Bên bờ hạnh phúc

Trên con đường thiên lý Bắc Nam, quốc lộ 1A không đi ngang qua quê hương Đồng Khởi. Điểm yếu này cộng thêm trở ngại khi địa giới hành chính Bến Tre bị ngăn cách bởi 3 dải đất cù lao với những nhánh sông lớn của dòng Tiền giang. Một thời, xứ dừa Bến Tre  khá biệt lập với nhiều tỉnh trong vùng và cả nước. Song, từ khi cầu Rạch Miễu thông xe nối đôi bờ sông Tiền, Bến Tre đã làm nên một cuộc đồng khởi mới về kinh tế xã hội.

Những vườn dừa Bến Tre đã kể tiếp câu chuyện của mình trong thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới kinh tế. Và trong những câu chuyện thú vị ở xứ dừa ,  có chuyện về một phụ nữ  miền Tây , gắn liền cuộc đời mình với thương hiệu Kẹo Dừa Bến Tre nổi tiếng . Đó là doanh nhân Phạm Thị Tỏ, người sáng lập và từng một mình sang Trung Quốc đi kiện và thắng kiện trước doanh nghiệp nước ngoài , giành lại thương hiệu Việt.

 

Chúng tôi tìm gặp bà Phạm Thị Tỏ, người địa phương quen gọi là cô Hai Tỏ, trong một ngôi nhà nhỏ giữa khu phố yên tĩnh ngay trung tâm thành phố Bến Tre. Vào tuổi thất thập cổ lai hy, được xem là hiếm, nhưng đối với bà, người ta vẫn thấy sự tinh tường của một người từng trải, một doanh nhân với tính tình nhân hậu.

Câu chuyện bắt đầu từ những cuốn album ghi lại những khoảnh khắc kỷ niệm của bà tại hơn 50 nước trên thế giới mà bà đã đi qua.

 Những chuyến đi đó có nhiều mục đích khác nhau, công việc có, du lịch có, nhưng đối với bà, lần đi TQ hồi năm 1998 là một bước ngoặc cuộc đời. Lần đó, bà đi để giành lấy thương hiệu kẹo dừa Bến Tre do bà làm chủ từ một doanh nghiệp làm nhái tại đảo Hải Nam. 

Bây giờ , với cương vị là người tổng chỉ huy một công ty gia đình, nhưng bà luôn giữ được tính cách bình dị của người phụ nữ miền Tây Nam bộ.

Nhiều người ở thành phố Bến Tre này biết rằng bà Hai Tỏ lập nghiệp từ tay trắng với một tuổi thơ cơ cực . Ngày ấy, bà là chị lớn trong nhà, mới lên 10 nhưng đã phải phụ giúp cha mẹ trông em, làm lụng kiếm sống. Lớn lên, lấy chồng khi tuổi đời mới 20 , khi hãy còn quá trẻ . Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 15 năm, đủ để cho bà trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống một thời gian nan . Từ việc theo ghe thương hồ mua bán trái cây, lúa gạo , đến chằm lá lợp nhà. Rồi bán buôn lặt vặt trong thời bao cấp nhưng vẫn hoàn tay trắng. Thế là bà quyết chí ở lại quê nhà với nghề gói kẹo mướn. 

Sự trải nghiệm cuộc đời  đã làm nên nét tính cách rất riêng của người phụ nữ miền Tây này. Có lẽ bà Hai Tỏ là doanh nhân duy nhất VN không sử dụng điện thoại di động và không giao dịch vốn với ngân hàng, cho dù đó là vay tiền hay gửi tiền.

Bà không vay tiền, không có nghĩa là giàu, vì theo bà, quản lý một doanh nghiệp cũng như một gia đình, phải biết liệu cơm gắp mắm.

Còn không gửi tiền ngân hàng, bởi lẽ có lợi nhuận bao nhiêu, bà đều dành để mở rộng nhà xưởng và chia đều cho các con. Mỗi người con bà đều có cơ ngơi riêng và một xưởng chuyên sản xuất kẹo dừa. Giá  thành mỗi viên kẹo dừa chưa đến 100 đồng, nhưng 800 công nhân này mỗi năm làm hàng xuất khẩu và mang về trên chục triệu đô – la Mỹ. Và bà Hai Tỏ có thể an tâm về sự nghiệp cuối đời.

 

Đó cũng là điều kiện để bà đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương. 

Người phụ nữ chịu thương chịu khó này còn là người hăng say nhiệt tình trong công tác đoàn thể. Bà từng đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường, ủy viên Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh và thành viên Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre. Giờ đây, khi chỉ còn hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh, bà vẫn luôn giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là chị em công nhân có hoàn cảnh cơ nhỡ, không người nương tựa.

Cúp Thánh Gióng dành cho doanh nhân VN tiêu biểu duy nhất của tỉnh Bến Tre ,  một trong số 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước năm 2006; Cúp Bông hồng vàng dành cho nữ doanh nhân tiêu biểu,  và nhiều thành tích khác, đã ghi nhận sự đóng góp của người phụ nữ miền Tây này. Còn trong gia đình, những người con cháu của bà Hai Tỏ đều luôn xem bà như là tấm gương để phấn đấu. Đó là tinh thần vượt khó và nghị lực của người miền Tây, nét đôn hậu dịu dàng của người phụ nữ VN, một doanh nhân giỏi trên thương trường. Bà Phạm Thị Tỏ đã làm nên một câu chuyện mới về người phụ nữ VN trong thời kỳ hội nhập .

 

 Bến Tre những ngày nầy đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội dừa tháng 4/2012, một Festival mở hội cho xứ dừa trên đường phát triển. Chắc chắn rằng Kẹo dừa Bến Tre sẽ góp mặt, không chỉ là vị ngọt cho khách phương xa , mà còn sẽ là câu chuyện đẹp về  thương hiệu Việt với những bài học quý. Câu chuyện đến từ một người miền Tây nổi tiếng xứ dừa : Bà Hai Tỏ.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *