Bên bờ hạnh phúc

Nhiều năm qua, mô hình sản xuất nông nghiệp vườn – ao – chuồng, gọi tắt là VAC, được nhà nước khuyến khích nhân rộng trong mỗi hộ gia đình. Việc xây dựng mô hình là như nhau, nhưng cái khác là chỗ lựa chọn cây, con cho phù hợp. Ông Phan Tôn Anh – ở ấp 2, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An – là một trong những nông dân đã thành công với mô hình này.

Ông Phan Tôn Anh (đội nón) giới thiệu về mô hình VAC hiệu quả của gia đình

 

Trước năm 1975, ông Phan Tôn Anh từng là thanh niên tham gia hoạt động chống Mỹ cứu nước ở thành phố Sài Gòn. Thời đó, ông vừa đi học, vừa hoạt động cách mạng. Đến sau giải phóng, ông ở lại Sài Gòn tham gia công tác tại nơi cư trú. Tuy là người con thứ sáu trong nhà, nhưng lại là con trai trưởng, nên ông Phan Tôn Anh phải đảm nhận trách nhiệm gánh vác gia đình. Khoảng năm 1986, ông cùng vợ con về quê nhà Long An định cư cho đến nay.

Lúc mới về quê, vợ con ông chưa quen với cảnh ruộng sớm, đồng trưa nên cuộc sống rất vất vả. Cả gia đình có 5 – 6 nhân khẩu mà chỉ nhờ vào một mẫu ruộng nên mọi chi tiêu rất chật vật. Đến năm 1990, ông Phan Tôn Anh quyết định thay đổi mô hình sản xuất. Toàn bộ đất ruộng được ông lập ao nuôi cá, trên bờ thì trồng hoa màu, dừa, chuối kiếm thêm huê lợi.

Gia đình ông Phan Tôn Anh chọn nuôi các loại cá như rô phi, cá tra và một số loại cá trắng khác. Trong quá trình nuôi, ông tận dụng mọi thứ như rau muống, cám, tấm, dầu mỡ qua sử dụng ở các chợ… để chế biến thức ăn cho cá nhằm tăng thêm lợi nhuận. Nhờ vậy, hơn 10 năm qua, mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ những ao cá gần trăm triệu đồng. Trong thời gian đó, ông bà tích góp mua thêm 5 công đất liền kề và tiếp tục xây dựng mô hình VAC.

Cùng với việc nuôi cá, ông Phan Tôn Anh còn nuôi vịt đẻ tại chỗ, mỗi đợt nuôi thường vài ngàn con. Những năm trước, giá thức ăn còn thấp nên gia đình lời rất khá. Mỗi ngày, sau khi trừ chi phí, gia đình còn thu lãi vài trăm ngàn đồng. Ngoài ra, ông còn tổ chức nuôi gà thả vườn trong khuôn viên mô hình. Tuy nhiên, dịch cúm bùng phát, mặc dù đàn gia cầm nhà ông không bị nhiễm bệnh nhưng vẫn bị ảnh hưởng về mặt kinh tế.

Thời gian sau, ông vẫn tiếp tục nuôi gà, vịt, tuy nhiên lợi nhuận không cao, có đợt chỉ phá huề. Không ngừng tìm tòi những cách nuôi mới, hiệu quả hơn, ông tìm đến với mô hình nuôi gà công nghiệp lấy trứng.

Đầu năm 2009, ông Phan Tôn Anh đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng trại nuôi gà đẻ công nghiệp với quy mô 3.000 con. Trong lúc nuôi, tuy giá thức ăn có tăng lên, nhưng do giá trứng gia cầm năm 2010 luôn ở mức khá cao nên sau khi kết thúc đợt nuôi, ông đã lấy lại vốn đầu tư chuồng trại và còn lãi ròng trên 200 triệu đồng.

Cuối năm 2010, ông bắt đầu nuôi đợt thứ hai, đến nay, gà đã cho trứng khá đều. Tuy nhiên, lần này, giá thức ăn tăng nhanh và nhiều hơn trước, giá trứng ổn định nên người nuôi không lời nhiều.

Ông Tôn Anh cho biết, nhờ xây dựng được mô hình VAC kết hợp nên khi có một bộ phận nào đó trong mô hình này bị thua lỗ thì ông vẫn còn lợi nhuận từ những bộ phận khác bù lại. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, dù thị trường có biến động, gia đình ông vẫn thu lời ở mức hàng trăm triệu, tính ra vẫn cao hơn trồng lúa nhiều lần.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *