Bên bờ hạnh phúc

        Trong những năm gần đây, năng suất và sản lượng lúa của nước ta không ngừng tăng lên. Yếu tố quan trọng làm nên những thành tích đó là việc đẩy mạnh  ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các loại thuốc hóa học được sử dụng rộng rãi . Thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ và cả trừ ốc.., vừa đa dạng về chủng loại, vừa nhiều về số lượng đã được nông dân sử dụng rất phổ biến, và có thể nói là không thể thiếu ở mỗi mùa vụ sản xuất.

 

          Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thì việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc BVTV cũng đã bộc lộ những mặt tiêu cực như  phòng trừ dịch hại không hiệu quả, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Do đó, làm thế nào để quản lý dịch hại hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, con người là vấn đề cần được quan tâm trong sản xuất hiện nay.

          Các loại thuốc BVTV đã được sử dụng ở nước ta từ khá lâu, đặc biệt là khi chuyển sang canh tác các giống lúa cao sản ngắn ngày. Tuy nhiên, khi đó tình hình dịch bệnh chưa phát triển mạnh nên số lượng và chủng loại thuốc BVTV còn rất hạn chế. Những năm gần đây, khi đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ thì tình hình dịch hại trên cây lúa cũng diễn biến phức tạp hơn. Đòi hỏi bà con nông dân phải tăng cường sử dụng các loại thuốc BVTV để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

          Có thể nói, các loại dịch bệnh đang có xu hướng gây áp lực ngày càng nặng nề hơn đối với cây lúa. Nếu như trước kia chúng ta có các giống lúa có thể kháng rầy nâu, bệnh đạo ôn thì hiện nay đa số các giống lúa được sản xuất ở ĐBSCL đều bị nhiễm hai đối tượng dịch hại quan trọng này. Trong khi đó ,  nhiều đối tượng dịch hại nguy hiểm mới như ốc bươu vàng, nhện gié lại xuất hiện với mức độ ngày càng phổ biến hơn.   

          Trong bối cảnh này thì việc sử dụng các loại thuốc BVTV trong canh tác lúa là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi sử dụng thuốc càng nhiều thì sẽ mang lại tác dụng phòng trừ dịch hại caó. Thực tế đã chứng minh, nếu bà con nông dân sử dụng đúng thì sẽ có lợi, còn nếu phạm sai lầm, lạm dụng quá mức thì sẽ gây ra tác hại ngược lại. Nhiều trường hợp, càng tăng cường phun thuốc thì dịch hại càng có xu hướng bộc phát mạnh hơn.

 

          Cụ thể như trong việc đối phó với sâu cuốn lá nhỏ. Đây là đối tượng dịch hại xuất hiện rất phổ biến trên cây lúa. Qua các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh sâu cuốn lá nhỏ không có khả năng gây thiệt hại cho cây lúa trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Tuy nhiên, qua thực tế thì nhiều bà con nông dân hễ thấy ruộng có sâu cuốn lá nhỏ là tiến hành lấy thuốc trừ sâu phun xịt. Làm như vậy vừa không mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giết chết hệ thiên địch trong đồng ruộng, các đối tượng dịch hại nguy hiểm khác như rầy nâu sẽ có điều kiện thuận lợi để bộc phát mật số về sau.

          Bên cạnh việc lạm dụng thuốc BVTV thì điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ cũng là nguyên nhân để dịch hại có xu hướng phát triển mạnh hơn. Cỏ dại và lúa cỏ là một điển hình. Mặc dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc phòng trừ nhưng những hình ảnh này cho thấy bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với chúng.

          Có nhiều nguyên nhân để cỏ dại và lúa cỏ phát triển mạnh như giống không đảm bảo độ thuần, làm đất chưa tốt, cỏ dại kháng thuốc … Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là vấn đề thiếu nước đầu vụ nên sử dụng thuốc trừ cỏ không hiệu quả.

          Một vấn đề khác cũng rất cần nói đến là hiện nay nhiều bà con nông dân vẫn còn áp dụng những kỹ thuật canh tác khá lạc hậu. Qua ghi nhận thực tế thì nhiều nơi bà con nông dân vẫn ít chú trọng đến khâu cày ải, phơi đất, nhưng lại gieo sạ với mật độ rất dày, từ 20-30kg giống/1000m2, tăng cường bón nhiều đạm để cây lúa phát triển mạnh. Theo các nhà chuyên môn, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho dịch hại có điều kiện phát sinh, phát triển.

          Những diễn biến trên đang đưa đến hậu quả làm cho chi phí sản xuất tăng lên, môi trường bị ô nhiễm, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của bà con nông dân. Để khắc phục thực trạng này, ngành chuyên môn và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp bà con nông dân quản lý dịch hại trên cây lúa hiệu quả hơn. Trong đó, xây dựng một ruộng lúa khỏe được xem là tiền đề quan trọng, là yếu tố mang tính then chốt để kiểm soát dịch hại tốt về sau. Chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, gieo sạ đồng loạt né rầy và gần đây nhất là biện pháp quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái, đều hướng đến một mục đích duy nhất là giúp bà con nông dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học, gia tăng hiệu quả trong canh tác lúa. 

 

        Cụ thể như mô hình “quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái” do Cục BVTV đã phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế – IRRI, thực hiện trong thời gian qua. Dựa trên nền tảng của các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các nhà khoa học đưa thêm các loại hoa vào trồng ở bờ ruộng để thu hút thiên địch. Mục tiêu của mô hình là tạo và duy trì sự đa dạng về cây trồng và các sinh vật có ích trong đồng ruộng, hình thành một hệ sinh thái ruộng lúa cân bằng ở mức cao. Đến nay, việc trồng hoa để thu hút thiên địch đã được Bộ NN&PTNT phát động nhân rộng ra khắp ĐBSCL với tên gọi “ruộng lúa có hoa cho 3 lợi ích”.

          Sử dụng thuốc BVTV là một yếu tố không thể thiếu trong canh tác lúa ngày nay. Vấn đề là làm sao để sử dụng chúng hiệu quả, vừa giúp bà con nông dân quản lý tốt dịch hại trong ruộng lúa, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất và an toàn cho môi trường.

          Khi sử dụng thuốc BVTV, các nhà chuyên môn thường khuyến cáo bà con nông dân nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Đó là chọn đúng loại thuốc đặc trị, pha chế đúng nồng độ, liều lượng, phun thuốc đúng thời điểm cần phòng trừ dịch hại và khi phun đúng cách. Tuy nhiên trên thực tế thì hầu như nông dân ít khi nào áp dụng đầy đủ nguyên tắc này. Bà con thường có xu hướng pha trộn nhiều loại thuốc với nhau để phun xịt cùng lúc. Đây là cách làm nhằm tiết giảm được số lần phun xịt, tuy nhiên các nhà chuyên môn khuyến cáo nếu pha trộn không đúng sẽ làm giảm tác dụng phòng trừ dịch hại, sâu rầy dễ kháng thuốc, bùng phát mật số.    

          Để giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt từ sử dụng thuốc hóa học, ngành chức năng và các nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân nên tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học và các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch hại trên cây lúa. Tại hội nghị phát động phong trào “nông dân với sứ mệnh bảo vệ môi trường” được tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua ở Thành phố Cần Thơ, các nhà khoa học ở Trường ĐHCT, Trung tâm BVTV phía Nam đã khẳng định, việc sử dụng các loại thuốc sinh học và các chế phẩm sinh học là một giải pháp giúp canh tác lúa ít phụ thuộc vào thuốc hóa học, đồng thời đảm bảo tính phát triển bền vững đối với ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.

          Vấn đề sử dụng nông dược để bảo vệ mùa màng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dựa vào các loại thuốc BVTV để phát triển sản xuất. Trong hệ thống quản lý dịch hại cần phải chú trọng đến các biện pháp không sử dụng hóa chất như kỹ thuật canh tác, công tác giống và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật khác, đặc biệt là các chế phẩm sinh học. Biện pháp hóa học sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được phối hợp đồng bộ với những biện pháp trên./

          Trung Hiếu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *