Bên bờ hạnh phúc
Dưa hấu đỏ như ngầm báo một năm mới đầy may mắn và thịnh vượng. Ảnh minh họa

Có thể nói, dưa hấu là loại trái cây đặc trưng của ngày Tết và nó không thể vắng bóng trong mỗi gia đình của người Việt mỗi độ xuân về. Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có nhiều vùng trồng dưa nổi tiếng và rộng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết – dịp mua sắm lớn nhất trong năm. 

Nhắc đến dưa hấu, những người "sành dưa" không sao quên được những cái tên nổi tiếng từ lâu: dưa Gò Công của Tiền Giang, dưa Long Trì của Long An, dưa Cầu Kè của Trà Vinh, hay gần nhất là dưa Bình Tân của Vĩnh Long.

Trước đây, mỗi khi những tia nắng đầu mùa xuân vừa đến cũng là mùa vụ của những “Nàng dưa Hấu”. Và mỗi khi dưa chín rộ cũng là lúc báo hiệu mùa Tết đã về. Còn bây giờ, dưa hấu đã trồng được quanh năm, không kể mùa mưa hay mùa nắng nên khái niệm “mùa dưa là mùa Tết” cũng không còn đúng nữa. Tuy nhiên, cứ mỗi độ xuân về, tết đến, mọi người ai cũng nao nao một cảm giác hy vọng mua được những quả dưa ngon, đẹp, độc đáo mang về nhà chưng Tết  hoặc để biếu người thân. Thế nên, người trồng dưa hấu cũng vẫn cứ chờ mùa Tết…

Xứ dưa Gò Công nằm trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Đi dọc theo quốc lộ 50, là con đường nhanh nhất để đến xứ dưa này. Huyện Gò Công Tây có 13 xã, thị trấn, trong đó, dưa hấu được trồng tập trung ở các xã Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu… 

Hàng năm, những nơi này xuống giống từ 500 đến trên 1.000 ha dưa hấu, tùy theo điều kiện thời tiết và giá cả. Trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là xã Bình Nhì. Đây được xem là xứ sở của dưa hấu Gò Công. Điều đặc biệt là khi đến mùa dưa Tết, dân trồng dưa giỏi xứ này lại chọn cách đi trồng dưa nơi khác do bà con ở đây trồng vụ nhất là vụ Hè Thu khi có mưa xuống, vụ 2 là vụ Thu Đông, vừa thu hoạch xong hồi Rằm tháng 10. Cho nên, vụ giáp Tết, bà con không làm ở đây vị sợ mầm bệnh. 

Thật ra, việc đi thuê đất trồng dưa nơi khác đã được nông dân Gò Công thực hiện nhiều năm rồi. Đến 70% số hộ trồng dưa của địa phương làm mùa dưa Tết xa nhà. Mùa Tết , chỉ những hộ không có điều kiện đi xa mới trồng dưa tại đất nhà. Bà con trong xóm dù đi xa hay ở nhà cũng đều đoàn kết, thân ái và hết lòng hỗ trợ cùng nhau. Nhờ vậy, những năm qua, những người làm nghề thuê đất trồng dưa cũng có cuộc sống khá ổn định, có hộ xây cất nhà cửa khá khang trang. 

Dưa hấu là một loại cây màu được xem là khá mẫn cảm với môi trường dịch bệnh cả trong không khí và trong đất. Vì vậy, việc canh tác dưa hấu quá lâu tại một vùng đất, chắc chắn hiệu quả kém dần. Đó là lý do vì sao những nông dân xứ Gò Công – những con người sống trọn với nghề trồng dưa – phải tìm con đường “tìm đất mới trồng dưa”. Ban đầu, họ chỉ đến những nơi gần, như sang huyện Chợ Gạo, huyện Cai Lậy của tỉnh nhà, về sau họ đi xa hơn, đến Long An, Vĩnh Long tìm thuê đất trồng dưa quanh năm.

Thuê đất trồng dưa đã là cái nghề của người dân xứ dưa Gò Công. Có người canh tác cả năm, nhưng chỉ hy vọng trúng mùa dưa Tết là coi như thắng lớn.

Huyện Thạnh Hóa là một trong các huyện có diện tích trồng dưa hấu lớn của tỉnh Long An hiện nay mà nguồn gốc cũng là nhờ dân xứ Gò Công lên mở đất. Thạnh Hóa là một huyện khá trẻ và là vùng kinh tế mới của tỉnh Long An. Đa số bà con về đây lập nghiệp đều là dân tỉnh khác.

Gia đình anh Trần Vĩnh Hoài Linh từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến đây vào năm 1989, khi huyện này mới được thành lập. Nhờ học được nghề trồng dưa, gia đình không còn phụ thuộc vào việc độc canh cây khoai mỡ nữa, cũng đã nhẹ phần lo lắng. Giờ đây, tay nghề trồng dưa đã giỏi, vừa đất nhà vừa đất thuê, hàng năm anh canh tác trên 12 ha dưa hấu, thu lãi vài trăm triệu đồng. Năm nay, lũ rút chậm, vụ dưa phải ra Giêng mới thu hoạch, cũng hứa hẹn một mùa bội thu cho gia đình anh.

Có lẽ, cũng với cái cách nhân rộng lên theo kiểu "nghề dạy nghề" mà diện tích trồng dưa hấu vùng này không chỉ tăng lên mà còn chuyển dần sang những vùng mới, sang cả Đồng Tháp Mười. Hiện nay, chỉ tính riêng vùng dưa Long An, mỗi năm, diện tích gieo trồng lên đến hàng ngàn ha, cung cấp trên 30 ngàn tấn trái cho thị trường. Vùng này, đa số bà con trồng dưa trái dài để ăn quanh năm, rất ít hộ trồng dưa chưng ngày Tết. Các loại dưa tròn để chưng Tết thường tập trung ở các tỉnh như Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…

Nói đến mùa dưa Tết mà không nhắc đến sản phẩm dưa chưng thì quả là điều thiếu sót. Những năm qua, cư dân đồng bằng có nhiều sáng kiến để tạo nên những quả dưa độc đáo phục vụ mùa Tết như dưa vuông, dưa thỏi vàng, năm nay có dưa hồ lô. Tuy nhiên, thị trường truyền thống về trái dưa tròn vẫn được ưa chuộng. Cứ vào dịp tết, dưa tròn lại lên ngôi.

Năm nay, thời tiết cũng khá thuận cho mùa dưa Tết. Dù bà con nhiều vùng dưa lớn như Trà Vinh, Sóc Trăng, hay Vĩnh Long đã thu hẹp diện tích trồng nhưng những nông dân yêu nghề dưa Tết vẫn tranh thủ vụ này.

Vùng trồng dưa hấu lớn nhất Vĩnh Long là xã Tân Hưng, huyện Bình Tân. Trong số gần 120 ha dưa hấu Tết của huyện, Tân Hưng đã có gần 90 ha, chiếm trên 70% diện tích. Dù được đánh giá là không giảm nhiều so năm trước, nhưng năm nay, dưa hấu trông có vẻ ít đi , do bà con không trồng tập trung đồng loạt theo tiểu vùng như trước, mà trồng xen lẫn với lúa, với khoai, hoặc chỉ được tận dụng trồng trên đất bờ mẫu.

Dưa hấu giờ đây có mặt quanh năm nhưng hình ảnh quả dưa ngày Tết đã đi vào đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam. Cứ Tết đến, lại trông có dưa hấu trong nhà, đầu năm, đầu tháng cầu xẻ được quả dưa đỏ ruột, tươi ngon để ngầm báo điềm lành trong năm mới. 

Thúy Hằng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *