Bên bờ hạnh phúc

 Cửa biển sông Soài Rạp là cửa biển khá lớn trong các nhánh sông thuộc chi lưu sông Tiền đổ ra biển. Làng biển cửa sông Soài Rạp thuộc khu vực thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnhTiền Giang, với  600 ha diện tích tự nhiên và gần 14.000 nhân khẩu. Phía  đông  Vàm Láng giáp biển Đông; phía tây, nam và bắc giáp xã Kiểng Phước- Gò Công Đông.

 

Cư dân Vàm Láng từ xưa sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt trên biển. Do cửa biển rộng, thuận lợi cho nghề đánh bắt nên một số ngư dân chọn nơi này làm bến cá, rồi lập ấp, lập làng ven biển để hành nghề, dần dần phát triển sung túc như ngày nay…

Gọi “làng biển” , là do các vị cao niên gọi theo người xưa, để con cháu ngày nay luôn nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp của ông cha. Ngày ấy, tiền nhân đi tìm cá chỉ bằng những chiếc thuyền buồm mong manh, chỉ đi gần bờ, đánh bắt  rồi về trong ngày…

Đây là khu cảng cá lớn nhất của Gò Công Đông, ngày nào cũng có cá về cung cấp cho thị trường.

Bà con đang chọn lựa thu mua cho biết , chủng lọai hải sản mùa này không nhiều lắm, đa số là các lọai như: mực, cá mối trắng, cá bạc má, cá lù đù, cá lưỡi trâu… Các tàu thường cho vào chung , gọi là cá sô. Về đến vựa thì phân lọai ra , cá nào theo cá nấy, sau đó mới chuyển đến các chợ địa phương khác.

Từ biển về, hàng cao gía nhất chính là mực. Nhiều lọai mực như mực nang, mực tua, mực ống, mực lá. Gía tại bến đã hơn 80.000đ/kg.

Để tiết kiệm nước đá, nếu trúng mực ống, mực lá, thì bạn tàu  tranh thủ xẻ ra phơi trên boong. Có lúc thu được vài trăm ký mực khô, rất gía trị…

Đây là chiếc ghe cào 70 tấn của anh Võ Văn Ép- thị trấn Vàm Láng- vừa về đến cảng và cũng đã chuyển cá cách đây vài tiếng đồng hồ. Hiện các bạn tàu đang tất bật chuyển nước đá và nhiên liệu xuống tàu chuẩn bị cho chuyến đi mới.

Hôm chúng tôi đến , hầu hết các tàu thuyền đánh bắt hải sản đa số đều về bến đậu, để chuẩn bị cúng biển. Chủ ghe cho biết, chuyến này ghe cào của anh thu được khỏang 900 triệu đồng. Trừ chi phí dầu, nước đá và lương bạn tàu- tức là thuyền viên theo giúp việc- gồm 14 người, nhà ghe còn lãi được hơn100 triệu đồng.

Làng nghề đóng tàu biển ở Vàm Láng cũng phát triển mạnh theo nghề cá. Nhiều cơ sở đóng ghe cào trên sông Sòai Rạp nổi tiếng bởi thợ có tay nghề, Hàng trăm ghe cào lọai lớn  của ngư dân cửa biển Sông Sòai Rạp đã được sản xuất ở đây. 

Đây là ông Trần Văn Thu, chủ đội ghe Năm Thu gồm 9 chiếc . Ông cho biết, nghề cào biển của gia đình ông có từ thời ông nội, còn ông theo nghề với cha từ năm 19 tuổi, đến năm 40 tuổi thì mua thêm 3 chiếc nữa, giao lại cho các con ra riêng.   

Theo thống kê, toàn thị trấn Vàm Láng hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong thị trấn là gần 500 tàu, được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hàng chục ngàn tấn hải sản các loại.

 

 

Thời gian gần đây, khi nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhiều hộ kinh doanh thuỷ sản tại đây đã mạnh dạn đầu tư các cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp, vừa làm tăng giá trị hàng hoá, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngư dân miền biển.

Chủ vựa Trần Thị Thủy trước đây chuyên thu mua hải sản để bán lại cho các nhà máy ở Mỹ Tho, Long An, TPHCM, Cà Mau, Vũng Tàu… Vài năm trở lại đây , chị nới rộng mặt bằng vựa, mua tôm về sơ chế ngay tại chợ Vàm Láng. Các mặt hàng như tôm, mực, bạch tuột… đều được sơ chế, bỏ hết những phần không sử dụng được trước khi giao hàng . Nhờ vậy chi phí vận chuyển giảm nhiều, phần phế liệu thu hồi được bán cho các cơ sở chăn nuôi trong vùng.

Chị Trần Thị Trúc thì còn đi xa hơn: Vừa thu mua hải sản, vừa đầu tư đánh bắt xa bờ, vừa xây dựng cơ sở mua bán cá mồi cho cá. Với 2 chiếc tàu của gia đình, cùng với việc đầu tư vật tư – thu mua lại sản phẩm cho hàng chục tàu khác, chị Trúc luôn chủ động nguồn hàng cho cơ sở với gần chục công nhân của mình.

Số hộ từ mua bán nhỏ tiến lên đầu tư cơ sở sản xuất, hoạt động công nghiệp như chị Thủy, chị Trúc không phải là hiếm ở Vàm Láng. Họ đang giàu lên, và cùng góp phần làm cho vùng đất này giàu lên.

Do gắn bó với nghề đi biển từ xưa nên bà con ngư dân Vàm Láng cũng có tập quán thờ Cá Ông, một lọai cá mà ngư dân tin rằng linh thiêng. Tên gọi loài cá nầy  ghi trong Đại nam Nhất Thống chí là: Nam Hải tướng quân- cùng nhiều giai thọai về việc giúp ngư dân trên biển vượt qua tai nạn hiểm nguy.

Lễ cúng biển diễn ra hàng năm  vào các ngày mùng 9, mùng 10 và 11 tháng 3 âm lịch tại Lăng Ông Nam Hải, thị trấn Vàm Láng.

 Ngày đầu tiên là ngày “Túc Yết”, tập trung những người chuyên nghề đi biển đến cúng tiền hoặc phẩm vật để lo việc cúng và đãi khách.

Hôm sau là lễ “Nghinh Ông”. Lễ rước khánh thờ dự kiến bắt đầu lúc 5 giờ  sáng, nhưng năm nay do ảnh hưởng cơn bão số 1, nên đến 9 giờ lễ mới bắt đầu. Vẫn đòan người rước khánh thờ ông đi về phía cảng biển, rồi an vị khánh thờ trên một chiếc ghe lớn được chọn làm ghe lễ. Từ đây, ghe lễ sẽ dẫn đầu đòan ghe theo sông Tiền ra cửa biển Vàm Láng, trên ghe có đầy đủ phẩm vật cúng Ông.

 

Thông thường, lễ cúng diễn ra trong khoảng 3 giờ, ông chánh niệm sẽ xin phép cho đoàn ghe quay về và cư dân vùng biển này sẽ có một ngày vui chơi không khác ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Chỉ là một thị trấn nhỏ ven biển mà Vàm Láng đã có hầu hết các cơ sở sản xuất, trang thiết bị phục vụ nghề biển đầy đủ, chỉ trừ các lọai máy tàu phải nhập từ nước ngoài. Điều này chứng tỏ đã có sự liên kết chặt chẽ của nhiều ngành nghề vệ tinh ,xoay quanh những chiếc ghe cào đi biển- nghề chính của cư dân vùng biển Vàm Láng.

Nhịp sống đồng bằng đang sôi động trên làng biển này./.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *