Bên bờ hạnh phúc

 Hiện nay thì ĐBSCL đang bước vào giai đoạn khô hạn nhất trong năm. Đây là thời điểm thường xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân.

 

Riêng ở Vĩnh Long, ngành Nông nghiệp dự báo, mùa khô năm 2012 sẽ có trên 21 ngàn ha lúa Đông Xuân muộn và Hè Thu sớm bị thiếu nước tưới, cần phải hổ trợ bơm tát. Do đó, các giải pháp về công trình trong công tác thủy lợi mùa khô đang được các địa phương và bà con nông dân tích cực thực hiện, nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất, phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cũng như cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho những hộ dân xa các trạm cấp nước tập trung.

Theo Chi cục thủy lợi Vĩnh Long, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất sản xuất có hệ thống thủy lợi nội đồng khép kín, chủ động tưới tiêu là 101 ngàn ha, chiếm 86% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Mục tiêu lớn của công tác thủy lợi mùa khô là củng cố, hoàn thiện vùng đã khép kín thủy lợi, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt ở những nơi còn gặp nhiều khó khăn.

Để đạt được mục tiêu này, hiện có 02 biện pháp đang được thực hiện là giải pháp công trình và phương tiện bơm tát hỗ trợ. Trong đó giải pháp công trình được tập trung đẩy mạnh. Thực hiện kế hoạch thủy lợi mùa khô theo chỉ đạo chung của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay, các địa phương đang đang tích cực nạo vét kênh rạch nội đồng, nhất là các kênh cấp III, kênh chân rết trong các ô bao. Đồng thời gia cố, nâng cấp bờ vùng, cống bọng để chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tại những địa phương có nguy cơ bị tác động cả tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn như Vũng Liêm, Trà Ôn, ngành chức năng đã có kế hoạch vận hành các công trình chống hạn, ngăn mặn.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, trong mùa khô năm nay diện tích lúa bị hạn cuối vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu trên địa bàn tỉnh có thể đạt đến 21 ngàn ha. Trong đó nhiều nhất là huyện Vũng Liêm với hơn 5.700ha. Tiếp sau đó là huyện Long Hồ với gần 4000ha cần hỗ trợ bơm tát chống hạn. 

Là địa phương thường xuyên bị thiếu nước trong mùa khô, công tác thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất lúa luôn được các cấp, các ngành ở Vũng Liêm xác định là nội dung chính của công tác thủy lợi mùa khô. Bên cạnh các công trình do tỉnh, huyện đầu tư, trong năm 2012 các địa phương ở Vũng Liêm còn đẩy mạnh công tác nạo vét hệ thống kênh rạch thuộc địa bàn quản lý, theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cụ thể như tại xã Trung An của huyện Vũng Liêm. Trong chiến dịch mùa khô năm nay, ngoài 02 hệ thống đê bao kết hợp với giao thông nông thôn do huyện đầu tư, xã đã nạo vét được 7 tuyến kênh sườn ở các ấp với tổng chi phí gần 90 triệu đồng. Trong đó nhân dân đóng góp 70%. Toàn bộ các công trình đều được làm bằng cơ giới nên chất lượng rất đảm bảo. Năm 2012 này, xã Trung An có số lượng các công trình thủy lợi nội đồng được thực hiện nhiều nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, nhờ người dân bàn giao mặt bằng tốt, nên lúa Đông Xuân thu hoạch đến đâu là phương tiện cơ giới triển khai đến đó, đảm bảo tiến độ xuống giống vụ Hè Thu theo kế hoạch. Nhờ hệ thống kênh rạch dẫn nước nội đồng thông suốt, nên những mâu thuẩn về nhu cầu nước giữa ruộng gò, ruộng trũng đã cơ bản được khắc phục. Đồng thời quá trình chuẩn bị đất xuống giống lúa Hè Thu năm nay cũng thuận lợi hơn. 

 

Ngoài phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều địa phương ở Vĩnh Long còn có những cách làm sáng tạo để đẩy mạnh tiến độ thực hiện công tác thủy lợi mùa khô. Điển hình như tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân.

Là một địa phương đang đẩy mạnh phong trào đưa cây màu xuống ruộng, xã Mỹ Thuận phải tăng cường hệ thống thủy lợi nội đồng để phục vụ cho mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng này. Ngoài việc tích cực vận động tham gia cùng địa phương, Ban chỉ đạo chiến dịch mùa khô xã còn phát động phong trào thi đua thực hiện kế hoạch mùa khô của địa phương. Theo đó, mỗi ấp phải đăng ký thực hiện công trình thủy lợi nội đồng. Nếu không có công trình thì phải thực hiện gia cố cống đập có chiều dài ít nhất là 20m. Các công trình khi hoàn thành 100% kế hoạch mới tính điểm. Trong các chỉ tiêu thi đua thì công tác thủy lợi nội đồng chiếm gần 1/3 tổng thang điểm. Với cách làm này xã Mỹ Thuận đã xây dựng được hệ thống thủy lợi nội đồng khá hoàn chỉnh, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất lúa cũng như canh tác hoa màu của bà con nông dân.

Theo kế hoạch, trong mùa khô năm nay tỉnh Vĩnh Long thực hiện khoảng 287 công trình thủy lợi mùa khô, ước tính giá trị thực hiện gần 88 tỷ đồng. Mong rằng với những cách làm hiệu quả và sáng tạo, các công trình thủy lợi mùa khô sẽ góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống thủy lợi của tỉnh nhà, phục vụ đắc lực cho nhu cần sản xuất và đời sống của người dân ở nông thôn. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đang phấn đấu đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *