Bên bờ hạnh phúc

Trong các môn nghệ thuật, chụp ảnh nghệ thuật hay chơi ảnh nghệ thuật là một loại hình đòi hỏi "Nghề chơi cũng lắm công phu". Muốn có tác phẩm, sau những yếu tố cơ bản thuộc về chuyên môn kỹ thuật thì điều đầu tiên đòi hỏi người nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) là phải đi, dịch chuyển không ngừng, đặc biệt là khi muốn chụp ảnh phong cảnh thiên nhiên.

Người chụp ảnh nghệ thuật đi càng xa, đến những nơi càng mới lạ thì niềm cảm hứng càng dâng tràn, mãnh liệt, sâu sắc. Mà cảnh sắc thiên nhiên, non xanh nước biếc thường chỉ đẹp ở những nơi sơn cùng thủy tận. Người NSNA vì vậy thường phải chịu xa nhà, mỗi năm lang bạt kỳ hồ ít thì vài ba chuyến, nhiều thì hàng chục chuyến. Núi non Tây Bắc, sông nước Cửu Long, thác ghềnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung… dù xa xôi cách trở bao nhiêu miễn là đẹp thì tất sẽ có dấu chân người cầm máy. Họ đi tìm và đợi chờ để ghi lại những khoảnh khắc kỳ diệu trong mối giao hòa giữa đất trời với thời gian.

Họ đi tìm và đợi chờ để ghi lại những khoảnh khắc kỳ diệu trong mối giao hòa giữa đất trời với thời gian

 

Một buổi sớm cuối thu, chúng tôi theo NSNA Nguyễn Vinh Hiển lên núi Tà Pạ ở huyện Tri Tôn – tỉnh An Giang. Đứng từ nơi đây nhìn xuống thung lũng bên dưới, một phong cảnh tuyệt đẹp mở ra trước mắt. Cánh đồng này từng gợi niềm cảm hứng cho biết bao NSNA từ Nam ra Bắc. Ngày hôm ấy đến đây không chỉ có Hiển, mà còn có khá đông các nhiếp ảnh gia từ Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM, trong số đó có cả những người ở nước ngoài. Mới hay, chụp ảnh nghệ thuật quả là nghề có sức hấp dẫn lớn. Bản thân Nguyễn Vinh Hiển cũng trở đi trở lại nơi này hàng chục lần và chắc rằng sẽ còn trở lại nhiều lần nữa, mặc dù từ mấy năm trước, tác phẩm Bức tranh quê hay còn gọi là Sương sớm Tà Pạ – một bức ảnh được anh chụp tại chính nơi này – đã đoạt giải đặc biệt Epson Nhật Bản được tổ chức tại Singapore.

Ngoài những cánh đồng đẹp như tranh, An Giang còn thu hút người cầm máy bởi lễ hội đua bò Bảy Núi độc đáo. Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ hội này là dân nhiếp ảnh lại đổ về đây. Những hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer như ca múa nhạc, đua bò, đua ghe ngo diễn ra trong lễ hội thực sự có sức hấp dẫn rất lớn đối với ống kính tạo hình của họ.

Tuy nhiên, giống như những hoạt động thể thao khác, đua bò, đua ghe ngo là những hoạt động rất khó để tạo hình nghệ thuật. Những hoạt động này thường diễn ra với tốc độ cao và đôi khi còn rất nguy hiểm khi người cầm máy quyết định lựa chọn những góc độ tiếp cận trực diện. Sau những ngày lăn lóc với NSNA, chúng tôi hiểu ra một điều: Trong nghề nghiệp của họ, sự nguy hiểm đồng thời cũng chứa đựng trong nó một sức hấp dẫn lớn bởi điều đó tỷ lệ thuận với sự thành công của tác phẩm. Như vậy, bên cạnh con mắt yêu cái đẹp và một tâm hồn lãng mạn, có thể thấy NSNA còn là những người rất bản lĩnh và can đảm.

Bên cạnh con mắt yêu cái đẹp và một tâm hồn lãng mạn, có thể thấy NSNA còn là những người rất bản lĩnh và can đảm.

 

Ở ĐBSCL, trong số những địa chỉ quen thuộc của Nguyễn Vinh Hiển có chợ nổi Ngã năm ở Sóc Trăng. Nguyễn Vinh Hiển tâm sự, anh rất yêu khu chợ nổi này, bởi trong khi những chợ nổi khác đã hoặc đang dần bị công nghệ hóa thì chợ nổi Ngã năm Sóc Trăng vẫn còn giữ được những nét độc đáo của sông nước miền Nam như xuồng ba lá với mái chèo xuôi, hoặc giả là nề nếp sinh hoạt, mua bán còn rất bình dị, dân dã.

Hiển vẫn còn nhớ một cách chính xác, đây đã là lần thứ năm anh quay lại nơi đây. Ghe hàng bông này là một địa chỉ quen thuộc. Lần đầu tiên khi anh gặp Phương – cô gái bán hàng bông trên ghe – và chụp hình cô, Phương hãy còn là một đứa trẻ. Hôm nay, Phương đã là thiếu nữ.

Nếu không vì chợ nổi Ngã năm mai này chắc rằng sẽ không còn nữa khi giao thông phát triển, cầu bắc qua sông sẽ xóa bỏ cảnh tàu ghe sông nước lênh đênh thì trong tương lai, có lẽ họ sẽ còn gặp lại nhau thêm nhiều lần nữa, kể cả khi Phương đã đi lấy chồng, làm mẹ, thậm chí lên chức bà. Lịch sử cuộc đời một con người sẽ được ghi chép một cách đầy đủ qua ống kính và những chuyến đi sáng tác hàng năm của NSNA. Một công việc quả rất hay và không kém phần kỳ lạ!

Trong nghệ thuật chụp ảnh phong cảnh, yếu tố quan trọng nhất là góc độ và ánh sáng. Chụp chân dung đòi hỏi thêm một yếu tố nữa, đó là khoảnh khắc.  Đó là sự nắm bắt được thần thái, chộp được giây phút tập trung cao độ vào công việc của đối tượng nhân vật. Kết hợp được ba yếu tố với nhau một cách hài hòa, NSNA sẽ có một tác phẩm chân dung nghệ thuật thành công.

Hôm chúng tôi theo Nguyễn Vinh Hiển đi thực tế sáng tác ở Tỉnh đội Bến Tre, tại đây, chúng tôi đã gặp một số NSNA của CLB Chiến sĩ thuộc báo Quân đội Nhân dân. Chứng kiến thái độ làm việc cũng như niềm say mê mà họ dành cho bộ môn nghệ thuật này, chúng tôi thật sự thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ những người cầm máy.

Trong giới nhiếp ảnh ở Vĩnh Long nói riêng và ở ĐBSCL nói chung, Nguyễn Vinh Hiển là một cái tên rất quen thuộc. Cầm máy đã hai mươi năm thì có mười năm anh tham gia sáng tác ảnh nghệ thuật. Mười năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng đã kịp đưa anh đến những đỉnh cao của sự nghiệp với rất nhiều giải thưởng ở cả trong và ngoài nước. Từng một lần trở thành NSNA Việt Nam trẻ tuổi nhất, tháng 11/2011 vừa qua, Nguyễn Vinh Hiển còn là NSNA Việt Nam trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Xuất sắc – một phần thưởng cao quý của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Dù thế nào thì những NSNA cũng không bao giờ từ bỏ nghiệp cầm máy bởi điều đó nuôi dưỡng tâm hồn họ, và đó chính là một trong số những điều cơ bản và quan trọng của cuộc sống. Họ thật sự là những người hạnh phúc!

 

Đã vào những ngày áp Tết, chúng tôi vẫn chịu khó ôm đồ nghề theo Nguyễn Vinh Hiển qua Bạc Liêu. Đây chỉ là một trong số hàng chục chuyến xa nhà mỗi năm của anh để làm công việc gọi là đi săn ảnh. Hiển yêu phong cảnh, thiên nhiên, sông nước và con người ở ĐBSCL, đơn giản bởi đó là mảnh đất mà anh đang sống, mọi thứ đều rất quen thuộc, gần gũi, thân thương. Tuy nhiên, anh đồng thời cũng yêu Tây Bắc, miền Trung, và đặc biệt nhất là yêu Huế.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu văn học nghệ thuật, trong đó có người cha cũng là một NSNA, trước khi bước chân vào con đường sáng tác, Nguyễn Vinh Hiển còn có lợi thế trải qua hơn mười năm cầm máy làm dịch vụ. Giỏi kỹ năng và nhiều kinh nghiệm thực tiễn, sau này lại may mắn gặp được người thầy, người bạn là NSNA Duy Anh – người hun đúc ngọn lửa đam mê, Nguyễn Vinh Hiển đã nhanh chóng trưởng thành. Gặt hái rất nhiều thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật, giờ đây, Nguyễn Vinh Hiển cảm thấy thật sự hạnh phúc. Anh tâm sự, trong nghề nghiệp của mình, bản thân việc dịch chuyển, tiếp cận và khám phá vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống không chỉ có sức hấp dẫn thường trực, mà qua đó, anh còn kết nối được với rất nhiều bạn bè, tìm thấy nhiều tri âm tri kỷ trên khắp mọi miền đất nước.

Sau những ngày dài phiêu bạt, người NSNA trở về với cuộc sống đời thường với những công việc bình thường. Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật là một chất men đã ngấm vào trong máu thịt. Chỉ cần có vài phút rảnh rỗi hoặc vào những lúc căng thẳng giữa cuộc mưu sinh, họ thường sẵn sàng gác lại mọi công việc, lên đường rong ruổi. Thật ra, nhiếp ảnh nghệ thuật rất khó để gọi là nghề mưu sinh. Giữa đời thường, người NSNA phải tìm cách kiếm sống bằng nhiếp ảnh dịch vụ hoặc nghề khác, nhưng dù thế nào thì họ cũng không bao giờ từ bỏ nghiệp cầm máy bởi điều đó nuôi dưỡng tâm hồn họ, và đó chính là một trong số những điều cơ bản và quan trọng của cuộc sống. Họ thật sự là những người hạnh phúc!

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *