Bên bờ hạnh phúc

 Với sự phát triển nhu cầu của cuộc sống, sữa ngày càng đóng một vai trò quan trọng, là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc các hãng sữa liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua đã tạo sự băn khoăn trong chọn lựa của người tiêu dùng. Có phải sữa càng đắt tiền thì chất lượng càng cao? Thực tế này cũng đặt ra vấn đề cho ngành chức năng,  cần  quản lý chặt chẽ hơn về lĩnh vực giá trong kinh doanh mặt hàng này.

 Sau Tết, mặt hàng sữa lại bước vào đợt tăng giá mới. Như vậy tính từ năm 2009 đến nay, mặt hàng này đã qua 17 lần tăng giá. Và điểm đặc biệt là mặt bằng gía sữa trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 20 đến 30%. Từ cuối năm 2011 đến đầu năm nay, giá sữa trên thị trường liên tục điều chỉnh tăng từ 5 đến 19%. Đầu tháng 9 năm 2011, một số mặt hàng sữa như Friso, Dutch Lady tăng giá từ 4 đến 15 %. Sau đó, Dumex và Nestle  cũng tăng thêm từ 3 đến 13 %. Hai hãng sữa ngoại chiếm thị phần lớn là Abbott và Mead Johnson cùng đồng loạt tăng giá từ 9 đến 19%. Tiếp theo đó, các hãng sữa khác cũng thông báo tăng giá bán từ 5 đến 10%. Điệp khúc của mỗi lần tăng giá vẫn chính là lý do:  giá nguyên liệu tăng, chênh lệch tỷ giá  hay do cải tiến công thức, bổ sung thêm vi chất …vv…

 

 Ngay tiếp sau giá sữa thì nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng rục rịch tăng giá. Sau khi tăng giá xăng dầu, chi phí vận chuyển đi lại rồi sẽ phải điều chỉnh tăng , làm cho mọi người lo lắng về một mặt bằng giá mới sẽ được hình thành trong khi thu nhập phần lớn gia đình vẫn ở mức cũ. Với gánh nặng chi tiêu hàng ngày, việc mua sữa cho con sẽ làm nhiều cha mẹ đắn đo suy nghĩ .

Nếu ở một gia đình, thu nhập bình quân mỗi tháng ở tầm 8, 9 triệu đồng, nhưng phải nuôi cha mẹ gìa và con nhỏ, chỉ riêng tiền thuê nhà đã phải chi trả hơn 1 triệu đồng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng tiền mua sữa cho con khoảng 1, 5 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên 2 triệu đồng. Vì vậy, để đảm bảo nguồn sữa cho con hàng ngày thì buộc phải tiết kiệm hoặc cắt giảm những chi tiêu khác.

 Trước tình hình này, Bộ Tài Chính đã có công văn số 2078 yêu cầu các công ty sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa không đăng ký điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với sản phẩm sữa nước đã điều chỉnh tăng gía trong thời gian vừa qua, yêu cầu các công ty phải giải trình chi tiết tỷ lệ tăng gía, nguyên nhân tăng giá. Và để góp phần bình ổn giá sữa, chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh sữa tại các địa phương, Bộ Tài Chính cũng đã có Công văn 2080 gửi các Sở Tài chính tỉnh, thành phố , yêu cầu tăng cường công tác thanh kiểm tra và quản lý đối với các mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

 

 Trước tình hình giá sữa liên tục tăng thì việc siết chặt về mặt quản lý đối với sản xuất và kinh doanh mặt hàng này sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng hơn cho người tiêu dùng. Bởi với nhu cầu dinh dưỡng hiện nay, thì sữa là một mặt hàng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nhất là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thực tế thì khi giá sữa liên tục tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đã tạo nên gánh nặng cho người tiêu dùng trong chi tiêu hàng ngày. Đối với các cửa hàng kinh doanh, gía sữa tăng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cũng nhiều hơn, trong khi chiết khấu và đồng lời cũng không thay đổi, thêm vào đó là doanh số bán hàng ngày càng hạn chế hơn. 

Còn đối với người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình thì giá cả bao giờ cũng là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn sữa cho con. Nhiều người đã quyết định quay về với sữa nội vì nguồn sữa này hợp với túi tiền của mình hơn. Không chỉ vậy, giá sữa ngoại liên tục tăng đã làm cho nhiều người tiêu dùng có cái nhìn khác hơn trong tiêu chí chọn lựa sữa của mình. Quay về với sữa nội không chỉ là tâm lý của phân khúc khách hàng bình dân mà còn là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay.

 

 Trên thực tế, các hãng sữa ngoại luôn chiếm thị phần khống chế trên thị trường. Điều này cho thấy, dù tăng giá liên tục nhưng sữa ngoại vẫn chiếm ưu thế riêng, trong đó có tâm lý còn phổ biến khi cho rằng sữa càng đắt tiền thì chất lượng càng cao.

Một vấn đề đặt ra nữa chính là trách nhiệm quản lý giá . Sau mỗi đợt tăng giá, Bộ Tài chính cùng các ngành chức năng tại địa phương lại vào cuộc thanh kiểm tra về giá đối với dòng sản phẩm này, nhưng rồi giá sữa vẫn tăng liên tục . Điều này cho thấy cần có sự hoàn chỉnh hơn về cơ chế quản lý giá sữa, tránh tình trạng các quy định cứ đuổi theo đuôi  của giá khi sự việc đã rồi. 

Bên cạnh việc cần có sự quản lý chặt chẽ hơn về giá thì tâm lý tiêu dùng trong chọn lựa sữa cho con là hết sức quan trọng. Sữa có nhiều vi chất sẽ giúp con thông minh hơn, hay sữa đắt tiền thì chất lượng mới cao , luôn là những vấn đề cần được làm rõ để tránh sự ngộ  nhận cho người tiêu dùng. 

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động làm cho giá cả tăng cao và cuộc sống kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc kiểm soát ổn định  giá sữa sẽ góp phần bình ổn giá trên thị trường , đồng thời cũng giúp cho người dân được đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dinh dưỡng, phát triển thể chất. Người tiêu dùng, bên cạnh ý thức chọn lựa sản phẩm thì rất cần sự vào cuộc kịp thời trong quản lý về giá từ phía ngành chức năng, nhằm hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng sữa , đang chiếm tỉ lệ chi tiêu đáng kế trong hầu hết gia đình. 

 Kim Phụng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *