Bên bờ hạnh phúc

           Nếu như trước đây bà con trồng dừa phần lớn là sử dụng những giống dừa thân cao, thời gian để cây cho trái rất lâu – từ 7 đến 8 tnăm. Nhưng gần đây các giống dừa lùn được người dân ưa chuộng hơn. Giống dừa này chỉ khoảng 4 đến 5 năm sau khi trồng là đã bắt đầu cho trái. Bình quân mỗi cây dừa khi cho trái ổn định có khả năng đạt năng suất trên 100 trái/năm. Tuy nhiên, đến nay thì cây dừa vẫn chưa đạt được năng suất tối đa, mà thường chỉ đạt từ 70 đến 80 trái/cây/năm.

 

 

           Để cây dừa cho năng suất như mong muốn, thì trước hết người trồng cũng phải am hiểu kỹ thuật, từ khâu trồng đến khâu chăm sóc và phòng trừ hại cho chúng. Trong đó việc cung cấp dinh dưỡng và phòng trừ dịch hại còn ý nghĩa rất quan trọng.

           Do dừa là cây có hệ thống thân lá cao to, nên nhu cầu dinh dưỡng cũng lớn. Vì vậy để làm tốt việc cung cấp dưỡng chất cho cây dừa, đòi hỏi bà con phải hiểu rõ đặc tính của nó, để cung cấp sao cho cân đối, hợp lý.

          Trong thời kỳ cây cho trái, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây dừa có ý nghĩa rất quan trọng. Khi bón phân phải cẩn trọng và đúng cách. Chú ý liều lượng phân bón tùy thuộc vào loại đất trồng và màu xanh của lá cây mà cung cấp số lượng phân cho mỗi gốc với tỷ lệ hợp lý.  Nên cung cấp phân bón NPK cho cây dừa theo tỷ lệ 1-1-2 . Theo khuyến cáo, bình quân mỗi năm cần bón thêm đạm và lân cho cây dừa, với liều lượng bình quân mỗi loại  khoảng 500g , riêng kali  là 1kg . Lưu ý, khi bón phân  nên đào các hố sâu cách gốc cây  từ 1 đến 2 m, cho phân vào và lấp đất lại để tránh sự  hao hụt do phân bị bốc hơi  hoặc trôi rửa khi tưới nước.

 

          Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng cần cung cấp thêm các loại phân bón  có chứa các chất trung vi lượng, như  Can xi, Bo, Kẽm, lưu huỳnh… nhằm giúp cây dứa có đủ dưỡng chất để cho năng suất cao và chất lượng trái tốt hơn. 

         Cây dừa có khả năng chịu hạn tốt, nên không cung cấp nước tưới mà cây vẫn sống được và cho trái  bình thường. Nhưng năng suất sẽ không cao. Vì vậy trong giai đoạn cây cho trái bà con cũng cần phải  tưới nước thường xuyên, nếu thiếu nước vào thời kỳ này sẽ làm giảm năng suất trái .Vào thời điểm nắng nóng, khô hạn nên tước nước cho cây dừa nhiều hơn, bình quân 2 ngày một lần. Phải luôn giữ cho đất có độ ẩm thích hợp để cây sinh trưởng và ra hoa cho trái tốt, tránh để đất quá khô sẽ làm cây dứa bị thiếu nước, kém phát triển. Nhưng ngược lại cũng không nên để đất bị ngập nhiều nước, nhất là ở mùa mưa, sẽ làm cho rể cây dễ bị úng, tạo điều kiện cho côn trùng, dịch bệnh tấn công làm hư rễ. 

        Ngoài vấn đề cung cấp phân bón, nước tưới như đã nêu, trong giai đoạn cây dừa cho trái cũng cần phải lưu ý một số loài dịch hại nguy hiểm tấn công ở đọt non, lá và cả thân cây……. làm cho cây kém phát triển. Thậm chí có thể bị chết . Do vậy phải thường xuyên thăm vườn và quan sát từng cây dừa, nếu thấy có những biểu hiện khác thường, thì phải tìm hiểu kỹ càng để nhận dạng đúng đối tượng gây hại, và có biện pháp phòng trị kịp thời, không để chúng phát triển gây hại nặng làm ảnh hưởng đến sức sống của cây.

                    

 

       Đối với nhóm côn trùng, có rất nhiều đối tượng gây hại, như  kiến dương, đuôn dừa, bọ dừa,  sâu lông…… Trong đó, đặc biệt nguy hiển là bọ dừa – hay còn gọi là bọ cánh cứng. Chúng thường tấn công trên những lá non chưa mở, chủ yếu  ăn lớp biểu bì  làm cho lá bị khô héo, mất khả năng quang hợp.  Cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại nặng làm hoa cái bị rụng , không đậu trái  hoặc đậu trái rất ít.

       Đối với nhóm bệnh hại cần quan tâm đến các loại bệnh do nấm gây ra trên lá, đọt non , gốc cây và cả trên trái . Trong đó cần chú ý nhiều vào bệnh do nấm Phytopthora  gây hại ở gốc cây dừa, và cả trên trái dừa non.  Nếu bệnh này gây hại nặng sẽ làm cho cây dừa kém phát triển và trái non bị  nứt , chảy nhựa, làm giảm năng suất. 

         Tóm lại, để trồng cây dừa đạt hiệu quả cao, bà con nông dân nên thay đổi thói quen lâu nay là sau khi trồng cây xuống đất, rồi bỏ phế cho tự nhiên, không chăm sóc gì cả. Ngược lại, cần phải trồng và chăm sóc cây dừa đúng qui trình kỹ thuật, bón phân đầy đủ, cả các chất đa, trung và vi lượng, để cây có đủ dưỡng chất mà sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Bên cạnh cũng phải hết sức quan tâm đến việc phòng trừ các loại dịch hại nguy hiểm, đảm bảo cho cây dừa được an toàn và phát triển tốt.

         Nếu đầu tư đúng mức, kết hợp với việc áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong quá trình canh tác, chăm sóc, thì  chắc rằng cây dừa sẽ phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.  

         Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *