Bên bờ hạnh phúc

         Theo thống kê của Bộ nông nghiệp-PTNT mỗi năm ở ĐBSCL có hơn 1 triệu tấn lúa bị thất thoát, tương đương với khoảng 5% tổng lượng lúa thu hoạch toàn vùng. Trong đó lúa bị  hao hụt nhiều nhất là ở khâu thu hoạch do rơi vãi ngoài đồng. Bởi phần lớn công việc cắt và tuốt lúa đều được nông dân thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, dùng biện pháp thu hoạch lúa theo tập quán cũ còn làm cho chi phí sản xuất tăng cao, tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Để khắc phục tình trạng trên tất yếu phải thực hiện việc cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa. 

 

         Mấy năm nay những chiếc máy gặt đập liên hợp như thế này đã trở nên quen thuộc đối với nông dân Vĩnh long trong những mùa thu hoạch lúa. Theo bà con cho biết, một chiếc máy gặt lúa khi  hoạt động 1 ngày trên đồng ruộng sẽ thu hoạch trung bình từ  50-60  ha, tương đương với sử dụng từ 15 đến 20 nhân công cắt lúa bằng tay. Một công lúa, thay vì  phải thuê nhân công thu hoạch trong một buổi với chi phí từ  500-600 ngàn đồng, thì thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp  chỉ tốn từ 200 -250 ngàn đồng, và chỉ sau 10 đến 15 phút  là đã có lúa chở về nhà.  Dịch vụ cắt lúa bằng máy này không chỉ giúp nhiều điạ phương giải quyết vấn đề thiếu nhân công cắt lúa khi vào vụ đông ken, mà còn rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa, hạn chế thất thoát, hao hụt.       

         Nếu như so với cách đây 5 năm, trong sản xuất lúa còn rất nhiều công đoạn phải làm bằng thủ công; thì hiện nay máy móc đã đảm nhiệm gần như toàn bộ . Theo tính toán ngành nông nghiệp, một máy gặt đập liên hợp có công năng làm việc cao hơn 60 lao động thủ công  và chi phí giảm hơn 30% . Anh Lê Thành  Trí  ở xã Phú đức, huyện Long hồ  cho biết , trước đây mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa gia đình phải  chạy khắp nơi tìm nhân công cắt lúa và chuyển lúa về nhà;  mấy năm nay khâu thu hoạch lúa anh đã sử dụng máy móc, nên rất tiện lợi . Nếu trước đây khi thu hoạch lúa bằng thủ  công, vụ lúa đông xuân anh phải mất  hơn 7 ngày mới  thu hoạch xong, thì nay chỉ  có từ 3 đến 4 ngày là có thể chuyển được lúa hột về nhà.    

        Do tiện ích của việc sử dụng máy móc trong khâu thu hoạch lúa, mà những năm gần đây  bà con nông dân Vĩnh long đã chuyển từ thu hoạch lúa thủ công bằng tay sang máy gặt đập liên hợp  ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện cả tỉnh có trên 800 máy gặt đập liên hợp , qua đó đã giải quyết thu hoạch lúa bằng cơ giới  đạt  gần 80% diện tích, so với năm 2009 tăng 50% .

         Huyện Vũng liêm là địa phương thực hiện khá tốt việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đứng đầu cả tỉnh về thu hoạch lúa bằng máy móc. Ngành nông nghiệp huyện cho biết, để đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng đều cần phải làm trước tiên là thực hiện công tác bờ  bao thủy lợi  cho thật hoàn chỉnh, đảm bảo rút khô nước trên đồng khi lúa chín ; kế tiếp là  công việc dọn đất sang bằng mặt ruộng, chọn giống ít đổ ngã để gieo sạ và  áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ  để cây lúa phát triển khỏe. Ngoài ra, vấn đề qui hoạch thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, xây dựng những cánh đồng lớn……để giúp cho việc thực hiện cơ giới hóa được dễ dàng, thuận lợi. Nhờ làm tốt các công việc trên mà hiện nay Vũng Liêm đã có 87% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Riêng vụ đông xuân năm nay , diện tích lúa  của huyện được thu hoạch bằng  máy gặt đập liên hợp đạt  trên 90%

         Ngoài vấn đề giải  quyết thu hoạch lúa được nhanh gọn, hạn chế thất thoát lúa  và giảm bớt công lao động ra, việc thực hiện thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp còn giúp cho bà con nông dân tiết giảm được khá nhiều chi phí và chất lượng hạt lúa cũng được đảm bảo hơn. Theo nhiều nông dân, bình quân 1 công lúa họ sẽ tiết giảm được  từ 200 – 300 ngàn đồng.

 

         Mặc dù  nhận thức cũng như trình độ ứng dụng của nông dân về thực hiện cơ giới hóa vào đồng ruộng đã được nâng lên ; nhưng khi sử dụng phương tiện máy móc vào sản xuất, nhất là thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp hiện nay cũng còn gặp phải  không ít những khó khăn . Hiện diện tích thu hoạch lúa bằng máy móc ở các địa phương chỉ  gia tăng  đối với vụ lúa đông xuân, còn các vụ khác như hè thu và thu đông thì  tỷ lệ gặt bằng máy  đạt chưa cao;  nguyên nhân là do mưa gió nhiều, lúa bị đổ ngã và đất ruộng bị lầy lún …….nên rất khó khi đưa máy móc vào thu hoạch. Ngòai ra trên thực tế hiện vẫn còn nhiều thửa ruộng  chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc thu hoạch lúa bằng máy như : về độ đồng đều của cây lúa, độ cứng của nền ruộng ;  sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ  và  kỹ thuật canh tác chưa tốt……nên máy không thể  hoặc không đạt hiệu quả cao khi  hoạt động . Do vậy để thực hiện cơ giới hóa trong thu hoạch lúa được thuận tiện , về phía người nông dân  phải thay đổi tạp quán canh tác theo hướng khoa học và áp dụng qui trình sản xuất lúa tiên tiến . Đồng thời cần có sự hợp tác liên kết giữa các nông hộ có ruộng lúa liền kề với nhau để hình thành một cánh đồng lớn. Có như thế thì việc đưa máy móc vào đồng ruộng hoạt động mới đạt hiệu quả cao hơn

         Thực tế cho thấy khi thực cơ giới hóa trên đồng ruộng thì việc sản xuất và thu hoạch lúa được nhanh gọn, sẽ giúp người nông dân chủ động được thời gian, tăng hiệu quả sản xuất . Đây cũng là mục tiêu từng bước công nghiệp hóa- hiện đại hóa mà ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà đang hướng đến.

          Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *