Bên bờ hạnh phúc

Trên đường đi , chúng tôi thường nhìn thấy cảnh nhiều đàn trâu về gặm cỏ ở những cánh đồng nằm bên trong đê bao. Hình ảnh đó khiến có người trong nhóm không khỏi thắc mắc: trâu ở đâu mà nhiều vậy, khi mà máy cày, máy xới đã có mặt khắp nơi!  Có người lại liên tưởng đến một truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đã được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thành phim, đó là tác phẩm Mùa len trâu. Đây là sự liên tưởng hợp lý, vì mùa nước nổi chính là thời điểm người ta phải đi “len trâu”, nghĩa là đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ lụt. Chúng tôi không muốn bỏ qua cơ hội tìm hiểu chuyện len trâu mà nhiều người chỉ được biết qua truyện, qua phim.

 

Từ xa , thấy những đàn trâu thấp thoáng, nhưng đi băng đồng gần cả cây số, chúng tôi mới tiếp cận được vài đàn. Cả nhóm hơi thất vọng vì chẳng gặp chú mục đồng nào.

 Trời xế bóng, từ phía xa có một người cưỡi trâu đi về phía chúng tôi. Có lẽ sau một ngày dẫn trâu tìm thức ăn trên các cánh đồng, giờ trâu được chủ đưa về nơi nước sâu để tắm táp sạch sẽ , chuẩn bị cho một tối ngủ ngon.

Mới đầu, khi thấy ghi hình anh tỏ vẻ khó chịu, nhưng sau khi nghe giải thích, anh đồng ý để chúng tôi tự do tác nghiệp. Nhìn chú trâu mượt mà béo tốt, đủ biết nó được chăm sóc chu đáo cẩn thận như thế nào. Bao đời nay vẫn vậy, tình cảm giữa người và trâu không có gì thay đổi. Ngày nay, tuy con trâu không còn là “đầu cơ nghiệp”, nhưng nó cũng là một tài sản lớn của người nông dân, vẫn là kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình.   

Nhìn nét mặt hơi nghiêm của anh mục đồng, phảng phất như nhân vật Kìm trong phim Mùa len trâu, hay đúng hơn là nhân vật trong phim cũng hao hao  anh mục đồng thật ở ngoài đời. Dù là bối cảnh khác nhau, nhưng chung một nét phong sương vất vả. 

Vài chú mục đồng khác cũng lần lượt đưa trâu về tắm…Còn một anh ngồi nghỉ trên tráng ba của thân cây. Bởi vì ở đây, ngoài lưng con trâu ra, anh cũng không có chỗ nào để có  thể ngồi nghỉ ngơi  một lát… 

 

Cô đồng nghiệp nhỏ của chúng tôi đứng chỉ cao bằng lưng trâu, ngày thường thấy trâu là sợ, nhất là cặp sừng nhọn hoắc của nó, vậy mà hôm nay lại dám cưỡi trâu. Con trâu trông hiền lành thân thiện, nhưng không phải ai cũng dám đến gần, nên có muốn làm “chăn trâu” cũng đâu phải dễ….

Cũng may, chú trâu nầy trông to vậy nhưng cũng hiền lành. Nó nhẩn nha gặm cỏ , mặc trên lưng mình có một cô gái lạ . Vì vậy cô cũng không gặp mấy khó khăn. Cưỡi trâu trông cũng oai phong và thú vị lắm. 

Khi nắng chiều sắp tắt, sau một ngày rong ruổi , từng đàn trâu lần lượt về điểm nghỉ ngơi. Nhà văn Sơn Nam giải thích: Len- tiếng Khơme có nghĩa là đi tự do; “Len trâu” có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ngày xưa mỗi mùa nước nổi về, dân nghèo không có nhà để ở, không có cơm để ăn thì nói gì có chổ ăn chổ ở cho trâu. Mà con trâu là tài sản, là cơ nghiệp của con người nên bằng mọi cách phải cố mà gìn giữ bảo vệ nó. Chính vì vậy người ta phải len trâu từ đồng nầy qua đồng khác ngược lên hướng Thất Sơn – Bảy Núi cho đến ngày nước rút, cỏ mọc xanh trên các cánh đồng mới trở về.

Ngày xưa, một chuyến len trâu có thể làm cậu bé 15 trở thành người lớn, với biết bao trải nghiệm tốt xấu trong đời- như nhân vật Nhi trong truyện ngắn của Sơn Nam.

 Nơi trâu nghỉ là một bờ đê dài khô ráo, đủ sức chứa đến vài trăm con. Khi trâu về đến, những người mục đồng kiểm tra lại đàn trâu của mình xem đủ thiếu ra sao, sức khỏe thế nào. Sau đó các anh lại loay hoay chăm sóc trâu. Dọc bờ đê nầy, mỗi chiều có đến khoảng trăm con trâu về nghỉ ngơi dưỡng sức để sớm mai lại tản ra tìm cỏ trên khắp cánh đồng. Bao giờ đồng nầy không còn thức ăn hoặc đến thời điểm xả lũ , mọi người lại cùng nhau len trâu qua đồng khác kiếm ăn. 

Sau khi lo cho trâu xong, các anh lại cùng nhau rôm rả kể chuyện trong ngày. Len trâu ngày nay tuy cũng lắm vất vả, nhưng không có cảnh tranh giành, đấm đá nhau như cái thời mà nhà văn Sơn Nam đã kể. Những người đi len trâu sống đời phiêu bạt rày đây mai đó nên họ cũng dễ dàng kết thân. Đồng ruộng là nhà, bạn bè là anh em, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, “tứ hải vai huynh đệ” .

 Mọi người lại cùng nhau, kẻ làm cá, người nấu cơm. Thức ăn kiếm được thường là mấy chú cá bắt ngoài đồng. Nấu nướng cũng thật đơn giản. Vậy là đã có một buổi tối no lòng. Không cần bon chen thiên hạ ra sao. 

Dù cho xưa hay nay, khi no đủ hay lúc long đong thì giữa người nông dân và trâu vẫn gắn bó mật thiết. Người ta chẳng ngại gì ăn bên trâu, ngủ cạnh trâu, cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn. 

Mặt trời sắp lặn phía trời tây. Mấy chú trâu hiền lành đang nằm nhai lại.Len trâu ngày nay không hoành tráng và đẹp như xưa, bởi trên những cánh đồng không còn nhiều cảnh “ Con trâu đi trước cái cày theo sau”, nhưng vẫn là những hình ảnh thật sinh động và thú vị; là một nét văn hóa đặc trưng của mùa nước nổi.

  Chúng tôi tạm biệt nơi nầy, không sao quên được một bức tranh tuyệt đẹp lúc hoàng hôn. 

Sáng hôm sau ,chúng tôi lên đường đến Búng Bình Thiên- tên gọi của hồ nước tự nhiên lớn nhất miền Tây. Một điểm du lịch lạ, bình yên, hoang sơ với cảnh sông nước hửu tình.

Hồ có diện tích khoảng 200ha vào mùa khô và lên đến trên 800 ha vào mùa nước nổi. Bao quanh hồ là cư dân 3 xã: Nhơn Hội, Quốc Thái, Khánh Bình- huyện An Phú tỉnh An Giang. Tuy ăn thông với một con sông đỏ ngầu phù sa nhưng nước trong hồ luôn trong xanh quanh năm, lại không chảy mà chỉ lên cao, xuống thấp theo thủy triều. Búng Bình Thiên như một món quà xinh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nầy. 

Chúng tôi mượn ghe của bà con xuống hồ tác nghiệp. Anh tài xế của chúng tôi khi trên đường thì vững vàng tay lái, giờ xuống hồ cũng rất chắc tay chèo…

 Mặt hồ êm ả phẳng lặng. Vài người dân bận rộn mưu sinh. Được biết, tên gọi Búng Bình Thiên tức Hồ Nước Trời, gắn liền với một truyền thuyết có từ thời Tây Sơn và được lưu truyền cho đến ngày nay. 

Quanh hồ có 4 dân tộc anh em sinh sống. Làng Chăm đã hình thành hơn một trăm năm nay với nét văn hóa riêng độc đáo.

Chúng tôi tình cờ gặp những cô gái Chăm bên bờ hồ. Với trang phục truyền thống kín đáo, trông các cô thật đằm thắm dễ thương. Đã gặp rồi thì không dễ làm ngơ. 

 

Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đến Búng Bình Thiên. Mà vì nơi đây là địa điểm vừa diễn ra Lễ hội văn hóa lần thứ 3 của huyện An Phú. Mùa nước nổi cũng là mùa lễ hội của cư dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Riêng lễ hội văn hóa mùa nước nổi mới đi vào hoạt động vài năm nay đã dần trở thành quen thuộc , và là nét độc đáo chỉ có ở vùng nầy. Đó là khúc ca hùng tráng của con người trước thiên nhiên, là sự khẳng định chiến thắng của những Sơn tinh thời hiện đại trước sự quấy rối của thủy thần.

Sân khấu đêm khai mạc lễ hội không hoành tráng và rực rỡ sắc màu như vẫn thường thấy mà là những chiếc ghe, chiếc xuồng- thứ đã gắn bó cuộc đời của người dân vùng sông nước. Trên sân khấu ấy, nền văn hóa sông nước đã được giới thiệu một cách mộc mạc gần gủi mà không kém phần đặc sắc. Những điệu hò đưa duyên, những câu vọng cổ ngọt ngào, những điệu múa của những cô gái Chăm mượt mà xinh xắn …tất cả đã tạo nên một sự độc đáo về nét đẹp của văn hóa mùa nước nổi.

Bên cạnh đó còn có những hoạt động khác cũng rất thú vị. Theo kế hoạch của tỉnh An Giang, khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên sẽ được đầu tư phát triển trong tương lai.

Chúng tôi đến thăm nhà của hai cô gái Chăm mà chúng tôi đã gặp bên bờ hồ.  Một phần vì lưu luyến nét duyên dáng dễ thươngcủa các cô, phần cũng  muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà con người Chăm nơi nầy. Người Chăm sống theo cộng đồng, đa số theo đạo Hồi. Họ là những người bạn rất nhiệt tình và thân thiện. 

Chúng tôi được mời ăn cơm thân mật với gia đình. Hai cô gái có tên là Mari Dat và Ro Hi Mat, là chị em bạn dì. Hai cô đãi chúng tôi món trứng chiên với bông điên điển vừa mới hái ở ven hồ. Được biết, cô chị Mari Dát hiện đang tham gia công tác ở Ủy ban xã Nhơn Hội, còn cô em thì vẫn đang đi học. Họ cũng là những người đã tham gia trình diễn trong Lễ hội mùa nước nổi vừa qua. 

Tạm biệt các cô, chúng tôi còn mang theo về nét duyên thật đằm thắm dễ thương.   

 



      

 Rời Búng Bình Thiên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Những năm gần đây, người vùng lũ còn biết khai thác những lợi thế từ lũ để mở ra cơ hội làm ăn mới, nhất là du lịch mùa nước nổi. Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên với diện tích khoảng 850 ha, gồm 140 loài thực vật và nhiều giống chim thú là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích cảnh quang thiên nhiên xinh đẹp.

 Vẻ đẹp mùa lũ còn nhiều, rất nhiều…và chúng tôi – hẹn một ngày trở lại…

Tuyết Mai 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *