Bên bờ hạnh phúc

Hội chứng “rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo”, hay còn gọi bệnh heo tai xanh xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 8/2010 vừa qua và đã lây lan rất nhanh trong tỉnh. Bệnh tai xanh trên heo được xác định là dịch bệnh nguy hiểm, do khả năng lây truyền bệnh nhanh và làm heo chết hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế nặng nề cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu hộ nuôi heo áp dụng tốt công tác vệ sinh thú y, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn heo và thực hiện qui trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì sẽ vượt qua bệnh heo tai xanh, hạn chế thấp nhất về rủi ro, duy trì tổng đàn heo trong thời dịch bệnh.

Sau một thời gian tạm lắng, kể từ lần xảy ra dịch bệnh heo tai xanh đầu tiên ở nước ta vào năm 2007, năm nay, dịch bệnh này đã xuất hiện trở lại trên phạm vi toàn quốc. Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 2 đợt dịch heo tai xanh. Nếu như đợt đầu tiên, dịch bệnh heo tai xanh chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh phía Bắc thì đợt này, ngoài các tỉnh phía Bắc ra, dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh phía Nam và vùng ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long.

Ngành chức năng cho biết, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh tai xanh trên heo lần này ở các tỉnh Nam bộ là do việc tiêm phòng vắc-xin không đạt yêu cầu, công tác quản lý và phòng chống dịch của một số địa phương còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, một yếu tố khác là do có chênh lệch về giá cả nên các thương lái đã vận chuyển heo giống từ các tỉnh phía Bắc vào miền Nam để tiêu thụ, đem theo mầm bệnh, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh.

Tại Vĩnh Long, dịch bệnh tai xanh trên heo được phát hiện vào đầu tháng 8/2010.. Ngày 3/8/2010 , một hộ ở Phường 8 – Thành phố Vĩnh Long chăn nuôi với tổng đàn heo trên 90 con báo tin heo bệnh, có dấu hiệu bỏ ăn và chết dần. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm gởi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút tai xanh. Liên tiếp các ngày sau đó, ngành Thú y tiếp tục phát hiện heo mắc bệnh và chết ở một số xã của huyện Bình Tân, Bình Minh, Long Hồ. Sau khi xét nghiệm, số heo bệnh này bị nhiễm virut tai xanh và ngày 12/8/2010 UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công bố dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của giới chuyên môn, bệnh heo tai xanh năm nay diễn biến khá phức tạp, vi rút có độc lực cao và tốc độ lây nhiễm nhanh, thời tiết có nền nhiệt độ và độ ẩm cao làm sức đề kháng của heo giảm. Khi bệnh xảy ra, nhiều người chăn nuôi không khai báo mà mua thuốc tự điều trị, đến khi dịch bệnh lan rộng thì mới báo cho cơ quan thú y. Ngoài ra, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo, việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh trên heo chưa đầy đủ, điều kện hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán… đã góp phần làm cho bệnh dễ lây lan. Đàn heo khi bị nhiễm vi rút tai xanh đã kéo theo những mầm bệnh khác tiềm ẩn trong môi trường và bản thân mỗi con heo “trổi dậy”, tấn công và lây nhiễm.

Heo bị bệnh tai xanh có thể điều trị khỏi nếu như người chăn nuôi có biện pháp chăm sóc tốt

 

Để ngăn chặn dịch bệnh này, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ như : tăng cường giám sát phát hiện bệnh trên đàn heo, đẩy mạnh công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ. Các cơ quan chuyên trách thực hiện kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển heo trên địa bàn tỉnh và từ các tỉnh khác nhập vào nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp vi phạm vận chuyển và tiêu thụ heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ của ngành chức năng. Ngoài ra, ngành thú y địa phương còn tổ chức tiêu độc khử trùng ở các vùng có dịch bệnh xảy ra, khu vực có hộ chăn nuôi nhiều, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường thức ăn đủ chất dinh dưỡng để giúp heo nâng sức đề kháng với vi rút tai xanh và các bệnh khác.

Theo các chuyên gia chăn nuôi, vi rút tai xanh thường tấn công vào các tế bào đại thực bào. Khi heo bị nhiễm bệnh này, có từ 60-70% tế bào đại thực bào bị phá hủy, hệ thống miễn dịch của heo sẽ suy giảm nghiêm trọng. Đây là cơ hội để cho các mầm bệnh kế phát tấn công và gây heo chết hàng loạt, chủ yếu là do hô hấp kém và môi trường chăn nuôi chưa tốt. Vì vậy, nếu đảm bảo môi trường chăn nuôi tốt, thực hiện nuôi heo theo hướng an toàn sinh học thì sẽ hạn chế và vượt qua được dịch bệnh.

Hộ bà Nguyễn Thị Thủy – ở ấp Phú An, xã An Phước, huyện Mang Thít – nuôi trên 100 con heo đến nay vẩn khỏe mạnh trong khi các hộ chăn nuôi heo lân cận đều bị dịch heo tai xanh hoành hành. Theo bà Thủy, để đảm bảo được tổng đàn heo đang nuôi trong thời dịch tai xanh đang phát triển và lây lan nhanh như hiện nay là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, cũng không phải là không có cách để bảo toàn tổng đàn, bởi lẽ bệnh tai xanh không gây chết heo mà chỉ làm suy giảm miễn dịch của heo, từ đó sẽ làm cho các bệnh kế phát như bệnh hô hấp, thương hàn… tấn công làm heo chết . Mặc khác, bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên chỉ phòng là chính, do đó yêu cầu tiêm phòng đầy đủ vắc-xin tai xanh và các bệnh khác là cần thiết. Ngoài ra, còn phải thực hiện phun thuốc sát trùng chuồng trại thường xuyên, tăng cường chế độ dinh dưỡng và rau xanh để giúp heo nâng sức đề kháng với virút tai xanh và các bệnh khác.

Bà Phạm Kim Chuyên – ở ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ – có tổng đàn heo đang nuôi gần 100 con vẫn phát triển tốt trong tình hình dịch bệnh tai xanh bùng phát ở địa phương. Trong thời điểm các hộ chăn nuôi xung quanh đều có heo bị mắc bệnh và chết hàng loạt, nhưng đàn heo của gia đình vẫn an toàn. Bà Chuyên cho biết : bên cạnh vấn đề tăng cường chế độ dinh dưỡng thức ăn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn heo thì việc cần quan tâm là phải đảm bảo cho chuồng trại và nguồn nước phục vụ trong chăn nuôi được sạch sẽ. Từ đó mới đảm bảo cho đàn heo có sức khỏe tốt và có khả năng chống chọi lại với dịch bệnh.

Theo thống kê, sau gần 2 tháng bị dịch heo tai xanh, toàn tỉnh Vĩnh Long đã có gần 1.400 hộ chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh, với tổng số lượng trên 22.400 con. Ngành Thú y đã hướng dẫn cho bà con điều trị khỏi gần 50% số heo đã mắc bệnh. Qua đây cho thấy, heo bị bệnh tai xanh có thể điều trị khỏi nếu như người chăn nuôi có biện pháp chăm sóc tốt. Hiện thời, các địa phương vẫn tiếp tục tập trung quyết liệt để ngăn chăn bệnh heo tai xanh, không cho dịch bệnh phát triển lây lan thêm và thực hiện nhiều biện pháp để tiến đến khống chế hoàn toàn. Ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác vệ sinh thú y, vận động các hộ chăn nuôi nên nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, chú trọng vệ sinh chuồng trại và thường xuyên tiêu độc sát trùng quanh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trên heo.

Trong điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ, lạc hậu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh lại rất cao nên về phía nhà nước cần có những chánh sách hỗ trợ thiết thực hơn cho người dân chuyển đổi chăn nuôi theo hướng chất lượng và tiên tiến, tăng cường công tác thú y và sự hiểu biết về phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Về phía bà con nông dân cũng phải có sự hợp tác tốt khi dịch bệnh xảy ra… Các hộ chăn nuôi nên thực hiện biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để đàn heo giảm thiểu bị rủi ro, ngăn ngừa dịch bệnh, phát triển khỏe mạnh và bền vững.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *