Bên bờ hạnh phúc

Trong canh tác lúa, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hoá học là yếu tố quan trọng. Không chỉ có tác dụng làm tăng năng suất lúa, mà việc bón đúng,  bón đủ các loại phân theo nhu cầu  sẽ giúp cho cây trồng phát triển tốt, chống chịu được với sâu bệnh hại cũng như các yếu tố bất lợi của thời tiết. Tuỳ theo từng loại đất, giống lúa và mùa vụ  mà số lượng và chủng loại phân bón cho cây lúa cũng khác nhau, lưu ý là phải  bón phân cân đối và hợp lý, không nên lạm dụng bón nhiều phân bón hoá học, nhất là tránh thừa phân đạm.  

            

 Lúa là cây loại trồng trong điều kiện ngập nước. Cũng giống như các loại cây trồng khác, trong quá trình sinh trưởng, cây lúa cũng rất cần đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi thân và hạt. Các chất dinh dưỡng cho cây lúa bao gồm 3 nhóm : đa lượng, trung lượng và vi lượng, trong đó các chất đa lượng như đạm, lân và kali  là rất quan trọng và không thể thiếu được đối với sự phát triển của cây lúa.

 Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các chất dinh dưỡng cho cây lúa đều có sẵn trong đất ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, gần đây lượng phù sa bồi đấp do lũ ngày càng ít dần, cùng với xu hướng thâm canh, tăng vụ liên tục của bà con nông dân nên đã làm cho độ phì nhiêu của đất đai ở nhiều địa phương bị cạn dần; từ đó ảnh hưởng không ít đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Do vậy, việc cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cho cây lúa thông qua sử dụng phân bón, nhằm giúp cho cây trồng phát triển khỏe là rất cần thiết. Vấn đề là bón phân và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng trong canh tác lúa phải thực hiện sao cho hợp lý và cân đối, tránh tình trạng lạm dụng hoặc cung cấp không đầy đủ các dưỡng chất; từ đó sẽ gây tốn kém , lãng phí  và không mang lại hiệu quả cao

Cây lúa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Để phát triển  tốt và đạt năng suất cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phần lớn là nhờ vào các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất hoặc thông qua việc cung cấp thêm phân bón cho cây trồng. Phân bón là hợp chất chứa nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa và chỉ  thông qua bón phân là biện pháp chủ yếu để cung cấp dưỡng chất đến với cây lúa. Tuy nhiên,  phải  cung cấp dưỡng chất đúng cách vào các giai đoạn khác nhau, để đạt được kết quả sản xuất cao nhất. Ngược lại, nếu bón sai kỹ thuật sẽ không đem lại hiệu quả, mà đôi khi còn gây nên những bất lợi cho sự phát triển của cây lúa.

 Cây lúa cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng chủ yếu là đạm, lân và ka li . Tuy các chất này luôn tồn trữ trong đất với một lượng nhất định, nhưng thường không đủ cho cây lúa đạt hiệu quả cao về năng suất và chất lượng lúa gạo. Do vậy, trong từng vụ lúa, nông dân phải cung cấp thêm đạm, lân, kali  và một số  chất dinh  dưỡng cần thiết khác; phải bón phân cân đối không thừa hoặc không thiếu, nhất là không để dư lượng đạm qúa nhiều sẽ dễ tạo điều kiện cho dịch hại phát triển. Ngoài ra ,còn phải cung cấp phân bón phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để cây lúa sinh trưởng tốt, tránh được tốn kém và lãng phí

 Tùy theo vùng đất, giống lúa, mùa vụ và điều kiện canh tác, chăm sóc; mà cây lúa sinh trưởng tốt hay xấu, cho năng suất cao hay thấp và cần một lượng phân bón nhiều hay ít. Theo tính toán của các nhà khoa học, để có năng suất lúa đạt trên 5 tấn/ ha, mỗi vụ lúa cần bón trung bình 80-100kg N + 40-60kg P2O5 + 30-50kg K2O. Qua đó cho thấy phân bón có vai trò khá quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nó cần thiết cho suốt quá trình từ giai đọan mạ đến lúc thu hoạch , bởi phân bón cung cấp cho cây lúa là nguồn nguyên liệu để tái tạo ra các chất dinh dưỡng như tinh bột, chất dường, chất béo , prôtêin ; ngoài ra chúng còn giữ vai trò duy trì sự sống của toàn bộ cây lúa. Tuy nhiên, do các yếu tố dinh dưỡng trong phân bón cung cấp cho cây lúa có vai trò khác nhau, vì vậy trong kỹ thuật bón phân cho lúa ở mỗi thời kỳ phát triển, cần phải cung cấp một lượng đạm, lân và kali  khác nhau. Trong các giai đoạn sinh trưởng, nếu bị thiếu hoặc bị thừa một yếu tố dưỡng chất nào đó cũng đều có ảnh hưởng không tốt  đến sự sống và năng suất của cây lúa

Để tăng hiệu quả của việc cung cấp phân bón cho cây lúa, nhà nông nên chia lượng phân cần bón ra làm nhiều lần khác nhau. Căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng của các giống lúa, mà các nhà khoa học khuyến cáo có 3 giai đoạn cần thiết  để cung cấp dinh dưỡng đa lượng cho cây lúa là lúc giai đoạn ra rễ,  thời kỳ đẻ nhánh và giai đoạn thúc đòng  nuôi hạt.

 

Đối với  phân đa lượng , đáng chú ý nhất là sử dụng phân đạm . Bởi theo các nhà chuyên môn, việc bón phân không cân đối , nhất là bón thừa phân đạm sẽ là một trong những nguyên nhân chính làm nhiều loại dịch hại như rầy nâu, bệnh đạo ôn bộc phát mạnh. Do vậy, để tránh hiện tượng này, bà con nông dân nên áp dụng bảng so màu lá lúa để bón phân . Bằng biện pháp dựa vào sự so sánh màu sắc của lá lúa với thang màu chuẩn trong bảng so màu, bà con nông dân có thể quyết định khi nào cần bón, hoặc không cần bón phân đạm cho cây lúa.

 Ngoài nhóm phân đa lượng, thì các loại phân trung và vi lượng cũng rất cần thiết cho cây lúa.  Đây được xem là những chất xúc tác hoặc kích thích giúp cây lúa phát triển tốt. Tuy nhu cầu về phân vi lượng của cây lúa không lớn lắm, nhưng cũng không thể thiếu,  vì nếu thiếu các dưỡng chất này thì khả năng quang hợp, hấp thu dinh dưỡng bị hạn chế, làm giảm năng suất  lúa . Tuy nhiên,  để đảm bảo hiệu quả, khi sử dụng bà con nông dân cần căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu thưc tế của cây lúa.

  Nói chung, để việc sử dụng phân bón đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần nắm vững vai  trò của từng loại dinh dưỡng và tình hình phát triển thực tế của cây lúa. Trong đó cần chú ý bón cân đối các chất đa, trung và vi lượng, đặc biệt tránh  lạm dụng bón thừa đạm ,sẽ dễ tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển. Đồng thời, cần áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp, từ khâu chọn giống và áp dụng đồng bộ nhiều kỹ thuật canh tác khác, như làm đất, quản lý nước, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM …  Theo quan điểm hiện nay, việc quản lý dinh dưỡng, bón phân cho cây lúa không nên cứng nhắc theo số lượng và thời gian cố định, mà vấn đề là phải nắm được những giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu thực tế trên đồng ruộng của cây lúa mà cung cấp các dưỡng chất cần thiết,  để từ đó phát huy hiệu quả của các loại phân bón ở mức cao nhất, theo hướng hạ giá thành, tăng hiệu quả sản xuất./

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *