Bên bờ hạnh phúc

Cách nay vừa tròn 2 năm, kể từ khi bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành, thuộc xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thực hiện thành công quy trình trồng lúa theo tiêu chuẩn Global Gap, mô hình của họ ngày càng được nhân rộng ra ở nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mỗi người một quyết tâm, cả tập thể phải đoàn kết. Chúng ta đã có giống đặc sản, chỉ cần quy trình sản xuất sạch, an toàn, lúa gạo của chúng ta có cơ hội bay xa hơn, cao hơn, đời sống của chúng ta sẽ tốt hơn… Đó là những lời tự động viên của những xã viên trong HTX Hòa Lời – ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng – để từng bước làm cho hạt lúa của mình nhận chứng chỉ sản xuất nông nghiệp sạch toàn cầu…

Sau sự kiện lúa GAP ở Tiền Giang, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng nhận định: đây mà mô hình nhân rộng được tuy rất khó. Đặc biệt, ngành rất chú trọng đến vùng luân canh lúa – tôm, bởi cây lúa vùng này nếu được nâng cao hiệu quả sẽ khuyến khích người dân nuôi chỉ một vụ tôm ăn chắc trong năm, từ đó hạn chế được dịch bệnh trên con tôm rất nhiều. Điều kiện đầu tiên để tiến tới xây dựng mô hình là phải có cộng đồng nông dân hợp tác, có tư cách pháp nhân rõ ràng, tức là phải có HTX.

Trao giấy chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho HTX Lúa – Tôm Hòa Lời. Ảnh: soctrang.gov.vn
Toàn bộ diện tích của bà con xã viên được trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP. Ảnh: soctrang.gov.vn

 

Ngày 10.10.2009, HTX Lúa – Tôm Hòa Lời được thành lập tại ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên với 12 hộ xã viên và gần 22 ha đất. Sau khi thành lập, toàn bộ xã viên với diện tích này sẽ tham gia trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP. Theo đó, lúa của bà con xã viên sẽ được một doanh nghiệp bao tiêu với giá cả hợp lý. Vụ Đông Xuân năm 2009 – 2010 là vụ đầu tiên HTX trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP, giống lúa được gieo trồng là lúa thơm ST5. Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn mới, lúa được thu hoạch với năng suất và chất lượng cao hơn. Doanh nghiệp đã bao tiêu với giá 7.800đồng/kg, cao hơn giá thị trường 20%. Bà con hết sức phấn khởi.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tất cả 12 hộ xã viên đã có thái độ rất tích cực đối với việc trồng lúa GAP. Rất nhiều yêu cầu hết sức khắt khe được đặt ra và buộc người nông dân phải tuân thủ. Rõ ràng, một khi đã bước vào trồng lúa theo hướng GAP, bà con phải thay đổi hầu như toàn bộ thói quen canh tác trước đây. Mặc dù ai cũng biết rằng chuyện thay đổi này không mấy dễ dàng, nhưng với sự động viên lẫn nhau, sự hỗ trợ của chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, từng bước, bà con xã viên nơi đây đã vượt qua khỏi những thời điểm được cho là khó khăn nhất.

Một tín hiệu vui khác, như để chắc chắn rằng mô hình này là sự lựa chọn đúng đắn của bà con. Sau vụ Đông Xuân năm ngoái, bà con xã viên có dịp trúng vụ tôm với tổng lợi nhuận của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, một con số hiếm gặp từ trước đến nay. Đặc biệt, Đông Xuân năm 2010 – 2011 này, bà con sạ giống lúa thơm ST13, với nhiều ưu điểm hơn và được một phen trúng giá.

Theo thông tin từ đơn vị bao tiêu, vụ Đông Xuân này, giá lúa có thể đạt từ 9.000đồng/kg. Như vậy, mỗi ha, bà con có thể thu lãi gần 40 triệu đồng, tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Với niềm phấn khởi chung đó, cũng như kế hoạch tiếp theo của dự án, hiện số lượng đăng ký tham gia hợp tác xã tăng lên hàng chục hộ, diện tích gần 100 ha. Điều đáng mừng khác là, sau 2 năm trở thành đối tác, hiện nay, mối quan hệ giữa HTX Lúa – Tôm Hòa Lời và Công ty cổ phần Gentraco – đơn vị bao tiêu – rất khắng khít. Với sản lượng xuất khẩu hàng năm 300.000 tấn gạo, Gentraco là một trong 10 doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo lớn và có uy tín tại Việt Nam, trụ sở đặt Cần Thơ. Hiện nay, lúa GAP, lúa chất lượng cao đang là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp này, nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tấn, do đó, việc mở rộng vùng nguyên liệu trồng lúa GAP là điều mà doanh nghiệp này rất quan tâm.

Một bên có lòng, có quyết tâm (bà con nông dân) còn một bên có vốn, có nhu cầu tức là doanh nghiệp. Để cho hai đối tượng này gặp nhau, hợp tác với nhau thành một khối liên minh bền vững thì vai trò cầu nối của Nhà nước là hết sức có ý nghĩa. Bởi tình hình chung hiện nay là hầu hết các HTX nông nghiệp ở nước ta còn yếu về mọi mặt, do vậy việc đứng ra hỗ trợ, dìu dắt cho những HTX này từng bước tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến là việc làm cấp thiết.

Với góc độ vừa là nhà quản lý, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng cho rằng, khối liên minh HTX và doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định mô hình. Kinh nghiệm rút ra từ nhiều mô hình trước đó đã cho thấy, sản phẩm làm ra nếu không có được đơn vị tiêu thụ lâu dài thì mô hình không bền vững. Trước đây hoặc ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, nhiều bà con nông dân vẫn còn suy nghĩ, GAP là chuyện xa vời, là ngoài tầm tay, hoặc cho rằng đó là chuyện của Nhà nước, của nhà khoa học. Tuy nhiên, chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng: GAP chính là chuyện làm ăn của bà con chứ không ai khác. Vì vậy, thực hiện GAP có thành công hay không phần nhiều quyết định ở thái độ về công việc làm ăn của bà con.

Hiện nay, với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, nhu cầu về những sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap rất được thị trường quan tâm. Chỉ khi nào chúng ta phục vụ được thị trường khó tính đó, chuyện làm ăn mới bền vững. Sự thành công ban đầu của HTX Hòa Lời vừa góp thêm tiếng nói khẳng định sự tích cực của việc trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong phương pháp và chính sách nông nghiệp để có thể đạt đến sự phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai.

Thúy Hằng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *