Bên bờ hạnh phúc

 Sau 37 năm hòa bình, Long Phước hôm nay không còn là vùng đất thuần nông, đang xây dựng nông thôn mới ngay bên thành phố Vĩnh Long trên đường phát triển. Long Phước hôm nay, những ngày tháng 6, đang rộn vui mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh người con ưu tú Phạm Hùng.

Điều ấn tượng nhất khi đến xã vùng ven này là những conđường giao thông được tráng nhựa, đổ bê tông đi lại dễ dàng. Cầu tre ngày nào giờ là những chiếc cầu bê tông kiên cố. Địa phương vừa tu sửa trên 2.000 mét đường bê tông, nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 cầu bê tông mới, bơm cát nâng cấp 10 tuyến đường và 5 tuyến đê trọng yếu, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, đảm bảo chủ động mùa vụ…

 

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân được địa phương quan tâm đặc biệt. Xã có trường mẫu giáo, 3 điểm trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, phần đông hộ gia đình rất chú trọng đến chuyện học hành của con em . Hơn ba trăm sinh viêntừ Long Phước đang học tại các trường đại học, cao đẳng, điều trước đây chưa từng có ở địa phương.

Ngoài thụ hưởng lợi ích thiết thực từ hệ thống giao thông nông thôn thì hầu hết người dân còn được sử dụng lưới điện quốc gia. Hiện toàn xã có 99,7%hộ có điện sinh hoạt; 86% hộ được sử dụng nước sạch; thu nhập bình quân đầu người tăng  lên gần 20 triệu đồng/người vào năm 2011.

Cuộc sống người dân không chỉ dựa vào nông nghiệp như trước đây. Chúng tôi ghé thăm làng nghề đan giỏ ni- long xuất khẩu ở Long Phước. Chị Lý Ngọc Điệp, là một trong những người đầu tiên mang nghề đan giỏ về đây. Bên các khung đan, chị lần hồi kể về những thăng trầm của làng nghề.

Đầu tiên là một sự tình cờ, khi mấy phụ nữ địa phương  đi thăm họ hàng ở thành phố Hồ Chí Minh học lóm được nghề . Trở về, họ nhờ cánh đàn ông làm khung đan, rồi ra chợ mua ni-long về đan thử. Những chiếc giỏ đầu tiên thô ráp, vụng về, chỉ cốt sao cho đỡ tốn tiền ra mua giỏ chợ. Rồi nghề dạy nghề, những chiếc giỏ làm sau trông vừa mắt hơn. Rồi từ một vài khung đan lẻ tẻ ban đầu, lan dần ra cả xã. Qua hơn 7 năm, giỏ ni- long Long Phước tạo được uy tín trên thương trường các tỉnh Nam bộ với nhiều chủng loại khác nhau…

Hiện nay, nghề đan giỏ ni- long từ Long phước đã đi xa nhiều nơi trong tỉnh, hàng ngàn lao động thường xuyên có việc làm lúc nông nhàn. Đó là chưa kể một đội quân không nhỏ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho nghề đan giỏ.

Với một khung đan trong nhà, hai lao động nữ vừa bảo đảm các công việc gia đình, tối thiểu cũng tranh thủ dệt được mười chiếc giỏ các loại trong một ngày. Người giỏi có thể đan được chừng 15, 20 chiếc. Giá bán sỉ cho thương lái khoảng 50.000 đồng, đến tay người tiêu dùng khoảng 70.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi chiếc giỏ, người sản xuất kiếm được khoảng 10.000 đồng.

Những con số có vẻ khiêm tốn, cũng chưa gia đình nào ở Long Phước giàu lên chỉ với nghề làm giỏ. Có điều, đây là công việc của lao động nông nhàn, niềm vui lao động, lo được cho như cầu cuộc

Giúp người dân làng nghề có thêm nguồn vốn và bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm không phải là việc dễ dàng. Từ năm 2005, huyện Long Hồ và xã Long Phước tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để Hợp tác xã đan giỏ ni- long xuất khẩu Thanh Thanh ra đời, tạo đầu mối trong giao dịch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của giỏ Long Phước. Và đây cũng là câu chuyện về tấm lòng và công sức của một doanh nhân  thành đạt của quê hương Long Phước- ông Đoàn Thanh Tâm. 

Rời làng nghề đan giỏ ni- long xuất khẩu, chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Linh ở ấp Phước Lợi A, một chàng trai “dám nghĩ dám làm” điển hình của thanh niên Long Phước.

 

Thời gian đầu bắt tay vào xây dựng trang trại, gia đình anh gặp không ít khó khăn vì vốn ít. Nhưng nhận biết nếu chăn nuôi nhỏ sẽ càng rủi ro hơn, Linh đã mạnh dạn thuyết phục gia đình, người thân hỗ trợ để thực hiện mô hình trang trại tổng hợp có quy mô như hiện nay. 

Chỉ sau vài năm, bằng những kinh nghiệm chăn nuôi và sự cần cù chịu khó của cả gia đình, khu vườn ngày nào trồng chuối không đủ ăn đã trở thành trang trại tổng hợp quy mô rộng 2,1 ha, với vườn trồng cây cảnh, ao thả cá, chuồng trại nuôi gia cầm, gia súc. Hiện trang trại của gia đình Linh luôn có hơn 500 con heo, vài ngàn con gà, vịt và hàng nghìn m2 ao thả cá. Nhờ  mô hình trang trại tổng hợp, “mùa nào thức ấy”, có thể sản xuất và cho thu nhập quanh năm.

Đến nay, trang trại của gia đình anh đã trở thành địa chỉ điển hình trong xã. Từ lúc phải vay mượn vốn, giờ đã chủ động được nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Nhiều hộ dân trong vùng thấy anh Linh làm kinh tế giỏi, đã tìm đến học hỏi và làm theo.

Cuộc sống tốt hơn, người dân Long phước tính chuyện xây dựng quê hương. Tháng 6, đến xã vùng ven này , niềm vui là những con đường giao thông láng nhựa. Xã vận động nhân dân cùng đóng góp để nâng đường đan lên thành đường nhựa.Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước, huyện Long Hồ- người có kinh nghiệm làm đường ở xã- so sánh thiệt hơn: Mỗi kilômét đường nhựa đắt hơn đường đan khoảng 20 triệu đồng, nhưng đường nhựa lại bền hơn đường đan gấp 4 – 5 lần…

Còn ông Tư Minh, ấp Phước Lợi A thì nói: Nếu chỉ có đường đan cho xe hai bánh, bán cái gì cũng giá thấp hơn,vậy làm đường nhựa để có giá nông sản cao hơn, vì sao không cùng làm.  Lý lẽ đơn giản nhưng nghe là hiểu, nên bà con sẵn sàng đóng góp thêm.

Bây giờ có dịp trở lại Long Phước, 3 con đường đá cấp phối đã láng nhựa đi qua các ấp Long Thuận A, Long Thuận B, Phước Lợi A, Phước Trinh B có chiều ngang 3m đã được khánh thành. Để nông sản, sản phẩm bán đi xa hơn, bà con lại cùng ngân sách huyện làm những con đường đá cấp phối, láng nhựa dài trên 2.000m nối liền hai ấp Phước Lợi A– Phước Trinh B mà kinh phí chỉ cao hơn làm đường đan gần 50 triệu đồng.

 

Mỗi sáng , nhiều cô cậu học sinh áo trắng quần xanh chở phía sau những nông sản vườn nhà đi ngang chợ bỏ mối giúp gia đình, trước khi đến lớp. Sớm tinh mơ, trên những con đường nhựa cấp phối những chiếc xe gắn máy hối hả nối đuôi nhau đi về phía chợ xa. Cuộc sống tất bật hơn trên những con đường mới. 

Năm 2011, Long Phước là xã đạt 12 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cao nhất trong số 22 xã chỉ đạo điểm của tỉnh. Năm 2012, cùng với việc duy trì các tiêu chí đã đạt được  về thủy lợi, điện, bưu điện, nhà ở, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh trật tự, quy hoạch, xã tập trung thực hiện để cuối năm nay đạt thêm các tiêu chí về trường học, chợ, môi trường. Long Phước  phấn đấu đến năm 2015 đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới do Trung ương quy định.

Trước khi tạm biệt Long Phước, chúng tôi đến viếng khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Nằm cách thành phố Vĩnh Long chừng 5km, khu tưởng niệm khá khang trang, hoành tráng, tọa lạc bên đường quốc lộ.

Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng năm 2000, hoàn thành vào ngày 11/6/2004, nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của cố Chủ tịch. Khu tưởng niệm có diện tích 3,2 ha gồm: nhà lễ tân, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày. Ngoài ra, còn có ba hạng mục ngoài trời được phục chế theo tỷ lệ 1/1, gồm: phòng biệt giam ông tại Côn Đảo,  nhà làm việc của ông tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) và căn phòng làm việc của ông tại số 72 Phan Đình Phùng – Hà Nội.

Hàng ngày, khu tưởng niệm đón khá nhiều khách đến viếng ông. Nhìn lên bức tượng bán thân của ông trong điện thờ, nhìn sang xung quanh hai bức phù điêu ghi lại hai lời phát biểu đấy khí phách của ông, chúng tôi nghiêng mình thắp một nén nhang tỏ lòng khâm phục một con người trí dũng của dân tộc.

 

Những ngày về Long Phước, nơi sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, mới thấy Long Phước hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng khang trang và đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ai đã một lần ghé thăm Long Phước sẽ thêm yêu vùng đất đã sinh ra người con ưu tú cho quê hương Vĩnh Long- Cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng. 

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *