từ trồng dưa khá hơn, thời gian dưa cho thu hoạch cũng được rút ngắn một tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân Bình Tân xuống giống tiếp vụ khoai lang chủ lực của năm mới. Dưa hấu trúng mùa, giá dưa hái sớm tương đối ổn định nên bà con trồng dưa bán sớm xem như có lời. Anh Nguyễn Văn Tài, ở xã Tân Hưng, với 7 công dưa hấu được trồng trên đất ruộng, thu hoạch hơn 20 tấn, sau khi trừ chi sản xuất, vụ dưa này, anh còn lời hàng chục triệu đồng.

Mấy ngày cận Tết, thị trường thay đổi, mấy ruộng dưa muộn hơi khó bán và giá cũng thấp hơn nhiều. Những chủ dưa chờ cận Tết mất ăn, có phần kém vui. Tuy nhiên, hầu hết cũng đã có dưa cắt sớm, phần dưa muộn nầy coi như bù lại chi phí. Câu chuyện dưa Tết vui buồn lẫn lộn, vừa là bài học, vừa là bài toán cho năm mới. Không chỉ lo cây dưa hấu, bà con nông dân huyện Bình Tân nhiều năm nay còn khắm khá lên từ cây khoai lang. Được nuôi dưỡng bởi phù sa sông Hậu ngọt ngào, khoai lang Bình Tân từ lâu đã trở thành một đặc sản ngon nổi tiếng, có mặt trên khắp các tỉnh thành cả nước. Đối với các bậc “lão nông tri điền” ở xã Thành Đông, đề tài khoai lang Bình Tân vươn ra thị trường thế giới luôn mở đầu cho câu chuyện của ngày đầu năm mới. Thông tin về khoai lang đã được xuất khẩu sang một số nước châu Á càng làm cho bà con thêm phấn khởi. Bởi hiện tại, dù thị trường tiêu thụ khoai chỉ bó hẹp trong nội địa, thế nhưng đời sống của người trồng khoai ở đây cũng đã khá hơn trước rất nhiều.

Có mặt trên đất Bình Tân từ lâu, nhưng chưa bao giờ cây khoai lang lại phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Trên những cánh đồng trải rộng, cây khoai được trồng xen canh với cây lúa, xen canh với các loại hoa màu khác. Có cũng những chân ruộng trải dài chỉ dành riêng cho cây khoai sinh sôi nảy nở. Từ vài chục hécta bên dòng kinh Mười Thới, đến nay, cây khoai lang đã lan tỏa thành vùng chuyên canh rộng lớn, phủ kín các xã phía Bắc Quốc lộ 1A của huyện Bình Tân, với trên 3.000 hécta. Ngoài các giống khoai truyền thống của địa phương như, khoai bí đỏ, khoai dương ngọc, khoai trắng sữa, khoai nghệ… nổi tiếng gần xa, thì vài năm trở lại đây, một số giống khoai mới cho năng suất cao, chất lượng ngon cũng được nhập về đây, càng làm cho vùng chuyên canh khoai Bình Tân thêm phong phú, đa dạng. Trong đó, có giống khoai tím Nhật rất được ưa chuộng, làm hài lòng ngay cả những người tiêu dùng khó tính nhất. Năm nay, bà con trồng khoai ở Bình Tân đón một cái Tết khá sung túc, đây chính là kết quả từ sự bội thu cả hai vụ khoai trước Tết Nguyên đán. Chưa bao giờ khoai lang lại trúng mùa như vụ khoai đầu năm ngoái. Năng suất bình quân đạt trên 36 tấn/1 hécta, cá biệt có một số diện tích kéo dài thời gian nuôi khoai trên đất, năng suất đạt trên 50 tấn/hécta. Trong thời điểm thu hoạch rộ, có khá nhiều thương lái đến mua khoai. Người trồng khoai không còn phải vất vả đưa khoai đi tìm thị trường tiêu thụ như các năm trước. Bà con cho biết : Từ khi khoai lang có thêm thị trường tiêu thụ ngoài nước, một số doanh nghiệp thu mua đóng thùng xuất khẩu khoai sang Trung Quốc, Hàn Quốc… thì giá khoai rất hấp dẫn, từ 90.000 đồng, tăng lên 100.000 đồng, rồi giữ ổn định ở mức 120.000 đồng/tạ. Riêng giống khoai tím Nhật được mua với giá cao gấp đôi. Vừa trúng mùa, lại vừa được giá, ở vụ đầu năm ngoái, mỗi hécta khoai cho thu nhập trên 60 triệu đồng, trừ các chi phí sản xuất, người trồng khoai còn lời từ 40 – 50 triệu đồng.

Không chỉ ăn nên làm ra từ cây khoai lang, mặn mà với cây dưa hấu, mà trên thực tế cho thấy, bà con nông dân Bình Tân còn phất lên nhờ các loại rau màu khác, với những vụ mùa bội thu. Trong đó có một số loại rau màu thế mạnh truyền thống đang tham gia thị trường Tết năm nay. Ngay từ giữa tháng 11 âm lịch, bà con nông dân huyện Bình Tân đã xuống giống khoảng 2.000 hécta rau xanh các loại để đón Tết Tân Mão. Vụ rau Tết năm nay được trồng tập trung nhiều nhất ở bốn xã : Tân Bình, Thành Lợi, Tân Hưng và Tân An Thạnh.

Để bảo đảm sự an toàn cho người tiêu dùng, thông qua các đợt tập huấn do Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Tân tổ chức, bà con nông dân ở đây đã hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng nông dược trên rau màu. Nhờ thời tiết thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại rau, nên vụ rau Tết này cho năng suất cao hơn vụ rau năm ngoái. Tuy nhiên, do sản lượng cung cấp quá nhiều nên giá rau Tết giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trồng rau. Điều này cho thấy, nghề trồng rau màu ở huyện Bình Tân không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cũng như nhiều loại nông sản khác ở ĐBSCL, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ để làm sao tránh được điệp khúc được mùa rớt giá vẫn còn là nỗi lo của người nông dân. Hễ năm nào bà con nông dân tăng diện tích trồng rau màu thì rau màu rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Điều đáng mừng là, để giải quyết đầu ra ổn định cho canh cây rau màu Bình Tân, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thành Lợi mới ký được một số hợp đồng với các công ty nhận đặt hàng sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau màu của xã viên. Các công ty này hỗ trợ các giống rau màu cho bà con. Riêng hợp tác xã thì quản lý sản xuất, đồng thời tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân giao cho công ty. Đây là tín hiệu vui cho cả vùng chuyên canh rau màu trong những ngày đầu năm mới.

Trên 3.000 hécta rau màu chuyên canh, cũng chính là những cánh đồng đạt 50 triệu đồng/hécta/mỗi năm mà huyện Bình Tân đã quy hoạch. Quyết định này là hướng đi đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Những kinh nghiệm về trồng rau màu, về tổ chức thị trường tiêu thụ của chính quyền và bà con nông dân làm chuyển đổi khá nhanh cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Những vụ mùa bội thu liên tiếp từ cây rau màu đã làm cho bộ mặt nông thôn Bình Tân, một huyện nghèo mới tách với nhiều khó khăn đã khởi sắc đi lên. Khu kinh tế mới Tầm Vu, Tân Hưng, Tân Thành, Thành Trung, Thành Đông, những xã vùng trũng trước kia, năm nào cung bị nước lũ uy hiếp tàn phá, nay đã thay da đổi thịt, với những công trình phúc lợi xã hội, với những căn nhà tường kiên cố khang trang được xây mới ngày càng nhiều, đã làm cho bà con đón một cái Tết phấn khởi.

Dưa hấu đỏ, cùng với rau xanh phong phú đa dạng về chủng loại không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền. Không chỉ làm giàu cho quê hương xứ sở, làm giàu cho gia đình của chính mình, mà với những đặc sản đẹp về mẫu mã, ngon về chất lượng, bà con nông dân ở vùng chuyên canh rau màu Bình Tân đã và đang góp phần làm cho mùa xuân thêm phần hương sắc. Ngày Xuân mới trên vùng đất ven dòng sông Hậu đang rộn ràng. Một năm với những mùa vụ nối tiếp đã qua, xen trong mùa rẫy trúng cũng còn nhiều trăn trở chuyện thị trường. Đầu Xuân xin chúc bà con năm mới sản xuất thuận lợi hơn, bớt nỗi lo, được thêm những niềm vui trọn vẹn.

THVL
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *