Bên bờ hạnh phúc

 Là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước, trước đây và cho đến hiện nay ĐBSCL – miền Tây Nam bộ luôn dẫn đầu cả nước về nhiều mặt hàng nông sản. Trong đó, sản lượng lúa đạt gần 22 triệu tấn, mỗi năm Tây Nam bộ đóng góp 90% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước với trên 3 tỷ đô-la Mỹ.

Toàn vùng còn có hơn 300 ngàn ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cây ăn trái cả nước. Sản lượng trái cây của ĐBSCL hiện đạt 3,5  triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với 10 năm trước đó.

 

Cơ cấu sản xuất sản xuất trong ngành thủy sản chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng. Sản lượng thủy sản nhờ thế cũng tăng trên 4 lần trong 10 năm qua. Tây Nam bộ trở thành vùng nuôi và đánh bắt thủy sản lớn nhất nước. Trong đó, chiếm 80% sản lượng tôm cả nước và cá tra mang ngoại tệ về cho đất nước 1,5 tỷ  đô – la Mỹ mỗi năm.

Qua 10 năm, tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu chung của nền kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét.   

10 năm qua, cơ sở hạ tầng Tây Nam bộ nói chung và hệ thống đường giao thông nói riêng có nhiều cải thiện. Nếu như trước đây, hạ tầng giao thông ĐBSCL yếu kém, giao thông thủy là chủ yếu, làm cản trở nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa với các vùng miền trong cả nước thì đến nay toàn vùng có 10 quốc lộ với tổng chiều dài hơn 2.500 km; 70 tuyến tỉnh lộ được nhựa hóa. Ngoài ra cũng đã mở mới trên 9 ngàn km đường và nâng cấp hơn 23 ngàn km đường giao thông nông thôn các loại; xây dựng gần 11 ngàn 500 cầu giao thông.

10 năm qua, kinh tế các tỉnh vùng ĐBSCL có sự phát triển nhanh nhờ cải thiện hạ tầng. Nhiều công trình giao thông huyết mạch được Nhà nước đầu tư trong vùng, như: đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tây Nam bộ đúng hướng. 

 

Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010 đã mang lại một diện mạo mới cho cả vùng ĐBSCL trong 10 năm qua. 

Với quyết tâm chuyển dịch cơ cấu chung nền kinh tế, công nghiệp là lĩnh vực được các tỉnh trong vùng chú trọng phát triển. Trong đó chú trọng đi vào khai thác thế mạnh về chế biến nông sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp – nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp ĐBSCL tăng bình quân gần 19% trong 10 năm qua, đạt 156 ngàn tỷ đồng vào năm 2010. Công nghiệp cơ khí, nhất là sản xuất nông ngư cụ có bước phát triển. Tuy chưa tương xứng tiềm năng nhưng đáp ứng một phần lớn nhu cầu phục vụ canh tác và chế biến nông sản.

 

Một số ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, hóa chất, dược phẩm có bước phát triển khá. Trong 10 năm gần đây, Chính phủ đã tập trung đầu tư nhiều dự án công nghiệp lớn cho Tây Nam bộ. Riêng lĩnh vực  năng lượng, đáng kể nhất là đang hình thành Trung tâm điện lực Ô Môn trên diện tích hơn 190 ha tại Cần Thơ, bao gồm 4 Nhà máy nhiệt điện tổng công suất 2.900 MW. Trong đó, Tổ máy 1, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn xây dựng 2005, vận hành năm 2009 đến nay đã cung ứng và hòa vào lưới điện quốc gia 2 tỷ KWH. 

Những năm gần đây, các Nhà máy nhiệt điện: Sông Hậu (Hậu Giang); Long Phú (Sóc Trăng), Duyên Hải, (Trà Vinh) cũng được triển khai xây dựng. Đặc biệt là Nhà máy đạm Cà Mau, công trình cuối cùng của Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, tổng vốn đầu tư 900 triệu đô-la Mỹ, công suất 800 ngàn tấn/ năm, vừa đi vào khai thác đầu năm nay đáp ứng  80% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cực Nam của Tổ quốc nói riêng và cả miền Tây Nam bộ nói chung. 

Thương mại, dịch vụ Tây Nam bộ qua 10 năm có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 43 ngàn 500 tỷ đồng năm 2001 tăng lên 279 ngàn tỷ đồng năm 2010, tốc độ tăng bình quân gần 21%/ năm. 10 năm qua, toàn vùng có gần 500 chợ được xây mới, nâng tổng số chợ hiện có 1.790 và chiếm trên 20% tổng số chợ trong cả nước. Các tỉnh vùng biên giới còn có sự đầu tư mạnh cho kinh tế biên mậu với mô hình khu kinh tế cửa khẩu, siêu thị miễn thuế. 

Năm 2011, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khánh thành, mở ra cơ hội mới cho ĐBSCL. Cùng với các sân bay nội địa là Rạch Giá, Cà Mau và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sắp đưa vào khai thác trong quí 2 năm nay giúp cho ĐBSCL gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. 

 

Đường đến với miền Tây Nam bộ ngày nay đã thuận lợi hơn nhiều so với 10 năm trước. Trong đó bao gồm cả đường thủy, đường bộ và đường hàng không. Số lượng khách du lịch đến Tây Nam bộ nhờ vậy cũng đã tăng trưởng và hiện đạt gần 20 triệu lượt khách/ năm. Trong đó có gần 1 triệu rưỡi khách quốc tế. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm. Môi trường đầu tư vùng ĐBSCL được cải thiện. Tính đến cuối năm 2010, đã có 17 khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố trong vùng với 225 dự án đầu tư, trong đó có 75 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 5 khu công nghiệp diện tích đất cho thuê đạt 100%, giải quyết việc làm cho hơn 70 ngàn lao động. Trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tức PCI, các tỉnh, thành phố trong vùng nhiều năm liền đều nằm trong nhóm khá, tốt và rất tốt. Tất cả làm nên một tiền đề để Tây Nam bộ phát triển trong giai đoạn tới. 

Với định hướng phát triển toàn diện kinh tế vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2011 – 2020, cùng với sự quyết tâm của các địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chắc chắn sẽ mang đến diện mạo mới cho miền Tây Nam bộ trong giai đoạn phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *