Bên bờ hạnh phúc

Gần đây, những sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu sẵn có ở các địa phương như bàng, lác, lục bình… được khách hàng nước ngoài rất yêu thích. Nhờ đó mà một số làng nghề truyền thống có cơ hội duy trì và phát triển ổn định hơn.

 

Ở tỉnh Tiền Giang, những làng nghề truyền thống về đan đát tập trung ở nhiều xã của huyện Châu Thành như: làng nghề truyền thống bàng buông Thân Cửu Nghĩa, làng nghề truyền thống bàng buông và thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Đông, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Tây và làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định. Với bốn làng nghề truyền thống này, chiếm 1/3 số làng nghề của toàn tỉnh, Châu Thành được xem là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Tiền Giang.

Mặc dù nằm sát Quốc lộ 1A, gần trung tâm huyện Châu Thành, nhưng nhiều hộ dân ở xã Thân Cửu Nghĩa vẫn gắn liền với nghề trồng lúa, trồng rau và nuôi cá. Bên cạnh đó, nghề đan nón truyền thống vẫn phát triển ổn định. Gần đây, sản phẩm nón bàng buông của bà con xã Thân Cửu Nghĩa được xuất khẩu đi nhiều nước. Ngoài ra, Thân Cửu Nghĩa còn rất nổi tiếng với những mô hình trồng màu, đặc biệt là rau má. Nơi đây được xem là địa phương có diện tích rau má lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

 

Mỗi nghề đều có lịch sử gắn liền với vùng đất và con người. Thuở xưa, khi cha ông khai khẩn vùng đất phương Nam, những cây bàng, cây năng, cây lát… đã có mặt từ rất lâu trên vùng hoang hóa, phèn mặn và mỗi loại đều có công dụng riêng của nó. Trong đó, lá bàng được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày như đan giỏ, manh, bao, nóp, gối… Và chiếc nón bàng cũng ra đời từ chính nhu cầu cuộc sống.

 

Về sau, ngoài lá bàng, nón còn được đan bởi nhiều nguyên liệu khác nhau như lác, lá buông. Điều thú vị là cả ba loại nguyên liệu này có thể kết hợp với nhau, tạo nên những chiếc nón rất đẹp, được bày bán tại các khu du lịch và mang đi xuất khẩu. Vì vậy, người dân ở đây gọi chung là nón bàng buông.

Ở làng nghề nón này chia thành hai khu vực rõ rệt. Các xã Tân Lý Đông, Tân Lý Tây thì tập trung đan nón bằng nguyên liệu bàng, còn ở xã Thân Cửu Nghĩa thì tập trung đan bằng lá buông.

 

Hiện tại, trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa có trên 400 hộ với hàng ngàn lao động làm nghề truyền thống này, nhưng chỉ có khoảng 10% số hộ có khả năng làm nan. Khâu làm nan cho lá buông khá nhẹ nhàng, không cần phải khéo tay và cũng chẳng cần đến máy móc, thiết bị. Người thực hiện khâu này chỉ cần vài lưỡi dao sắc, gắn vào chỗ cố định và thao tác nhanh và cẩn thận.

Trước khi được mang đi làm nón, lá bàng phải được dập bằng chày, rất công phu và mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, khâu dập lá bàng đã được cải tiến nhanh hơn bằng những thiết bị, máy móc hiện đại.

Trong xã Thân Cửu Nghĩa hiện có trên 70 người được gọi là nghệ nhân đan nón, có tuổi nghề trên 50 năm nhưng vẫn đang tiếp tục nghề và truyền nghề lại cho nhiều người khác. Sự tồn tại và phát triển của một làng nghề truyền thống mang tính thủ công rất cần những người thợ kinh nghiệm lâu năm và đầy tâm huyết như thế.

Để duy trì làng nghề, Hợp tác xã Thống Nhất – một trong những đơn vị xuất khẩu nón bàng buông lớn nhất của tỉnh Tiền Giang hiện nay – đã được thành lập. Mỗi năm, toàn xã Thân Cửu Nghĩa chỉ sản xuất khoảng 2 triệu chiếc nón, nhưng hợp tác xã này đã xuất khẩu lên đến gần 4 triệu chiếc, giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nón bàng buông của địa phương.

Ngoài Hợp tác xã Thống Nhất, tại Thân Cửu Nghĩa còn có 2 tổ hợp tác khác cũng đang hoạt động tương tự như thế nhưng quy mô nhỏ hơn. Hiện nay, giá nón bàng buông xuất khẩu cũng chưa cao lắm, trung bình từ 6.000 – 7.000 đồng/ chiếc, mức lợi nhuận này chưa thật sự hấp dẫn cộng đồng bà con làng nghề.

Với thị trường nội địa, nón bàng buông Thân Cửu Nghĩa nhiều năm qua đã trở thành sản phẩm quen thuộc tại các khu du lịch, khu nghỉ mát… Nón bàng buông ngày nay rất đa dạng về chủng loại và kiểu dáng. Điều đó thể hiện sự đầu tư, tay nghề khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ với mong muốn gìn giữ và phát triển làng nghề nón bàng buông.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *