Bên bờ hạnh phúc

Chúng tôi có dịp về ngang Châu Đốc trong cái nắng giữa tháng 3. Mặc dù có nhiều dòng sông bao quanh thị xã nơi đầu nguồn sông Hậu , nhưng vẫn không xua được cái oi ả buổi trưa trên vùng giáp biên này.

 

Hình ảnh đầu tiên cuốn hút  chúng tôi là con đường nhựa in bóng bác tài cần mẫn với những vòng xe lôi đạp, lưng ướt đẫm mồ hôi, vẫn gắng sức cho kịp phiên chợ chiều. Chiếc xe đạp nhỏ bé kéo theo thùng xe nặng trĩu: có khi chở khách, cũng có khi là hàng hóa.. Cuộc mưu sinh thật nhiều vất vả…

 Chiếc xe lôi đạp và giọt mồ hôi phu xe của hơn chục năm trước tưởng chừng trôi vào dĩ vãng. Cho nên hôm nay chúng tôi lại thấy thật gần gũi khi có dịp về thăm Thị xã Châu Đốc – vùng đất biên giới xa xôi này.

Bất kể ngày nắng, ngày mưa, những chiếc xe lôi đạp đa năng vẫn lăn theo dòng đời xuôi ngược nuôi lớn biết bao thế hệ ven triền biên giới.

 

 Vào thập niên 90, vùng ĐBSCL vốn nổi tiếng là vương quốc của xe lôi đạp, sau đó gần như biến mất, chỉ còn lại là nét đặc trưng riêng vẫn tồn tại ở phố núi này.

Chúng tôi không bỏ qua cơ hội dạo quanh phố núi bằng một vòng xe lôi đạp. Ngồi trên chuyến xe mới thấy dù chạy xe lôi đạp, xe đạp ôm hay xe ba gác thì những “phu vận chuyển” ở Châu Đốc vẫn còn nguyên các đặc điểm cố hữu của người nông dân miền Tây thân thiện, hào sảng, cực khổ…. mà vẫn cười.

Có người gọi là xe lôi đạp, cũng có khi là xe đạp lôi_Vẫn cứ là nó! Bởi phương tiện là sự gắn kết của một chiếc xe đạp phía trước và một thùng xe lôi được kéo theo ở phía sau.

Chúng tôi được dịp chia sẻ với các bác tài nhân lúc tranh thủ giờ nghỉ giữa hai cuốc xe. Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn, vì bác tài xế xe lôi đạp đến giờ phải chở khách, câu chuyện làm ăn hiện đại là vậy! Chạy xe khách mối quen chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể kiếm được tiền chợ cho bữa cơm chiều. … Coi dễ vậy nhưng cũng không kém phần vất vả! Nhìn hình ảnh những bác tài xe lôi đạp cần mẫn, chúng tôi thoáng nghĩ đến người nông dân thời trước – cũng vắt mồ hôi đổi lấy áo cơm. Giờ cũng vậy!

Châu Đốc-An Giang là một trong những thị xã được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Bởi nơi đây có khá nhiều danh lam thắng cảnh và thu hút một lượng lớn khách du lịch đến chiêm bái trong những mùa lễ hội hàng năm. Phố núi duy nhất giữa đồng bằng sông Cửu Long này. Phố núi luôn có hai diện mạo: Lúc náo nhiệt, ồn ào  nhờ mùa du lịch lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian kéo dài từ sau tết âm lịch đến tháng 4 âm lịch. Sau đó Châu Đốc trở nên bình lặng như bao thị xã khác ở Miền Tây.

Chúng tôi đến đây giữa cái nắng tháng 3 khi phố núi đang chuẩn bị vào mùa lễ hội. Mùa này khách thập phương đến phố núi khá nhiều. Đến đây để vãn cảnh chùa, đến đây để đi núi, vía Bà, để cầu may, cầu lộc…. mỗi người đều mang trong lòng một dự tính riêng. Còn chúng tôi đến đây để hiểu thêm về một vùng đất, một nền văn hóa và để thoát khỏi những bụi bặm lo toan, hòa mình vào vẻ đẹp của ven triền phố núi.

 

Núi Sam về đêm tưởng chừng tĩnh lặng nhưng hàng quán vẫn sáng trưng, rất nhiều người còn tỉnh táo trong cuộc mưu sinh. Người bán cố nài nỉ bán thêm chút đèn hương, cau trầu, mâm trái cây hay gạo muối….. Còn người mua thì thoáng chút ngại ngần rồi tặc lưỡi bỏ đi, cũng có người nhiệt tình chọn những loại đặc sản phương xa mang về nhà làm quà biếu.

Chợ đêm ven triền núi Sam được hình thành khoảng chục năm gần đây, khi lượng du khách đến Châu Đốc ngày càng đông và có nhu cầu lưu lại. Ban đầu chợ hình thành tự phát, trên cơ sở đó được tổ chức quy mô hơn để phục vụ cho khách phương xa và phố núi cũng thêm phần nhộn nhịp.

Trong vai khách thập phương chúng tôi tham gia hành trình trải nghiệm để cảm nhận nét đẹp riêng của chợ đêm phố núi. Một trong những điểm đến của chúng tôi khi đặt chân đến phố núi là chùa Tây An. Đây là một trong bốn di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia trong quần thể du lịch Núi Sam- Châu Đốc. Chùa Tây An là ngôi chùa cổ có giá trị về mặt lịch sử kiến trúc ở ĐBSCL nằm ở ngã ba Núi Sam, cách trung tâm Châu Đốc khoảng 5km.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì: “Chùa nằm ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên nguyên“An Tây mưu lược tướng” Tổng Đốc Doãn Uẩn cho xây dựng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa  đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa vào vòm núi, tiếng người lặng vắng, cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thiền lâm vậy”.

Gần 150 năm qua, chùa đi cùng đời sống tâm linh của người bản xứ, chùa được tu sửa nhiều lần theo lối chữ “tam” có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật đình chùa An Độ và nghệ thuật Hồi giáo kết hợp với kiến trúc chùa cổ dân tộc Việt.

Bên cạnh đó còn có những nét kiến trúc công phu được tạo tác bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân An Giang, Đồng Tháp vào thế kỷ 19. Chùa nằm dưới chân Núi Sam là một trong những ngọn núi trẻ ở vùng ĐBSCL. Truyền thuyết kể lại rằng núi có hình dáng như một con Sam bám trên cánh đồng xanh mênh mông nên gọi là Núi Sam.

 Còn có giả thuyết cho rằng:“ nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhỏ nhô lên trên biển, có nhiều sam sinh sống nên được gọi là Học Lãnh Sơn hay “Núi con Sam”. Phong cảnh ấy từ hai thế kỷ trước qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu còn ghi lại trong bia Vĩnh Tế Sơn thì “Núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy”. Từ ấy cho đến giờ những hình ảnh đó luôn thấm đậm trong tâm hồn người dân bản xứ và khách phương xa.

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sam- Châu Đốc- An Giang. Là nơi yên nghỉ của vị danh thần văn võ song toàn Nhà Nguyễn. Tên ông được gắn liền với tên làng, tên núi, tên sông. Vì Lăng tựa vào vách núi nên còn có tên gọi là Núi Lăng. Xưa kia là nơi thâm sơn cùng cốc. Chúng tôi đến đây để cảm nhận được một quá khứ hào hùng trong lịch sử và hoài niệm về một thuở xa xôi.

Cũng tại khu lăng mộ này những con người thuộc thế hệ hôm nay đã có dịp tìm lại quá khứ qua phát hiện bất ngờ trong dịp trùng tu lần thứ 10 vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Những người công nhân khi thi công đã nhìn thấy những hiện vật tùy táng được chôn theo không phải trong khu lăng mộ mà ở bên ngoài cách huyệt mộ chỉ 40cm theo quy cách “nam tả nữ hữu” tức là đồ tùy táng của bà chôn bên phải mộ bà, đồ tùy táng của ông chôn bên trái mộ ông. Đây là một phát hiện ngẫu nhiên nhưng rất quan trọng. Điều này cho thấy một kiểu chôn đồ tùy táng bên cạnh huyệt mộ của tầng lớp quan lại thời Nguyễn. Phát hiện trên đã tìm thấy hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích khác.

Cho đến nay, trong các quan đại thần của Việt Nam chưa từng có một danh nhân nào để lại khối lượng di vật phong phú như vậy. Điều này phản ánh chân thật về đời sống vật chất, tinh thần trong gia đình của tầng lớp quan lại Việt Nam đầu thế kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới Tây Nam đất nước nói riêng. Xưa kia. Thoại Ngọc Hầu khi trấn nhậm biên cương đã quy tụ lưu dân nhiều nơi trong vùng về đây khẩn hoang lập làng dựng nghiệp.

Vào năm 1825 cư dân tụ họp về đây đông đúc lập nên xóm ấp lấy tên là làng Vĩnh Tế. Khu vực quanh chân núi Sam gọi là Vĩnh Tế Sơn thôn. Ngày nay cư dân ngày càng đông đúc hơn, khu vực này hiện vẫn còn những địa danh lưu giữ tên gọi xưa như: phường Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế…. Tên gọi ấy như để nhắc nhở công ơn của bà Châu Thị Vĩnh Tế – hiền phụ của tướng thoại Ngọc Hầu.

Dấu vết xưa cái còn, cái đã phai mờ theo thời cuộc chỉ còn lại lịch sử hào hùng vẫn ghi dấu làm nền tảng lâu dài cho thế hệ trẻ mai sau.

Cũng tại làng Vĩnh Tế xưa, những công trình mang dấu ấn là chỗ dựa tâm linh cho cư dân tứ xứ thời khai mở vẫn còn lưu giữ. Miếu Bà Chúa Xứ được lập vào năm 1802 với lối kiến trúc thuộc kiểu chữ Quốc.

 

Truyền thuyết kể lại rằng: Miếu Bà do dân xây dựng để cúng bái vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng: Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây dựng theo lời trăn trối của vợ là bà Châu Thị Vĩnh Tế.

Miếu Bà nằm đối diện Lăng Ong, Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Tượng tạc theo môtip tượng thần Venus thường thấy ở các nước Lào, Campuchia, An Độ. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hàng năm rất lớn vào những ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch.

 Từ Chùa Bà đi không xa lắm là đến chợ Châu Đốc. Hình ảnh đầu tiên thu hút sự quan tâm của bất cứ ai khi đến đây là những quầy đặc sản khô, mắm các loại. Không đâu trên khắp các ngôi chợ thị xã ở miền tây lại bán nhiều đặc sản như chợ Châu Đốc. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người bản xứ mà hoạt động giao thương này còn nhắm đến đối tượng tiềm năng là du khách thập phương. Nhiều nhất vẫn là các loại cá khô, mắm. Tôi không quen với mùi vị này, nhưng vẫn bị lôi cuốn bởi những màu sắc hấp dẫn, và không quên mua về một ít làm quà.

Người bán ở  chợ cũng muốn khoe đặc sản quê mình nên ít khi nói thách, khách lạ thì giá cao hơn chút đỉnh cỡ 5 ngàn là cùng. Trò chuyện dăm ba câu thành quen, cũng có khi bán luôn huề vốn. Vẫn là nét hào sảng của cư dân miền tây mà chúng tôi có dịp bắt gặp ở mấy anh chạy xe lôi đạp ven triền núi.

Nghề làm Mắm gia truyền có mặt rất lâu đời ở Châu Đốc, xuất phát từ một lượng lớn cá đồng ở Biển Hồ mỗi năm tìm về theo con nước lớn. Nghề đánh bắt cá cũng phát triển theo với nhiều loại dụng cụ, phương thức khác nhau. Mỗi loại mắm mang một hương vị riêng. Mắm Châu Đốc ngon không chỉ xuất phát từ nguyên liệu mà còn do bàn tay khéo léo của những người thợ có thâm niên từ hàng trăm năm và những phương pháp bí truyền từ đời này sang đời khác.

Chúng tôi may mắn gặp được chị gánh hàng rong là người địa phương đi bán loại rau chỉ có ở vùng Thất Sơn hiểm trở. Lá sầu đâu có nhiều từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âl , người ta hái lá và hoa dùng để chế biến món ăn, từ đó loại đặc sản này trở nên được nhiều người yêu thích. Lá sầu đâu có thể làm gỏi, ăn với mắm, với khô, hay thịt 3 chỉ đều rất ngon. Người chưa quen thấy đắng, quen rồi sẽ thấy nhớ vị ngon ngọt, bùi bùi của lá sầu đâu.

Trời cũng về chiều, phố núi không còn nguyên cái vẻ oi ả của nắng trưa tháng 3 mà dịu hơn khi mặt trời khuất bóng. Hành trình của chúng tôi cũng dừng lại trước vẻ đẹp ngẩn ngơ của thị xã nhỏ bé này. Nơi vẫn còn là niềm ước mơ cho những ai chưa một lần đặt chân đến, và sẽ vương vấn hoài khi đã ghé thăm… 

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *