Bên bờ hạnh phúc

Mô hình điểm Bưu điện Văn hoá xã là một trong những chủ trương của Nhà nước ta nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Đây là một mô hình gắn kết giữa hai ngành Văn hoá và Bưu điện, là nơi người dân có thể tiếp cận thông tin qua sách báo, qua các dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin do các ngành cung cấp.

Mục đích của việc đưa các dịch vụ bưu chính viễn thông về với nông thôn và nông dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu của chính quyền và nhân dân, hướng dẫn người dân làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trao đổi thông tin, tiếp nhận tin tức để nâng cao dân trí. Khai thác, tận dụng và phát huy cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn nhân lực tại chỗ địa phương đã qua đào tạo nghiệp vụ, các điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí, góp phần tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, kinh nghiệm và kiến thức phát triển sản xuất, tình hình giá cả tiêu dùng, nông sản thực phẩm… thực hiện các hoạt động văn hóa trong phạm vi cho phép, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người dân vùng nông thôn với chi phí thấp nhất, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Ngoài những hoạt động mang tính ngành nghề là phục vụ bưu chính – viễn thông, nét mới của điểm bưu điện văn hóa xã là tính văn hóa của loại hình phục vụ này được thể hiện như: tụ điểm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng, thu hút đồng bào ở nông thôn đến sinh hoạt; tổ chức một số hoạt động văn hóa cụ thể để thu hút mọi người như đọc sách báo, sử dụng dịch vụ điện thoại, sử dụng internet, triển lãm tranh ảnh… Các hoạt động trên không đặt mục tiêu lợi nhuận mà còn hỗ trợ thêm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền. 



Bưu điện văn hóa xã được lập ra nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa thông tin cho người dân

 

Ðiểm bưu điện văn hóa xã đến với vùng nông thôn, nơi có 80% số dân sinh sống và ngày càng gia tăng của nhu cầu dịch vụ bưu chính – viễn thông là bước đi chủ động cho tiến trình hội nhập của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Trong khi các dịch vụ bưu chính – viễn thông ở các địa phương còn rất thiếu thì sự ra đời các điểm bưu điện văn hóa xã đã tạo ra một hệ thống điểm dịch vụ rộng khắp trong cộng đồng cư dân nông thôn, đáp ứng một phần nhu cầu cũng như thông tin đối với người dân. Ðiểm bưu điện văn hóa xã đã trở thành một công trình văn hóa xã hội, một thiết chế văn hóa, thông tin và truyền thông có ý nghĩa ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bên cạnh những ưu điểm, điểm bưu điện văn hóa xã đã và đang còn một số vấn đề tồn tại và bất cập, như: cơ sở vật chất xuống cấp nhanh, thiết bị phục vụ lạc hậu và còn thiếu thốn, cơ chế vận hành thiếu năng động, nội dung thông tin phục vụ nhân dân đôi khi còn nghèo nàn và chưa thiết thực, chính sách về quyền lợi cho người quản lý còn thấp… Ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm bưu điện văn hóa xã còn góp phần thiết thực vào công tác xây dựng văn hóa cơ sở; đây cũng là kênh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân nhanh chóng, gần gũi và hiệu quả thông qua sách, báo miễn phí phục vụ nhân dân. Dù vậy, nguồn sách cung cấp chưa được phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là những sách về kỹ thuật nông nghiệp, y tế, pháp luật, sách phục vụ học tập cho học sinh.

Sách báo phân về các điểm mang tính bình quân, trong khi nhu cầu đọc sách báo của người dân không đồng đều, có điểm không đủ sách báo cho bạn đọc, nhưng có nơi thì hầu như không có độc giả. Sau thời gian hoạt động, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã đã có dấu hiệu xuống cấp tường nứt, hàng rào, khu vệ sinh bị hư hỏng không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân viên. Diện tích đất cấp cho các điểm bưu điện văn hóa xã còn nhỏ… Do khó khăn về giao thông, hạ tầng mạng cũng như nhu cầu sử dụng của người dân còn hạn chế nên các dịch vụ mới như chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh và các dịch vụ khác chưa được đưa xuống phục vụ bưu điện văn hóa xã.

Việc tổ chức kinh doanh gặp nhiều khó khăn do chi phí cao và nhu cầu thị trường thấp, chậm đổi mới nên không theo kịp sự bùng nổ công nghệ thông tin. Sau quá trình hoạt động, các điểm bưu điện văn hóa xã đã không phát huy được hiệu quả, nhiều điểm bưu điện đìu hiu, nhân viên bưu điện đành phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Để tháo gỡ khó khăn cho các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh, cần có những mô hình, biện pháp, cách thức khắc phục để phát huy tính xã hội hóa của các điểm bưu điện văn hóa. Theo đó, điểm bưu điện văn hóa cần tăng cường lồng ghép các hoạt động viễn thông – dịch vụ – kinh doanh, triển khai các mô hình thí điểm như : gắn các hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã với các hoạt động chung của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet, lồng ghép hoạt động giữa điểm bưu điện văn hóa xã với thư viện tại các xã vùng sâu, vùng xa; mô hình khoán theo chủ trương của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam áp dụng tại các khu vực thị trấn, thị xã để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động và kinh doanh tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *