Bên bờ hạnh phúc

 Ở Vĩnh Long, xã Phú Lộc được biết đến là địa phương vùng sâu, giàu truyền thống cách mạng với căn cứ địa Cái Ngang anh hùng. Những năm gần đây, được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với nỗ lực của bà con nông dân, nông thôn Phú Lộc đã có những đổi thay tích cực. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đã có những bước chuyển dịch đúng hướng, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Đặc biệt những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, tạo động lực tốt để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Huỳnh Văn Ghi

 

  Điển hình như mô hình làm kinh tế gia đình của ông Huỳnh Văn Ghi ở ấp Long Cong – người nông dân được nhiều người biết đến với nghề nuôi lươn giống thành công đầu tiên ở Vĩnh Long. Trở về làm kinh tế gia đình với những thương tích của thương binh hạng 4/4, ông Huỳnh Văn Ghi khởi nghiệp với 6 công ruộng độc canh lúa. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, do khoa học kỹ thuật chưa phát triển và giá lúa bấp bênh nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm bám trụ ruộng đồng, ông đã tận dụng thời gian nông nhàn để làm thêm nghề mua bán cua, nuôi vịt chạy đồng cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ cần cù, chịu khó nên cuộc sống gia đình ông cũng dần ổn định.      

Vào những năm 2000, khi được địa phương đưa đi tham quan học hỏi nhiều mô hình nuôi lươn, cá đồng, thấy được nghề nuôi lươn phù hợp với điều kiện gia đình nên ông bắt tay đầu tư xây bể nuôi lươn. Do đây là loại vật nuôi mới nên để đảm bảo thành công, ông vừa vận dụng những kiến thức khi tham quan các mô hình , vừa tự rút kinh nghiệm từ thực tế phát sinh. Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu là cua đồng và ốc bươu vàng nên chi phí không đáng kể. Sau gần 12 tháng nuôi, bể lươn đầu tiên thành công ngoài sự mong đợi của ông. Chỉ với 01 bể nuôi với diện tích khoảng chừng 50m2, ông thu hoạch gần 50kg lươn thịt, cho thu nhập bằng 2-3 công lúa lúc bấy giờ.

Có thể nói, chọn con giống là một khâu quan trọng, quyết định nhiều đến hiệu quả của nghề nuôi lươn. Hiện nguồn lươn giống chủ yếu là từ đánh bắt lươn con trong tự nhiên. Lươn sau khi nở khoảng 06 tháng có thể bắt đầu nuôi thương phẩm, lúc này trọng lượng bình quân vào khoảng 40-60 con/kg. Tuy nhiên, do lươn giống bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên con giống không đồng đều, tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi chưa cao. Thấy được vấn đề này, ông Huỳnh Văn Ghi đã thử nghiệm ương lươn giống để gia tăng hiệu quả nuôi lươn.

 

 

Vào năm 2009, từ nguồn lươn thương phẩm, ông tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm bố mẹ. Qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, ông tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ. Khi lươn đã đẻ trứng xong, ông tiến hành vớt trứng đưa sang bể ấp. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, ông đã cho ra đời mẻ lươn giống đầu tiên với khoảng 1000 con giống. Nếu so với sản lượng ước tính khoảng 10.000 con thì tỷ lệ thành công là tương đối thấp. Tuy nhiên, đây là mẻ lươn giống đã giúp ông tích lũy rất nhiều kinh nghiệm để đi đến tiến hành sản xuất lươn giống sau này. Vào năm 2010 ông cung ứng cho thị trường trên 10.000 con giống và năm nay sản lượng đã lên đến trên 30.000 con. Đây là hộ nông dân duy nhất ở Vĩnh Long cung cấp lươn giống từ nguồn nuôi ấp nhân tạo.

Không chỉ được biết đến với nghề làm lươn giống, gia đình ông Huỳnh Văn Ghi còn là tấm gương về cách tận dụng thời gian nông nhàn. Những phụ phẩm từ nghề buôn bán cua đồng, ngoài làm thức ăn cho lươn còn được ông tận dụng để nuôi cá lóc. Cũng như lươn, ông cũng tự sản xuất cá giống để nuôi thương phẩm. Nguồn thu nhập từ 2000m2 đất xung quanh nhà ước tính cũng gấp 2-3 lần so với 1ha lúa.

Tuy bận rộn với nghề nuôi lươn, nuôi cá nhưng đối với ông Huỳnh Văn Ghi  thì thu nhập từ cây lúa vẫn là nguồn tích lũy quan trọng đối với gia đình. Bởi, đây là loại cây trồng mà ông đã gắn bó ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. Để gia tăng hiệu quả sản xuất, ông thường xuyên cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận. Sau nhiều năm tích lũy, ông đã phát triển được 01 ha đất chuyên canh 03 vụ lúa.

Có thể nói, tuy đã đạt được những bước tiến quan trọng nhưng nếu so với mặt bằng chung thì đời sống của bà con nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này thì ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, mỗi bà con nông dân cũng phải tự tìm cho mình một hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Từ những thành công của gia đình ông Huỳnh Văn Ghi cho thấy, nếu có chịu khó tìm tòi, học hỏi và có tâm huyết ,sẽ có nhiều sự lựa chọn để bà con nông dân xây dựng cho mình có một mô hình làm kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *