Bên bờ hạnh phúc

Ớt là một loại rau màu rất dễ trồng và thích hợp ở mọi vùng đất. Song, để đạt năng suất cao, người trồng ớt phải am hiểu kỹ thuật canh tác và quản lý tốt các đối tượng dịch hại.

Ngày nay, ở ĐBSCL, cây ớt hầu như đã được trồng quanh năm. Vì vậy, tình hình dịch hại trên đối tượng cây trồng này cũng trở nên phức tạp hơn, nhất là vào những thời điểm thời tiết không thuận lợi. Do đó, để việc trồng ớt đạt kết quả tốt, bà con phải vận dụng nhiều biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc và phòng trừ dịch hại.

Ớt là một loại rau màu rất dễ trồng và thích hợp ở mọi vùng đất

 

Cây ớt cần phải có chế độ dinh dưỡng thích hợp để phát triển tốt, tăng cường khả năng chống chịu với các yếu tố bất lợi của thời tiết và dịch hại. Trước khi đặt cây giống xuống, người trồng nên bón vôi và lân để vừa cải tạo đất, vừa diệt mầm bệnh. Cách tốt nhất là trồng ớt với màn phủ nông nghiệp. Trong quá trình sinh trưởng của cây, cần bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, tránh bón thừa phân đạm sẽ làm cây phát triển cành lá um tùm, dễ bị đổ ngã khi có mưa to, gió lớn và cũng dễ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh tấn công gây hại.

Cũng như những loại rau màu khác, cây ớt cũng cần phải được tưới nước đầy đủ. Nếu trồng trên nền đất lúa, có thể áp dụng biện pháp tưới thấm, tức là cho nước vào rãnh khoảng một giờ, sau đó rút cạn. Nếu tưới quá đậm nước sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ và cây dễ bị nấm bệnh tấn công. Người trồng cần chú ý giữ được độ ẩm thường xuyên cho cây ớt, tránh quá khô hoặc quá ướt.

Song, việc quản lý dịch hại vẫn là vấn đề quan trọng hơn hết đối với người trồng ớt bởi trong suốt thời gian sinh trưởng, cây ớt thường bị hàng chục đối tượng sâu bệnh tấn công. Vì thế, yêu cầu hàng đầu là bà con cần thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời.

Trong giai đoạn tăng trưởng, cây ớt dễ mắc một số bệnh làm chết cây con và các loại sâu như bọ trĩ, rầy mềm, sâu ăn tạp. Trong đó, bọ trĩ và rầy mềm là hai đối tượng nguy hiểm hơn hết.

Trong giai đoạn trổ bông và cho trái, bà con cần phòng trừ sâu đục trái, bệnh héo rũ, bệnh khảm… Chú ý, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đối phó với các đối tượng sâu bệnh trên, bà con cần phải phun xịt thật kỹ, đúng kỹ thuật thì mới đạt kết quả cao.

Đối với cây ớt, đối tượng đặc biệt nguy hiểm là bệnh thán thư, hay còn gọi là bệnh đen trái. Bệnh này xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng thường gây hại mạnh nhất là vào thời kỳ cây ớt cho trái. Bệnh do nấm Colletotrichum gây nên, làm thối trái hàng loạt. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là những vết ướt trên trái, sau đó lan rộng ra, biến thành màu tối, thường có vết vòng, ở trung tâm vết bệnh có màu đen. Bệnh thán thư lây lan rất nhanh, nếu ruộng ớt bị nhiễm bệnh nặng, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Ớt bị nhiễm bệnh thán thư

 

Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh trên cây ớt, bà con cần xác định rõ từng đối tượng dịch hại cụ thể để có biện pháp đối phó hữu hiệu, tránh phun xịt thuốc tràn lan vì sẽ làm cho dịch hại nhanh kháng thuốc, gây khó khăn cho việc phòng trị sau này. Để phòng ngừa dịch hại trên cây ớt đạt hiệu quả cao và tiết giảm chi phí sản xuất, bà con nông dân chỉ nên phun thuốc khi thật cần thiết và phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.

Ngoài việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để hạn chế chi phí và công sức trong việc phòng trị các đối tượng dịch hại trên cây ớt, bà con nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp. Trong đó, cần chú trọng sử dụng hạt giống có chất lượng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt như chỉ trồng với mật độ vừa phải, bón phân hợp lý và tưới nước đầy đủ. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên làm cỏ và vệ sinh ruộng ớt để giúp cho cây ớt phát triển mạnh, nâng cao được khả năng đề kháng để có thể chống chọi với dịch hại khi chúng xuất hiện.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *