Bên bờ hạnh phúc

Ông Trần Văn Chất là một nông dân nghèo khó ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nhờ mạnh dạn trong làm ăn, mạnh dạn trong chuyển đổi nghề nghiệp, ông Chất chẳng những giúp đỡ gia đình thoát nghèo mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi khác.

Ông "Giám đốc nông dân" Văn Chất này là người con của xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

 

Ông Hai Chất sinh ra trong đầy ắp những khó khăn cơ cực của một gia đình nông dân vùng ven biển, mỗi năm chỉ có một mùa lúa trổ… Cuộc sống bấp bênh ấy đã rèn luyện cho chàng trai chân chất một nghị lực sống mạnh mẽ, cùng niềm khao khát làm giàu trên mảnh đất vốn nghèo khó của quê hương mình. Lớn lên, ông Hai Chất bươn chải làm lụng nhưng mãi vẫn không đủ sống. Giữ nghề nông cha truyền con nối nhưng chàng trai Văn Chất luôn có khát khao muốn tìm cho mình một hướng đi mới, một sự đột phá trong phương cách làm ăn của người nông dân Nam Bộ. Ý muốn thì nhiều nhưng con đường để đi đến thành công trải qua lắm gian nan.

Thời gian trước, ông Chất quyết định cùng hai đứa con rời quê đi học nghề dệt chiếu lác ở tận Vĩnh Long. Ngày về, ông Chất đã cùng những thành viên trong gia đình mình làm một cuộc cải cách: chuyển từ nghề nông sang nghề dệt. Khi nghề mới đã thành thạo, ông nghĩ đến việc mở rộng vùng nguyên liệu ngay trên vùng đất Bãi Vàng nửa năm nước ngọt, nửa mùa mặn này. Thế là, từ người thợ dệt, ông trở về với vai trò người nông dân trồng lác trên mảnh đất quê mình. Ông vận động bà con mở rộng diện tích trồng lác để phục vụ cho nghề dệt chiếu xuất khẩu – nghề mới ở Bãi Vàng.

Cả gia đình ông Hai Chất đều tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình

 

Ông Chất đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Văn Chất. Rồi cơ sở phát triển phồn thịnh, sản xuất ổn định và có năng lực cung ứng hàng xuất khẩu, ông nghĩ đến chuyện làm ăn lớn. Nhưng từ một người nông dân bước đến thương trường, con đường này thật lắm khó khăn trở ngại. Vậy là ông Hai Chất đi học. Câu chuyện ông nông dân đi học làm chủ doanh nghiệp này thú vị ở chỗ, không phải ông học ở trường ở lớp mà là tự học. Dường như, trong ông có sẵn tố chất nông dân giỏi miền Tây: trình độ không cao nhưng tiếp thu nhanh kiến thức ứng dụng vào cuộc sống.

Ông Hai Chất được hướng dẫn lập doanh nghiệp và mày mò học tập thêm nghề mới – nghề quản trị doanh nghiệp. Cũng tìm kiếm hợp đồng, cũng ngoại giao đối tác nhưng ông Hai Chất vẫn vẹn nguyên nét chân chất của một nông dân chính hiệu.

Người dân quanh vùng gọi ông Chất là "Giám đốc" bởi ông đã là chủ DNTN Văn Chất chuyên sản xuất, gia công và kinh doanh các mặt hàng đan lát, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

 

Bây giờ, người dân quanh vùng gọi ông Chất là "Giám đốc" bởi ông đã là chủ DNTN Văn Chất chuyên sản xuất, gia công và kinh doanh các mặt hàng đan lát, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao và ông còn đại diện cho nông dân tỉnh Trà Vinh dự hội nghị biểu dương chủ trang trại và doanh nghiệp nông thôn ở tận Hà Nội.

Nghề nào cũng khó khăn, cũng có lúc tưởng chừng ông phải bán hết nhà cửa, ruộng vườn vì cái nghề làm gám đốc này. Nhưng nhờ sống chân tình, chất phác, chẳng ai bỏ ông khi hoạn nạn. Sau nhiều thử thách, doanh nghiệp Văn Chất ngày càng phát triển với số lượng công nhân lên đến gần 800 người.

Khi đã có của ăn của để, ông Chất nghĩ ngay đến việc quan tâm đời sống cho người lao động. Ông còn tập họp cả những phụ nữ nông nhàn, em cháu trong tuổi lao động đến làm việc để có thêm thu nhập. Không tập trung công nhân ở một nơi sản xuất cố định, ông Chất mở lớp tập huấn rồi cho công nhân mang sản phẩm về nhà để tận dụng thời gian nhàn rỗi của chính họ và cả những người thân trong nhà. Chất lượng hàng hóa có thể không đồng đều nên các con ông và nhóm thợ giỏi sẽ là người kiểm tra sản phẩm lần cuối và chỉnh sửa cho đúng yêu cầu của khách hàng.

Không giàu chữ nhưng giỏi ứng dụng những kỹ năng sống, ông Hai Chất đã thành đạt trên chính quê hương mình

 

Ngoài ra, ông còn tự thiết kế nhiều mẫu mã, dệt nhiều sản phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau để có thể tận dụng hết nguồn nguyên liệu của quê hương mình.

Công việc mà ông Chất mang lại cho bà con nông dân đã làm thay đổi diện mạo quê hương. Từ khi có công việc ổn định, người dân Bãi Vàng có thêm thu nhập, đời sống tốt hơn. Những dịch vụ phát triển kèm theo với sự lớn mạnh của công ty Văn Chất ngày càng nhiều.

Cả nhà ông Hai Chất không ai đứng ngoài công việc kinh doanh của gia đình: con trai làm kế toán, con gái làm thủ quỹ, những người con khác kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Người nông dân ngày nào chỉ quen với ruộng đồng, giờ phải tính chuyện làm ăn với những chiến lược kinh doanh không thua gì những doanh nhân. Câu chuyện của ông như một tấm gương về nghị lực sống của những người miền Tây, không giàu chữ nhưng giỏi ứng dụng những kỹ năng sống để thành đạt trên chính quê hương mình.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *