Bên bờ hạnh phúc

Chúng tôi có mặt tại Huế vào những ngày cuối cùng của Festival 2012. Không khí nơi đây vẫn còn khá nhộn nhịp và sôi động. Huế ngày nay đã là một thành phố hiện đại, song vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa tiêu biểu của con người và vùng đất. Trong đó, có cả những di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

 

Những ngày Festival , Huế nhộn nhịp hẳn lên, khác với vẻ trầm mặc của ngày thường. Đường phố cũng trở nên đông đúc. Những đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới, có dịp biểu diễn, giao lưu văn hóa trong không gian Huế.

Huế vẫn mang nét riêng, với ngọt ngào ca Huế đêm sông Hương, lung linh màu sắc Tràng Tiền, trong dòng âm nhạc dân gian…

 Nhưng di sản âm nhạc Huế chính là nhã nhạc cung đình. Có lẽ đến Huế, ai cũng mong được một lần lắng nghe âm vọng thâm trầm của nhã nhạc , di sản văn hóa phi vật thể thế giới trên đất cố đô.

Nhã nhạc cung đình Huế từng trải qua bao thăng trầm thời cuộc, gắn liền với lịch sử một vương triều .

 Nhã nhạc hòa vào cuộc sống chốn kinh kỳ. Khi vương triều kết thúc, không gian nhã nhạc gần như hạn hẹp, chỉ còn lưu dấu trong dân gian.

Ven theo dòng Hương, chúng tôi tìm đến với gia đình cụ Lữ Hữu Thi, là nhạc công cuối cùng trong dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, đúng vào lúc gia đình cụ đang quây quần chơi nhạc.

 Cụ Thi năm nay đ 103 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những bản nhạc Vua thích hay những quy tắc bất di bất di bất dịch trong cung.

Trong căn nhà nhỏ của mình, cụ Thi vẫn còn minh mẫn với những cuchuyện của ngày xưa.

 Cụ biết chơi đàn và một số loại nhạc cụ từ năm lên 8 tuổi. Khi trưởng thành, được phục vụ trong đội nhã nhạc hoàng cung. Sau 1945, kết thúc chế độ quân chủ, đội nhạc giải thể, người về quê làm ruộng, người làm thợ kiếm sống. Riêng cụ Thi vẫn mê mẩn với nhã nhạc dù thời gian có làm mai một dần thể loại âm nhạc này.

Chúng tôi gặp cụ, Khi nhã nhạc cung đình được thổi vào sức sống mạnh mẽ, cũng là lúc cụ Thi trở thành một báu vật nhân văn sống của di sản văn hóa phi vật thể này.

Tình yêu nhã nhạc không chỉ tồn tại trong cụ ông đã hơn 100 tuổi mà ông còn truyền nghề cho tất cả cháu con. Cả gia đình ông ai cũng có thể chơi tất cả các loại nhạc cụ của nhã nhạc cung đình khi còn tấm bé.

Theo chân những nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế, chúng tôi đi tìm không gian của nhã nhạc. Bởi, vẫn tưởng nhã nhạc cung đình chỉ có không gian cung nội mà thôi. Nhưng khi chế độ vương triều chỉ còn là dấu xưa thành cũ thì loại hình nghệ thuật này vẫn mang một sức sống mạnh mẽ trong các lễ hội, lễ tế, nghi thức cúng,…vv…. Và đi vào đời sống văn hóa người Việt thật nhẹ nhàng, sâu lắng.

… Trong không gian rất Huế, chúng tôi có mặt tại không gian Lễ Tế Giao, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất được mệnh danh là đất kinh kỳ này. Đây là lễ tế quan trọng nhất của chế độ quân chủ, chỉ có Vua mới có quyền làm lễ Tế Giao, để tế trời đất, khẳng định uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị chúng dân. Vì vậy, hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đều làm Lễ tế giao và cho xây dựng Đàn Nam Giao để hành lễ. Lễ tế này mang ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính với đất trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an nên luôn được tiến hành trang trọng và uy linh.

 Đàn Nam Giao Triều Nguyễn là một tổ hợp các công trình kiến trúc trong một khuôn viên rộng gần 10 ha. Được nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào năm 1806 thuộc địa phận phường Trường An, Tp.Huế. Đây là Đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam. Việc Đàn  Nam giao được công nhận là di sản văn hóa thế giới đã góp phần hồi sinh di tích quan trọng này.

Ngày nay, vào mỗi kỳ lễ hội, lễ tế giao được tái hiện sinh động ở Đàn Nam Giao dưới hình thức quảng diễn phục vụ nhân dân và du khách trong mỗi kỳ lễ hội.

….Nằm giữa lòng thành phố Huế, bên bờ sông Hương, quần thể di tích cố đô Huế với những nét kiến trúc biểu thị cho quyền uy của vương triều vẫn đang sừng sững trước bao biến động thời gian. Kinh thành là đây, Hoàng Thành, Tử Cấm Thành là đây. 3 tòa thành được bố trí trên trục đăng đối từ Nam ra Bắc-một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông-Tây. Quần thể di tích cố đô Huế ngày nay không còn là của riêng một triều đại nào mà trở thành di sản văn hóa.

…..Hoàng Thành Huế được giới hạn bởi một vòng tường thành. 4 cổng ra vào với nét kiến trúc độc đáo trở thành biểu tượng của Cố Đô Huế. Dấu xưa, thành cũ như lưu dấu tiếng vọng tiền nhân.

Ngọ Môn- là khu vực hành chính tối cao của vương triều Nguyễn. Lùi dần về phía sau: Tử cấm thành- là nơi ăn ở, sinh hoạt của hoàng gia.

Xa xa, về phía Tây kinh thành, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Lăng tẩm, đôi khi là một cõi thiên đường tạo ra cho chính chủ nhân thú tiêu dao khi còn sống. Rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng. Vì vậy kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Mỗi lăng vua đều phản ảnh cuộc đời, tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ.

 

…..Lăng vua Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận hùng khí của một chiến tướng từng trải qua trận mạc.

…..Lăng hoàng đế Minh Mạng uy nghi với sự tôn tạo khéo léo, có thể thấy tâm hùng chí lớn của một minh quân có tài thao lược và tính cách trang nghiêm.

….Bên cạnh những thành quách nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách bố trí không gian luôn đạt đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.

Gần 400 năm đã lùi xa, câu chuyện của 9 chúa, 13 triều vua Nguyễn vẫn luôn có sức thu hút riêng với hậu thế. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

….Chúng tôi đến Huế cũng vào dịp lễ hội với chủ đề “Di sản văn hóa- hội nhập và phát triển”. Có lẽ vì vậy mà thành phố kinh kỳ này trở thành nơi hội tụ và giao lưu giữa các loại hình văn hóa-nghệ thuật của nước bạn trên thế giới. Họ đến đây không chỉ tìm hiểu những di sản văn hóa của Việt Nam mà còn mang đến những nét đẹp trong nền văn hóa của mình trên tinh thần giao lưu, hội nhập và phát triển.

Những nét văn hóa ấy không ngại ngần khi chính họ chọn cho mình những không gian biểu diễn thật gần gũi với cuộc sống.

Chúng tôi và du khách dễ dàng bắt gặp những điệu múa của Ấn Độ, Venezuela giữa đường phố, hay những điệu nhảy, tiếng trống của các nước  Mông Cổ, Srilanca…vv…

… Họ còn mang những nét văn hóa riêng ấy giao lưu và phục vụ ở những không gian đầy nghĩa tình như bệnh viện, trường học, công viên… Những ngày qua, thực sự là những ngày giao lưu, hội nhập và phát triển của các di sản văn hóa đầy sinh động trên mảnh đất cố đô.

 

Một miền di sản đầy sinh động gắn liền với lịch sử đất nước, cũng đủ cho bất cứ ai trong chúng ta tự hào về những nét văn hóa ấy. Những ngày Festival cũng qua đi, nhưng lễ hội thực sự là một cơ hội để quảng bá, giao lưu hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

 Và câu chuyện về các di sản văn hóa trên đất Huế có lẽ sẽ được kể tiếp bằng các hoạt động kế thừa và phát triển của những con người thế hệ hôm nay.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *