Bên bờ hạnh phúc

Trên dòng kênh Tẻ, hoạt động giao thương diễn ra tấp nập ngày đêm. Những cư dân sông nước trên chợ nổi giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh đang cùng làm nên nhịp sống sôi động. Những chiếc ghe nối liền san sát, tiếng rao bán, chào mời… nhộn nhịp cả khúc sông.

Chợ nổi là môt trong những nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Người dân miền Tây vốn dĩ rất quen thuộc với hình ảnh ghe xuồng mua bán tấp nập ở những ngã ba sông hay vùng giáp nước… Và những hình ảnh tương tự như vậy cũng thấp thoáng giữa nơi đô thị nhộn nhịp ở chợ nổi kênh Tẻ. Chợ được họp ven dòng kênh Tẻ, đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, TP.HCM.

 

Những hình ảnh sôi động của chợ được tạo nên bởi những cư dân miền Tây chính hiệu. Họ đã mang nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình, góp phần làm phong phú và sinh động đời sống của cư dân thành phố.

Theo lời kể của những cư dân sông nước thì chợ nổi kênh Tẻ có từ rất lâu đời nhưng trở nên nhộn nhịp hơn từ khi có chủ trương di dời chợ đầu mối Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Các tiểu thương chuyên vận chuyển, kinh doanh trái cây bằng phương tiện ghe xuồng, mua bán trên sông di dời về đây ngày càng đông hơn. Đa số họ là những thương lái từ miệt vườn miền Tây lên TP.HCM mưu sinh bằng cách kinh doanh sản vật quê nhà.

 

Sản phẩm của chợ chủ yếu là những loại trái cây trồng nhiều ở miền Tây như: dừa, chuối, mít, đu đủ… Cũng có những loại kinh doanh theo mùa như: chôm chôm, nhãn, sầu riêng… Mùa nào thì trái nấy.

 

Tiểu thương ở chợ, có nhiều người gắn bó với dòng kênh Tẻ đã hàng chục năm và cũng có những người mới vào nghề. Điều đáng quý là những tiểu thương chí thú với nghề đều có chung cách ứng xử mang đậm tính cách người miền Tây: người đi trước rước người đi sau. Hễ ai làm ăn khấm khá từ nghề này thì kéo theo láng giềng cùng quê hay anh em dòng họ cùng lên đây mua bán. Mọi người cùng chia sẻ khó khăn, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bởi vậy, chợ có hàng trăm ghe xuồng nhưng những người đồng hương thường dễ dàng nhận ra nhau. Mỗi tỉnh có những nhóm ghe đậu san sát, hết tỉnh này đến tỉnh khác, nối dài thành khu chợ sung túc nhộn nhịp. Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… mỗi tỉnh có một khu vực riêng, cùng quây quần mua bán.

 

Hết hàng, thương lái cho ghe trở về tỉnh để thu mua trái cây từ nhà vườn rồi vận chuyển lên TP.HCM phân phối. Mỗi chuyến đi khoảng vài ngày đến một tuần. Sau khi một chuyến cập bến tại chợ kênh Tẻ thì chuyến ghe khác lại luân phiên.

Chợ nổi Kênh Tẻ được hình thành từ những chiếc ghe xuồng mua bán trên sông và được xem là một trong những chợ đầu mối trái cây lớn ở TP.HCM. Chợ cung cấp số lượng lớn các loại trái cây miệt vườn cho cư dân thành phố, cũng như sẵn sàng bán lẻ cho khách hàng khi có nhu cầu.

Từ 4h sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp người và phương tiện ra vào lấy hàng. Từng đoàn xe ba gác, xích lô, xe tải…đến để vận chuyển hàng hóa đến các chợ nhỏ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đây còn là địa chỉ cho những người mua bán trái cây lấy hàng giá rẻ. Thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ là vào lúc sáng sớm và chiều tối.

Và cũng nhờ có chợ nổi Kênh Tẻ mà bà con nhà vườn miền Tây có đầu ra ổn định, có điều kiện chăm sóc, mở rộng diện tích trồng cây ăn trái quê mình.

Chợ kênh Tẻ có hàng trăm tiểu thương, đa phần không có đất đai trồng trọt. Cuộc sống thương hồ lênh đênh, cả gia đình cùng sinh sống trên ghe. Những người đi ghe thường được gọi là bạn ghe, rồi cũng từ cách gọi “bạn” trân trọng và thân mật ấy mà những người bạn ghe cư xử với nhau rất tình nghĩa. Hễ ai gặp biến cố gì thì những người bạn ghe xung quanh luôn nhiệt tình giúp đỡ, từ những chuyện thường ngày đến phương cách làm ăn. Chiều xuống là lúc bạn ghe quây quần bên nhau để những người xa xứ được xẻ chia, cảm thông và nương tựa vào nhau trước những khó khăn nơi đất khách.

Chuyện tranh mua, tranh bán là điều ít thấy ở khu chợ này mà thay vào đó là không khí nghĩa tình ấm áp luôn được kết nối bằng những câu chuyện rôm rả về những chuyến hàng, con sông, nhà vườn và những mùa cây trái…

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *