Bên bờ hạnh phúc

Khi những cánh mai vàng khoe sắc trên phố cũng là lúc đô thị vào xuân. Tuy dân cư đô thị Vĩnh Long chỉ chiếm 15% trong tổng số hơn 1 triệu dân của tỉnh Vĩnh Long, nhưng đô thị luôn là diện mạo đặc trưng ngày Tết, nhất là với du khách và người xa quê. Nhiều người đều có cảm nhận chung rằng, đô thị Vĩnh Long đang dần khẳng định một tầm vóc mới, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của cả nước và kế thừa truyền thống phát triển rực rỡ của một Long Hồ dinh xa xưa.

Chợ hoa ngay bờ kè sông Tiền nhộn nhịp từ đầu tháng Chạp

Góp phần hương sắc cho mùa xuân đô thị là chợ hoa truyền thống của thành phố nằm trên bờ kè sông Tiền và các con đường lân cận. Ngay từ đầu tháng Chạp, ghe tàu chở hoa kiểng từ Sa Đéc, Cái Mơn… lần lượt tụ tập về đây. Năm nay, trên 500 lô hoa kiểng được trưng bày ở các tuyến đường trung tâm, mà nhiều nhất là xung quanh Quảng trường thành phố. Sắc màu đô thị ngày xuân còn có thêm hàng trăm lô hàng dành cho các hộ kinh doanh dưa hấu trong và ngoài tỉnh.

Năm nay là năm ghi nhận sự phát triển của các câu lạc bộ hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố Vĩnh Long. Hoa lan là một trong những loại cây cảnh được ưa chuộng và phát triển nhanh ở thành phố trong vài năm trở lại đây. Nhiều mảng xanh hiếm hoi của gia đình được đầu tư trồng lan theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị. 

Những năm gần đây, cư dân đô thị chú trọng nhiều đến việc chơi Tết hơn là ăn Tết. Tuy vậy, mua sắm tết là nét truyền thống không thể thiếu của người dân. Đô thị không chỉ phục vụ cư dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ nhiều nơi khác. Ngoài các siêu thị, chợ là nơi mang đậm nét Tết truyền thống. Năm nay, thành phố Vĩnh Long hoàn thành việc nâng cấp nhà lồng Chợ Cá, xây dựng mới chợ Cua (Phường 4), hoàn thành chợ Kinh Cụt (Phường 1). Đặc biệt, tết này, thành phố Vĩnh Long sắp xếp lại Chợ đêm và chợ ẩm thực trên địa bàn Phường 1. Đây là một địa chỉ chơi Tết hấp dẫn người dân thành phố, qua đó còn tạo nét văn hóa đặc trưng của riêng mình.

Chợ đêm Thành phố Vĩnh Long

Những khu chợ truyền thống trên địa bàn như Chợ Vĩnh Long và Trung tâm bách hóa, từ 23 tháng Chạp đã mở cửa bán đêm đến 21 giờ. Từ 25 tháng Chạp đến 28 tháng Chạp thì mở cửa đến 22 giờ. Đây là thông lệ mỗi năm, tạo thuận lợi hơn cho người dân mua sắm Tết, nhất là phục vụ nhiều người dân mua sắm Tết muộn.

Có thể thấy, qua gần 3 năm được chính phủ công nhận là thành phố, đô thị loại 3, thành phố Vĩnh Long đã có sự chuyển mình về kinh tế, xã hội và quản lý đô thị. Tết này, TPVL dành gần 250 triệu đồng chỉnh trang đô thị, bao gồm trang trí đèn, hoa tại các khu công cộng và khu trung tâm thành phố. Trong đó, nổi bật là hai cổng chào vào trung tâm thành phố trên đường Lê Thái Tổ và Phạm Thái Bường vừa hoàn thành tết này với giá trị xây dựng gần 2,5 tỷ đồng.

Hai cổng chào vào trung tâm thành phố Vĩnh Long

Để xứng tầm đô thị trung tâm tỉnh lỵ, nơi mà mật độ dân cư cao nhất so với các thành phố thuộc tỉnh ở ĐBSCL, hàng năm, thành phố Vĩnh Long chi gần 6 tỷ đồng cho việc trồng cây xanh trên các tuyến đường, các công viên. Mục tiêu mà TPVL hướng đến là xây dựng thành phố đạt các tiêu chí của đô thị loại 2 trong những năm tới. Còn trước mắt là hoàn thành đề án xây dựng 4 xã lên phường trong năm 2012 này.

Nếu như đô thị Vĩnh Long phía hữu ngạn sông Tiền đã sẵn sàng cho một mùa xuân mới thì phía tả ngạn sông Hậu, huyện Bình Minh cũng đang hăm hở vào xuân. Những làng nghề của huyện này từ lâu đã nổi tiếng khắp cả vùng, đặc biệt là làng nghề tàu hủ ki – nơi hoạt động liên tục 24/24 giờ không nghỉ để sản xuất hàng hóa cho nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. 

Xuân này, Bình Minh có thêm tin vui khi đầu tháng 12/ 2011, HĐND tỉnh Vĩnh Long có Nghị quyết 28 thông qua đề án thành lập thị xã Bình Minh. Như vậy, từ đô thị loại 4, thị trấn Cái Vồn và các xã của huyện Bình Minh sẽ được nâng cấp lên thành thị xã, trở thành đô thị có qui mô lớn thứ hai trong tỉnh sau thành phố Vĩnh Long. Nhờ vậy, tết này, Bình Minh đã vào xuân với tâm thế mới, khi mà huyện này sẽ được nâng cấp lên thành thị xã với thời gian xác định trong năm 2012 này.

Năm qua và trong năm 2012, Bình Minh triển khai nhiều dự án công trình hạ tầng mới tương xứng vai trò của một thị xã trong tương lai. Cuối năm vừa qua, Trung tâm hành chính huyện với tổng vốn đầu tư xây dựng 130 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Với diện tích hơn 33.000 mét vuông, Trung tâm hành chính đủ bố trí cho 25 đơn vị thuộc khối đảng, chính quyền và đoàn thể của địa phương. Nhiều dự án khác đã và đang lập kế hoạch triển khai, như: Cụm công nghiệp Thận An, Khu dân cư đô thị vệ tinh, Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, Cơ sở đào tạo của Đại học Bình Dương, v.v… sẽ góp phần tạo dựng bộ mặt mới cho đô thị Bình Minh. Đặc biệt, năm 2012 này, Bình Minh tập trung triển khai chương trình phát triển đô thị, nhà ở – một trong 4 chương trình mục tiêu của huyện ủy đề ra.

Đề án chia tách và thành lập các phường thuộc thị xã Bình Minh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Theo đó, Thị xã Bình Minh sẽ bao gồm toàn bộ diện tích huyện Bình Minh hiện hữu, được chia làm 8 đơn vị hành chính, trong đó có 3 phường, 5 xã, qui mô dân số gần 90.000 người.

Năm 2012, chương trình phát triển đô thị và nhà ở được Tỉnh ủy Vĩnh Long đưa vào một trong 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy. Đây là điều kiện tốt để tỉnh đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa trên địa bàn, đưa TPVL phát triển thành thành phố phát triển, sạch đẹp, văn minh. Thị xã Bình Minh thành lập vào cuối năm sẽ là một đô thị có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh. Cùng với quá trình đô thị hóa, đô thị Vĩnh Long và Bình Minh sẽ có những bước tiến dài và trở thành đầu tàu đưa kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Long phát triển.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *