Bên bờ hạnh phúc

Những năm gần đây, các món ăn từ bồ câu  được xem là một trong những đặc sản của quê hương, nhiều thực khách rất ưa chuộng. Từ  giá trị thương phẩm, nhiều nhà nông nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi bồ câu  thu được kết quả khá cao.

 

Những năm gần đây, do nhu cầu phát triển của thị trường, những loài vật nuôi trước đây thường dùng để nuôi kiểng như gà sao, chim trĩ, hay bồ câu,… đều được nuôi khai thác lấy thịt. Nhiều hộ nông dân nắm bắt được tình hình, cũng nhanh chóng tìm tòi, nghiên cứu cách chăn nuôi thương phẩm các loài này để tăng thu nhập cho gia đình. Riêng với mô hình nuôi bồ câu, hiện nay ở ĐBSCL  cũng có không ít nông dân nuôi làm kinh tế thành công. Với gia đình của ông Nguyễn Văn Chính, tại ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là người đầu tiên của địa phương nuôi bồ câu bán thịt. Mô hình đang được đánh giá khá cao, phù hợp với yêu cầu ứng dụng mô hình xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân tại đây.

Trong khi trên địa bàn xã Long Hưng hiện có nhiều bà con ứng dụng mô hình trồng ổi để phát triển kinh tế gia đình, thì ông Nguyễn Văn Chính lại chọn mô hình nuôi bồ câu. Vợ chồng ông cho biết, do hoàn cảnh đơn chiếc, 6 – 7 người con đều đã có sự nghiệp riêng, sống xa nha, ông bà chỉ có mảnh vườn để dưỡng già. Đến lúc cần một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình thì ông bà đã chọn mô hình nuôi bồ câu này.

Với diện tích chuồng trại chưa đầy 100 m2, ông bà thiết kế 2 lớp chuồng lồng, nuôi được trên 120 cặp bồ câu sinh sản. Mỗi ngày ông bà chỉ bỏ ra vài tiếng đồng hồ để chăm sóc cho chúng, mỗi tháng có thể bán trên 60 cặp bồ câu thịt, thu lãi vài triệu đồng.

 

Với kết quả  khả quan về mô hình này, lẽ ra, gia đình ông bà Chính có thể mở rộng thêm gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại, tuy nhiên do tình trạng sức khỏe không cho phép, ông bà chỉ chăm sóc được có bấy nhiêu. Nhiều nông dân khác trong xã đến học tập kinh nghiệm, ông bà cũng sẵn sàng chia sẻ.

Ông cho biết, nếu bà con nông dân có nhiều thời gian chuyên tâm vào việc nuôi bồ câu thì hiệu quả sẽ còn tăng hơn mức của gia đình ông hiện nay. Ông cho biết, do bồ câu sinh sản nhanh, lứa cũ chưa biết tự ăn đã có lứa mới, ông bà không có thời gian bơm thức ăn cho lứa cũ nên có khi phải điều tiết cho chúng sinh sản chậm lại. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ, nên làm chuồng trị nuôi bồ câu trên nền tráng xi măng là phù hợp nhất, chuồng phải đảm bảo sạch sẽ thoáng mát , có ánh nắng rọi vào sẽ tốt cho vấn đề vệ sinh phòng bệnh vật nuôi.

Được biết ngoài thu nhập từ bồ câu, hàng tháng ông bà còn tận dụng đất vườn trồng thêm chuối cau, đu đủ, thu nhập cũng trên 2 triệu đồng; đó là chưa kể nguồn thu ổn định hàng năm gần 200 triệu đồng từ 1,5 ha vườn vú sữa Lò Rèn 7 năm tuổi này.

Bà con lân cận cũng như chính quyền địa phương cảm thấy tự hào khi giới thiệu về gương lao động của đình ông Nguyễn Văn Chính. Trước nay nhiều năm, ông bà cũng từng thành công với những mô hình như nuôi heo, nuôi dê, trồng quýt đường, trồng nhãn,… và được UBND tỉnh Tiền Giang khen tặng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền từ 1995 đến 2007. Những năm gần đây, do bệnh nên lao động cũng có phần hạn chế, vậy mà ông bà vẫn rất chí thú làm ăn, chịu khó đầu tư cho mô hình khá mới mẻ này.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *