Bên bờ hạnh phúc

Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay, thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng đã có những bước tiến dài. Chỉ thị 58 ra đời đã đưa công nghệ thông tin từ một ngành khoa học ứng dụng trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của nước ta.

Đến năm 2010, tỉnh Vĩnh Long đạt tỷ lệ 50 máy điện thoại/100 dân và trở thành tỉnh có tỷ lệ người dân dùng điện thoại lớn thứ 5 trong số 13 tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL. Trên bình diện cả nước, Việt Nam có 114 triệu thuê bao điện thoại, đạt mật độ 132 máy/100 dân, tốc độ phát triển nhanh thứ 2 thế giới. Liên minh Viễn thông Thế giới công bố, năm 2010, Việt Nam đã được xếp vị trí 86/159, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Chỉ số sẵn sàng kết nối của Việt Nam năm 2010 tăng 16 bậc so với năm 2009 và được xếp hạng 54.

 

 
Thị trường viễn thông sau 10 năm đã có những bước tiến dài

 

Điện thoại cố định không dây là giải pháp hữu hiệu cho vùng nông thôn và các hộ kinh doanh khu vực thành thị. Shop hoa tươi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Khanh (Phường 1, Thành phố Vĩnh Long) sử dụng cùng lúc 5 điện thoại, trong đó có đến 3 điện thoại không dây và 2 điện thoại di động. Người đặt mua hoa chỉ cần điện thoại, sau 2 giờ sẽ có người giao hoa ngay tại địa chỉ thuộc trung tâm 63 tỉnh, thành phố. Sự tiện ích và giá rẻ là lý do điện thoại ngày càng trở nên phổ cập trong đời sống xã hội.

Ít ai ngờ rằng, 10 năm trước đây, cả nước mới có khoảng 3 triệu thuê bao điện thoại, mật độ 3,5 máy/100 dân. Vĩnh Long chỉ có gần 44.000 thuê bao điện thoại cố định và di động, tỷ lệ 2,8 máy/100 dân, thị trường hầu như chưa có sự cạnh tranh và chỉ được cung cấp tại các trung tâm đô thị và dành cho người có thu nhập cao. Internet với người dân là điều xa vời khi toàn tỉnh chỉ có hơn 400 thuê bao với 19 máy chủ và hơn 500 máy vi tính có nối mạng. Đứng trước tình trạng viễn thông lạc hậu, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 58 với mục tiêu là ứng dụng công nghệ thông tin để đưa đất nước hội nhập quốc tế, nâng cấp quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Cũng trong năm đó, Viettel là doanh nghiệp tiên phong phá thế độc quyền mà khởi đầu là thử nghiệm dịch vụ điện thoại đường dài giá rẻ.

Đến nay, cả nước có gần 10 mạng và 3G là dấu ấn mới nhất của ngành viễn thông. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công nghệ này, các nhà mạng đều dồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sáng tạo ra những dịch vụ gia tăng mới. Riêng Viettel đến cuối năm nay sẽ có hệ thống hạ tầng lên tới 20.000 trạm BTS 3G. Còn tại Vĩnh Long, chỉ sau nửa năm, số lượng trạm đã tăng 3 lần với 150 trạm.

Những năm trước, người dân hào hứng với điện thoại cố định không dây. Còn bây giờ, Internet không dây cũng đang là tầm ngắm của nhiều người. Công nghệ mới và những giải pháp cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ xem ra sẽ đưa viễn thông nhanh chóng đi sâu vào đời sống xã hội, đặc biệt là nông thôn, nơi có tốc độ phát triển còn tương đối chậm nhưng còn nhiều tiềm năng sẽ được khai thác trong tương lai.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *