Bên bờ hạnh phúc

Rời thành phố Vĩnh Long, chúng tôi về An Giang, tới Thị xã Châu Đốc, vượt qua cầu Cồn Tiên rồi theo Đường tỉnh 956 về huyện đầu nguồn An Phú, nơi đầu tiên đón con nước lũ từ Campuchia đổ về Việt Nam theo ngõ sông sông Hậu. Hành trình Nhịp sống đồng bằng kỳ nầy còn đến vùng biên huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi đón con nước lũ đầu tiên từ ngõ sông Tiền. Những cánh đồng mùa này đang là một vùng nước mênh mông.  

 

Ở đâu có lũ về, ở đó lại có nhiều nông dân đi đăng, đi lưới . Họ miệt mài đánh bắt thủy sản,  quà tặng thân quen của mùa nước lũ. 

Như thông lệ hằng năm, cứ đến khoảng rằm tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi con nước ngầu đục, đỏ nặng phù sa từ thượng nguồn biển Hồ xa xôi theo dòng Mekong cuồn cuộn đổ về, thì người dân vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào mùa khai thác mới: Mùa cá linh non- một đặc sản của thiên nhiên ban tặng. 

Tại xã đầu nguồn Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, người dân đã bắt đầu vào mùa khai thác thủy sản từ đầu tháng 7 âm lịch- khi nước nổi bắt đầu tràn đồng. Bây giờ là đầu tháng 8. Các cánh đồng vùng biên mênh mông nước. Hàng hàng đăng quầng, đăng dớn, vó cất, xuồng câu, lưới… hì hục, lặn ngụp trong dòng nước lũ. Trên sông, dòng nước đỏ ngầu ngậm đầy phù sa… cuồn cuộn đổ về xuôi.

Buổi trưa, nhưng bến chợ biên giới Vĩnh Hội Đông vẫn dập dìu xuồng ghe lớn nhỏ, chở cá mắm, hàng nông sản… Bên kia sông là đất bạn, những mái nhà sàn thấp thoáng sau bóng những cây me, sầu đâu, bạch đàn rợp mát. Phía sau nữa là cánh đồng mênh mang, bát ngát xa tít tận chân trời…

Khu đóng đáy trên ngã ba sông Vĩnh Hội Đông giáp nước bạn Campuchia lúc nào cũng nhộn nhịp.

Những nông dân đóng đáy ở đây cho biết , mới đầu mùa lũ nhưng sản lượng cá nhiều gấp ba lần năm trước, ai cũng mừng. Có điều ở thời điểm này, cá linh chỉ mới to hơn đầu đũa, trong khi giá cả lại thấp hơn năm rồi, nên thu nhập của họ cũng không nhiều. Hỏi chuyện vài người dân ở vùng giáp biên, họ cũng nói năm nay lũ về sớm và lớn hơn năm rồi ,nhưng so với năm 1999-2000 thì không bằng.  Dù vậy, đó cũng là điều đáng mừng! 

Sau bữa cơm rất ngon miệng, chúng tôi cùng các anh ở Ủy ban nhân dân xã và và Đồn biên phòng 941 Vĩnh Hội Đông, lên chiếc Ca-nô ra thăm giàn đáy lớn nhất vùng biên – giàn đáy của ông Lê Văn Đông giăng trên ngã ba sông Vĩnh Hội Đông.

Anh Nguyễn Văn Lường- P.Chủ tịch UBND xã- cho biết: giàn đáy của ông Đông gồm 3 miệng đáy nhưng hứng gần trọn dòng cá từ Campuchia đổ về Việt Nam ở đầu nguồn sông Hậu. Do được giăng ở vị trí đầu tiên, ngay trên thượng nguồn, nên được gọi là gian nhứt, còn các gian kế gọi là gian nhì, rồi tới gian ba, gian bốn, gian năm…Mỗi gian cách nhau khoảng 2 km. Và, do là gian nhứt, gian đầu tiên giăng ở đầu nguồn nên số tiền đấu giá cũng cao hơn các gian đáy khác, khoảng 50 triệu đồng cho một mùa lũ. Nhưng bù lại, lượng cá chạy rất nhiều. Khoảng 40- 50% sản lượng cá tiêu thụ trong vùng hằng ngày, đều có nguồn gốc từ sở đáy của ông.

 

Trước đây, nói đến lũ ở Miền Tây ,nhiều người ở xa  cứ tưởng cũng dữ dội  lũ Miền Trung. Thực tế, lũ ở xứ này chỉ là “mùa nước nổi”. Vào mùa này, cá linh non từ biển Hồ Campuchia trôi theo sông xuống các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang và Đồng Tháp ,rồi lên các cánh đồng ngập nước để trú ẩn. Hết mùa lũ, cá linh ra sông lớn, rồi ngược dòng về lại biển Hồ Camphuchia để đẻ. Cứ thế, vào mùa lũ, cá linh lại xuất hiện và trở thành đặc sản của thiên nhiên.

Cánh đồng ngập lũ, nằm ở bờ Tây kênh Vĩnh Tế, nơi tiếp giáp lãnh thổ láng giềng Campuchia. Đặc thù là vùng ven biên giới, nên những cánh đồng ở đây không có đê bao khép kín,  thường thì  vào lúc ăn lúa Hè- thu xong là nước lũ chụp đồng. Nhờ vậy mà họ có việc làm quanh năm, nuôi con ăn học suốt mùa lũ. Đứng từ mặt đập Trà Sư nước chảy cuồn cuộn, nhìn sang bên kia cũng ngập trắng xóa. Tranh thủ nguồn cá đang trôi theo lũ về, ngư dân khai thác bằng nhiều ngư cụ khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Thang, ngụ xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, hơn 10 năm mưu sinh bằng cái nghề đăng quần (hay còn gọi là dớn), cho biết: năm nay, ông đặt 2 đường dớn ven cánh đồng Vĩnh Tế, mỗi ngày 2 đường dớn chạy khoảng 60 ký cá các loại- trong đó nhiều nhất là cá linh non, bán xô với giá 15.000 đồng/kg, bỏ sở hụi, thu nhập trên 400.000 đồng.

Đón mùa lũ, ông vá lưới, mua tràm đem về lột vỏ chuẩn bị đặt dớn, nhưng cũng âu lo vì sợ lũ không về, bởi  nghe việc xây đập thủy điện ngăn dòng nước sông Mê Kông  trên thượng nguồn . Thế nhưng,  đến đầu tháng bảy, thấy màu nước dưới kênh chảy mạnh đỏ ngầu phù sa, ai cũng mừng! Một năm có một mùa lũ, đây chính là mùa làm ăn của dân nghèo:

Rời thị xã Châu Đốc- An Giang, chúng tôi sang vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, đúng vào lúc cánh đồng huyện Hồng Ngự- nơi tiếp giáp với Campuchia- rộng hàng chục ngàn héc ta, ngập trắng nước lũ.

Theo chân một nông dân đặt dớn bắt cá linh chuyên nghiệp, chúng tôi ra đồng. Đồ nghề khai thác cá linh của anh xem ra cũng rất đơn giản, chỉ cần một cái dớn (ở đây còn gọi là cái đú), chiếc xuồng, cây cắm là được. Từ tờ mờ sáng, anh đã kéo cái dớn dài 500 mét đặt hình chữ V xuyên qua cánh đồng ngập nước. Rồi ở khoảng cách 50-70 mét, anh làm một cái túi để cá chui vào. Vừa đặt dớn, cắm cây, vừa dọn đường đi…, cũng mất gần 2 giờ mới xong.

Theo kinh nghiệm đánh bắt cá linh của nông dân vùng Tân Hồng, Hồng Ngự- Đồng Tháp, nếu như đầu nước rong cá chạy dớn nhiều thì suốt mùa lũ tha hồ bắt cá. Ngược lại, khi nước kém cá sẽ ít về hơn. Mùa lũ năm 2002 – 2003, cá linh rất nhiều, nhưng vài năm nay lượng cá chỉ ở mức trung bình do lũ không lớn. Hôm chúng tôi đến, nước lũ mới vừa dâng lên đồng, nên lượng cá “chạy” không nhiều bằng ở đầu nguồn tỉnh An Giang- nhưng được cái là cá đầu mùa bán được giá cao.

Con cá linh có ba loại: cá linh tròn, cá linh cám và cá linh rìa, nhưng phổ biến hơn hết là cá linh tròn. Mùa đánh bắt cá linh từ khi cá còn non, bằng nhiều hình thức và tùy thuộc vào từng địa phương mà người ta cải tiến phương pháp đánh bắt cho phù hợp.

Đối với những người sống ở ruộng đồng kênh rạch, như ở huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, người ta bắt cá linh non bằng dớn lưới. Ở vùng sông lớn, (như xã Phú Hội, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông huyện An Phú, tỉnh An Giang) họ đánh bắt cá linh non bằng cách giăng đáy vì thường cá linh non trôi theo xuôi dòng nước lũ về đồng, nên chỉ cần giăng đáy theo luồng cá đi là bắt được. Khi cá già hơn một chút, tức là lớn hơn đầu ngón tay út thì cá không chạy dớn, nên cứ vào thời điểm này, lưới giăng hai phân rưỡi là công cụ thích hợp nhất để bắt cá… Đồng thời đây cũng là lúc “ nước bêu “ ( tức nước lũ lên cao) , người ta tháo dớn đem cất, đợi nước rút mới sử dụng lại.

Nếu như trước đây, cá linh chỉ đơn thuần dùng để làm nước mắm, hoặc là thức ăn của dân nghèo… thì nay, cá linh là đặc sản được dân nhậu miền Tây và TPHCM khoái khẩu. Từ đó, cá linh mùa lũ luôn được giá cao. Hiện tại, cá linh rặt được thương lái mua tận nơi ,cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở Cần Thơ, Cao Lãnh, Long Xuyên, Vĩnh Long, TPHCM…

 

Tuy được chế biến khá đơn giản, nhưng mắm kho cá linh lại trở thành đặc sản của quê hương vùng lũ… Những bàn tay vô cùng khéo léo của người làm mắm cá linh rất tỉ mỷ trong việc lựa chọn cá và suốt cả quá trình từ làm cá, muối cá, thính cá rồi chao cá , đến cách bảo quản cho đến khi dậy mắm. Con cá linh tươi được dùng làm bổi trong món mắm kho… Hương vị quê nhà càng ngọt ngào với món mắm kho nếu được dùng chung với bông điên điển, rau dừa, rau nhút, rau muống và đặc biệt không thể  thiếu bông súng mùa nước nổi…

Bước sang tháng 8, tháng 9 Âm lịch, cá đã lớn gấp hai, gấp 3 lần con cá linh non đầu mùa. Thời điểm này, ăn cá ngon nhất là món canh chua nấu với bông so đũa hay bông điên điển và bông súng đồng. Từ lâu, bông so đũa đã trở thành một món ăn đặc sắc của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Canh chua cá linh bông so đũa, cũng như canh chua cá linh bông điên điển đã trở thành một bản sao văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang của nước ta. Bông so đũa đầu mùa không có sâu, ăn rất ngọt. Cá linh cuối mùa, con nào con nấy mỡ bám đầy bụng, ăn rất béo. Nấu nồi canh chua cá linh bông so đũa, phải nêm me (hoặc trái vác) cho vừa chua , khi nấu không được quậy khiến bông so đũa bị giập và cá linh bị nát. Múc đầy tô canh chua cá linh bông so đũa, ta thấy li ti những đốm mỡ nổi trên mặt , hơi nóng tỏa thơm mùi thơm ngọt đặc trưng của cá linh đã trở thành đặc sản đồng bằng.

Năm nay nước lũ đổ về sớm hơn khoảng một tháng và mực nước cũng cao hơn so với vài năm gần đây. Nguồn lợi thủy sản do đó cũng nhiều hơn,  giúp cho người dân sống trên vùng đầu nguồn  An Giang – Đồng Tháp kiếm sống ổn định hơn .

 Mùa cá linh  gắn liền với con nước nổi miến Tây . Bà con làm nghề đặt dớn, chài, lưới, lợp lờ, câu…, chỉ cần có chiếc xuồng nhỏ và chịu khó, siêng năng, mỗi ngày cũng có thể kiếm được đôi ba trăm ngàn nếu trúng cá, tôm. Mùa nước nổi tràn về mới được hơn một tháng, nhưng ở các xã đầu nguồn, hàng chục ngàn hộ dân đã có thể kiếm sống khấm khá hơn, vui cùng mùa lũ…

Sang giữa tháng 8 âm lịch, các cánh đồng ven biên giới nước lũ lên mạnh. Có chỗ nước sâu lút đầu. Cũng từ thời điểm này, cá linh từ thượng nguồn trôi dạt theo mùa lũ dự báo sẽ khả quan hơn năm ngoái, hứa hẹn một mùa thu hoạch thắng lợi.

Và đối với những người khách phương xa,  đến với đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền mùa lũ sẽ là chuyến đi thật nhiều thú vị. Giữa đồng nước mênh mông, bữa cơm ăn vội với cá linh non, không phải bao giờ cũng có thể cùng trải qua trong nhịp sống đồng bằng đang hối hả vào mùa nước nổi…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *