Bên bờ hạnh phúc

Chúng tôi về với Tam Bình những ngày ngập tràn không khí Tết, một vùng quê kiên cường trong đấu tranh cách mạng và đang thay da đổi thịt từng ngày. Không phải lần đầu tiên chúng tôi đến với mảnh đất này, nhưng vẫn dạt dào bao cảm xúc mới lạ. Những vườn cây, ruộng lúa mượt mà đã xóa mờ vết tích chiến tranh. Những con đường đất bùn lầy ngày trước, giờ đã thành đường bê tông, những chiếc cầu tre lắc lẻo bắt ngang sông cũng chỉ còn là ký ức của một thời.

Tam Bình nằm trên 2 tuyến giao thông chiến lược, đó là sông Mang Thít và Quốc lộ 1 – nối liền các tỉnh miến Tây về TPHCM. Trong lịch sử kháng chiến cứu nước, Tam Bình là địa bàn chiến lược quan trọng, được Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn làm căn cứ để chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Người dân Tam Bình có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất đấu tranh cách mạng. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú như ông Phan Văn Đáng – nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, giáo sư viện sĩ Anh hùng lao động Trần Đại nghĩa v.v.. Và, trên mảnh đất anh hùng Tam Bình có đến 169 bà mẹ Việt Nam của đất nước.

Về với Tam Bình, cứ nghe vang lên trong tâm trí một sáng tác quen thuộc của nhạc sĩ Tăng Minh Thành : “… Ngược dòng sông Măng, con về thăm quê mẹ, đôi bờ Cửu Long nước phù sa mấp mé, nghe bìm bịp kêu con nước lớn ròng, quê mẹ thân thương bao xao xuyến mặn nồng…”. Chúng con về thăm quê mẹ, những người mẹ ngoan cường từng tay không đấu tranh trực diện với kẻ thù, lúc đào hầm nuôi chứa cán bộ, rồi đi tải thương, tiếp đạn, giao liên… Những người mẹ bị bắt bớ giam cầm vẫn một lòng thủy chung son sắt với cách mạng. Và những người mẹ vì nợ nước thù nhà ,nén tình riêng mà tiễn đưa đến đứa con cuối cùng ra mặt trận.

Ảnh minh họa

 

Tết, về quê hương Tam Bình, không thể quên thăm mẹ… Được sự hướng dẫn của các đồng chí Phòng Thương binh – Xã hội huyện, chúng tôi về Cái Ngang – một dịa danh đã trở nên quen thuộc với khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy suốt hai thời kỳ kháng chiến. Dừng chân đôi phút ở nơi sẽ là thị trấn tương lai, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang về, cuộc sống đang từng ngày thay đổi. Nhà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết ở ấp Phú Tân, xã Phú Lộc, từ ủy ban xã ra nhà mẹ khoảng chừng vài cây số. Nghe nói thời chiến tranh, vùng này còn rất hoang sơ, vắng vẻ không có đường đi. Muốn tới lui trong thôn xóm thì phải đi bằng xuồng, ghe. Từ khi con đường Phú Lộc – Bầu Gốc được thông xe đã tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng. Mỗi ngày có hàng trăm công nhân ở khu vực Cái Ngang về khu công nghiệp Hòa Phú làm việc, góp phần giải quyết lao động nông nhàn và cải thiện đời sống người dân.

Từ khi Chỉ thị 01 đi vào cuộc sống, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, nhất là những ngày chuẩn bị đón xuân về. Trên đường rẻ vào ấp Phú Tân, chúng tôi gặp các anh công tác ở địa phương đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho cổng chào mừng xuân mới của ấp mình. Làng quê thật yên bình, ấm áp. Có được mùa xuân như hôm nay, bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả mùa xuân của cuộc đời mình, bao bà mẹ phải sống trong cảnh tre già phải khóc măng non đến khi nước mắt chẳng còn. Đến Phú Tân hỏi nhà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết thì ai cũng biết, các anh ở địa phương rất nhiệt tình đưa chúng tôi đến tận nơi.

Mẹ Lê Thị Tuyết năm nay đã 88 tuổi, còn chồng mẹ – ông Tống Văn Thoại cũng ở tuổi 90. Chúng tôi rất vui mừng vì ở tuổi nầy ông bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông Tống Văn Thoại trước đây là Phó Ban căn cứ Tỉnh ủy, sau ngày hòa bình, ông được phân công phụ trách xí nghiệp gạch ngói Thái Bình ở Vĩnh Long. Gia đình ông bà có 8 người con, 6 trai 2 gái. Trong đó có 2 con gái và một con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các anh chị đều đã ra đi ở lúc tuổi còn xanh. Vượt lên nỗi đau mất mát, ông bà đã tiếp tục đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến, nhất là trong cuộc tổng tiến công và nỗi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chúng tôi có dịp đón tết cùng gia đình mẹ. Một cái tết Nam bộ không cầu kỳ mà thật đầm ấm thân tình. Các con cháu của mẹ xúm xuýt, chuẩn bị những món ăn có sẵn ở đồng quê. Mẹ ngồi cạnh cháu con ,nhắc chuyện ngày xưa. Ngày xưa ấy không phải đã quá xa xôi, cũng chỉ mấy mươi năm thôi – một thời chiến tranh loạn lạc. Tết về, máy bay địch ném bom sát hại dân lành, mẹ ôm xác em thơ cùng bà con đi đấu tranh trực diện với quân thù. Tết về, cả miền Nam sôi sục khí thế tiến công, gia đình mẹ cùng chia đôi tài sản với cách mạng để góp phần giải phóng quê hương. Tài sản của mẹ không chỉ là của cải vật chất bình thường mà còn là những đứa con mẹ rứt ruột đẻ ra.

Mẹ nhớ các con đã hy sinh. Nỗi nhớ cũng là nỗi đau, vẫn đau lắm, dù đã qua bao năm tháng. Thuở ấy, dù chỉ là những món ăn bình thường nhưng cũng đâu đứa nào ăn được mấy lần. Một phần vì nghèo khổ, phần lo chiến đấu. Tối, những đứa con lén về nhà chỉ có ăn cơm nguội rồi lại vội vã ra đi. Mẹ mỏi mòn trông ngóng. Rồi có những lần, con mẹ đi mãi không về… Mẹ kể chuyện xưa không phải để thêm buồn, để ngày Tết kém vui, mà là để nhắc nhở con cháu, để cảm nhận niềm hạnh phúc hiện tại mà mẹ đang có được. Đất nước yên bình, thế hệ cháu chắt của mẹ giờ đây đã được lớn lên trong no ấm, được đón năm mới trong xum vầy đoàn tụ – niềm hạnh phúc thật lớn lao mà biết bao thế hệ phải đổ máu xương mới có được.

Đến sau chúng tôi không lâu là cán bộ và thầy cô giáo thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Bình – đơn vị phụng dưỡng đến thăm và chúc tết gia đình mẹ. Đối với họ đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là đạo lý thiêng liêng. Tất cả chúng tôi cùng ăn tết với gia đình mẹ Lê Thị Tuyết. Đối với gia đình mẹ, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các ban, ngành, đoàn thể là nguồn động viên an ủi rất quí báu. Trong chiến tranh, mẹ đã mất đi những người con yêu quí, bù lại, giờ đây mẹ có rất nhiều đứa con, thường xuyên thăm viếng, chuyện trò. Đó là niềm vui tinh thần giúp mẹ vơi đi nỗi đau chiến tranh, sống thanh thản tuổi già.

Những người con còn lại của mẹ là sự bù đắp rất ngọt ngào cho những mất mát đớn đau đời mẹ. Các anh nối tiếp truyền thống của gia đình, đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh Tống Trung Thành, người con thứ sáu hiện là Tỉnh ủy viên – Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy, người con thứ tám là anh Tống Thành Phong, đang giữ nhiệm vụ Tỉnh đội phó – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long, anh con út là Tống Chí Công cũng tham gia công tác ở địa phương, hiện sống chung cùng mẹ. Những người còn lại cũng đang làm việc tại các đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh. Các cháu của mẹ thì học hành chăm ngoan, siêng năng lễ phép. Đời mẹ cũng được mãn nguyện rồi, mẹ đâu mong ước gì hơn.

Chúng tôi xin cầu chúc cho mẹ được sống khỏe, sống vui để luôn là chỗ dựa vững vàng cho con cháu bước tiếp chặng đường xây dựng và bảo vệ quê hương. Rời Tam Bình, trong nắng ấm mùa Xuân, quê hương vẫn đẹp mỗi ngày…

Tuyết Mai
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *