Bên bờ hạnh phúc

Hàng thời trang Việt hiện nay đã xác lập chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng và người bán cũng thích bán hàng Việt hơn. Tuy nhiên, tại các chợ nông thôn, hầu như ít tìm thấy những thương hiệu Việt có tên tuổi, phần nhiều vẫn là những sản phẩm may mặc giá rẻ. Còn lại là hàng không rõ nguồn gốc. Việc tạo lập một kênh phân phối hàng thời trang Việt ở nông thôn hiện nay là cần thiết.

Sau hơn một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng thời trang Việt đã tăng doanh số tại các khu vực thành thị. Có những siêu thị như Vinatex chuyên doanh hàng thời trang 100% do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ chỗ chỉ tập trung tại các thành phố lớn, đến nay, hệ thống siêu thị này đã đến với nhiều tỉnh và gần đây nhất là tại Trà Vinh.

 

 

Tuy nhiên, tại các chợ nông thôn ĐBSCL, hàng thời trang vẫn được bày bán kiểu “đổ đống”. Ngòai các cửa hàng kinh doanh cố định tại các chợ thì phần nhiều vẫn là bán theo hình thức bán hàng chạy chợ. Nghĩa là người bán hôm nay ở chợ này mai lại đến chợ khác theo vòng quay một tuần 8 chợ. Nếu như trước đây nguồn hàng hóa được người bán lên tận thành phố để lấy hàng thì nay đều có đầu mối phân phối tại mỗi tỉnh. Điều này giúp cho họ giảm vốn đầu tư và nguồn hóa cũng dồi dào thay đổi mẫu mã nhiều hơn.

Đa phần sản phẩm được bày bán có nhãn hiệu hàng hóa bằng tiếng Việt. Song, theo người bán thì hàng thời trang Việt bán chạy hơn ở phân khúc bình dân, giá bán lẻ chỉ ở tầm xấp xỉ 100.000 đồng/sản phẩm. Lợi thế về giá là một ưu tiên quan trọng được nhiều người bán hàng chọn lựa để quay nhanh vòng vốn.

Tuy nhiên, thực tế là người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng Việt đâu là hàng ngọai nhập vì hầu hết những thương hiệu được bày bán ở nông thôn đều ghi nhãn na ná tiếng nước ngoài. Nhiều nhãn hiệu còn rất xa lạ với mức giá bán 30 – 40.000 đồng họăc cao lắm là 60.000 – 70.000 đồng. Nhãn hàng cũng khá phức tạp: có khi là chữ Việt, có khi là chữ ngọai có khi là chữ ngọai và Việt cùng lẫn lộn trên một sản phẩm.

Thêm vào đó, người bán hàng ở nông thôn cũng ít khi quan tâm đến vấn đề thương hiệu. Chủ yếu vẫn là mẫu mã đẹp và giá rẻ là có được khách hàng. Đây cũng là lý do hàng Việt chất lượng cao khó xâm nhập thị trường này
Thật khó tìm thấy những thương hiệu thời trang Việt có tên tuổi ở các chợ nông thôn trong khi đây vẫn là một thị trường đầy tìm năng với hơn 70 % dân số nước ta vẫn sống ở nông thôn. Câu chuyện về hệ thống phân phối vẫn là câu chuyện mới để nâng tỷ trọng hàng dệt may trong nước.

Người Việt dùng hàng Việt từ một cuộc vận động đã trở thành một xu hướng tiêu dùng chủ đạo. Tuy nhiên, so với thành quả xuất khẩu dệt may Việt Nam đứng top 10 thế giới thì thị phần nội địa của ngành dệt may vẫn còn nhiều khoảng trống. Làm sao để cho hàng thời trang Việt “dễ mua, dễ tìm thấy” vẫn là điều mà người tiêu dùng trông chờ từ phía các doanh nghiệp Việt.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *