Bên bờ hạnh phúc

Trong những năm gần đây, vấn đề “biến đổi khí hậu” thường được đề cập đến khi nói về những khó khăn ngày càng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Tuy chưa có những công trình nghiên cứu cụ thể về những tác động của “biến đổi khí hậu”, nhưng những diễn biến bất thường của tình hình khí tượng, thủy văn là những khó khăn cụ thể nhất mà ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng lúa đang phải đối mặt.

 

Theo quy luật hàng năm, vào những tháng mùa khô như hiện nay tình trạng xâm nhập mặn thường diễn ra gay gắt. Chính vì vậy mà hiện ngành chức năng và bà con nông dân đang tích cực thực hiện những giải pháp để phòng chống hạn mặn, bảo vệ cây lúa. 

Với địa thế ở hạ lưu châu thổ sông Mêkông, ĐBSCL được thừa hưởng nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Nguồn nước phong phú, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, phù sa bồi đắp quanh năm đã góp phần quan trọng tạo nên vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước. Song, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, ĐBSCL cũng phải đối mặt với những khó khăn, hạn chế từ vị trí địa lý này. Đó là hoạt động khai thác nguồn nước ở thượng lưu, mâu thuẩn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ngay nội tại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này. Đây là rào cản rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, cũng như đời sống của cư dân trong vùng.

Từ các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, ĐBSCL nằm trong nhóm những vùng đất bị tác động mạnh mẽ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, những tác động đã và đang xảy ra bao gồm: ảnh hưởng của lũ lớn phía đầu nguồn; triều cường xâm nhập mặn vùng ven biển; đất phèn và sự lan truyền nước nhiễm phèn ở vùng đất trũng; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông gần biển; xói lở ở bờ sông, bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn; tình trạng cháy rừng, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Trong số đó thì tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn là những tác động mạnh mẽ nhất khi ĐBSCL bước vào mùa khô. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, diễn biến của tình trạng hạn và xâm nhập mặn là vấn đề đã được dự báo trước. Vì diễn biến này gắn liền với nhu cầu sử dụng nước cho các mục tiêu kinh tế xã hội trên sông Mêkông. Xâm nhập mặn và khô hạn đang có xu hướng diễn ra ngày càng gay gắt hơn ở ĐBSCL. Đặc biệt là các địa phương ven biển. Riêng trong năm 2011 được ghi nhận là năm mà độ mặn trong sông xuất hiện sớm và sâu vào nội đồng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu vào nội địa khoảng 65km trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trên sông Tiền và sông Hậu là trên 40 km. Tuy năm rồi đỉnh lũ cao, nhưng ngành chuyên môn nhận định ĐBSCL vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới và xâm nhập mặn đi sâu vào nội địa trong mùa khô. 

 

Là một địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn, công tác thủy lợi mùa khô ở Vĩnh Long được tập trung cho công tác cấp nước, giữ nước, ngăn mặn và chống hạn. Nhờ có hệ thống kênh mương dày và phân bố đều khắp các địa phương nên các công trình dẫn nước được đảm bảo. Tuy nhiên, do thời gian xuống giống lúa Hè Thu sớm hơn khu vực nên ở Vĩnh Long thường xảy ra tình trạng thiếu nước tưới ở giai đoạn đầu vụ. Nhiều địa phương phải sử dụng các phương tiện bơm tát cá nhân để đưa nước vào đồng ruộng. Để đảm bảo sản xuất, nghành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch rà soát lại hệ thống các công trình thủy lợi, từ đó đưa ra phương án sửa chữa, tu bổ, đồng thời chuẩn bị các phương tiện bơm tát, chống hạn khi cần thiết. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện các công trình thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh rạch, đảm bảo đủ lượng nước tưới cho trên 60 ngàn ha lúa Hè Thu dự kiến sẽ tập trung xuống giống trong khoảng tháng 3 và tháng 4 tới đây.

Tại các địa phương có khả năng bị mặn xâm nhập như Vũng Liêm, Trà Ôn ngành chức năng tỉnh cũng đã có kế hoạch phối hợp với tỉnh Trà Vinh để vận hành các công trình ngăn mặn khi cần thiết. Đồng thời, hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tích trữ nước ngọt vào cao điểm mùa hạn mặn cũng đang được thực hiện . Theo các số liệu quan trắc của ngành khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tại mặn chưa xâm nhập đến địa bàn tỉnh. 

Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, diễn biến của tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL vào thời điểm hiện tại thấp hơn cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, tuần qua trên các sông Cổ Chiên, Cửa Đại độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập vào sâu khoảng 25km, trên sông Hàm Luông khoảng 20km. Dự báo, trong tuần này khả năng xâm nhập mặn sẽ cao hơn tuần qua, và xảy ra vào những ngày từ giữa tuần đến cuối tuần.

Theo thống kê của Cục trồng trọt, có khoảng 600 ngàn ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn mặn trong mùa khô 2012. Trong đó có hơn 100 ngàn ha sẽ bị tác động trực tiếp, nhiều khả năng ảnh hưởng đến năng suất. Để tránh thiệt hại bởi hạn mặn, có 02 phương án cơ bản được đặt ra là giải pháp về công trình và cơ cấu mùa vụ. Nhờ hệ thống các kênh thủy lợi tích nước, dẫn nước ngọt và ngăn mặn phục vụ cho cây lúa được thực hiện khá đồng bộ trên phạm vi toàn khu vực, nên về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phòng chống hạn mặn, đảm bảo sản xuất. Hiện nay giải pháp cơ cấu mùa vụ được xem là yếu tố quyết định để tránh thiệt hại từ tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với hạn mặn là những giải pháp đang được ngành chức năng tích cực thực hiện trong nhiều năm qua. 

 

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Nam bộ thì tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn ở thời điểm hiện tại diễn ra không gay gắt như cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu vui trong mùa khô năm nay.

Tuy nhiên, cao điểm của tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn sẽ diễn ra trong thời gian tới đây, và dự báo sẽ có nhiều diễn biến khó lường trước. Vì vậy, ở những địa phương có nguy cơ bị tác động của hạn mặn, thiết nghĩ ngành chức năng cần thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, quan trắc tình trạng xâm nhập mặn kịp thời để có phương án vận hành các công trình phòng chống hạn mặn hiệu quả. Đồng thời bà con nông dân cũng cần tuân thủ lịch thời vụ, lựa chọn cơ cấu mùa vụ hợp lý để tránh được những thiệt hại vào thời gian cao điểm của mùa hạn mặn năm nay.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *