Bên bờ hạnh phúc

Mấy năm gần đây,  bến tàu khách Vĩnh Long ban ngày có phần vắng lặng, khi đò khách không còn khách nữa. Tuy nhiên, cứ đêm về, từ khoảng 9 giờ, nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. Dưới sông , ghe cá ken dầy, trên đường xe tải xếp hàng liên tục,  chuyên kinh doanh mặt hàng chính là cá. Từ đây, cá chuyển bằng xe về các tỉnh xa gần…Bến cá Vĩnh Long giờ đây đã trở thành điểm giao thương  trung tâm trong khu vực.

Thế nhưng, ngay cả người dân Vĩnh Long , không phải ai cũng biết về  bến cá nầy, vì chỉ nhộn nhịp về đêm…

Có mặt trên đường 1 tháng 5, con đường dẫn vào chợ Vĩnh Long, khi chỉ còn thưa người qua lại, nhưng khu vực bến cá Vĩnh Long đã tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người mưu sinh trên bến cá. 

 

Người đưa cá từ ghe đục lên bờ; người vận chuyển cá, mực từ xe tải xuống; người phân loại hải sản, người cân hàng… làm cho bến cá luôn sôi động.

Bến cá Vĩnh Long được chính thức đưa vào sử dụng năm 2009, trên mặt bằng của bến tàu khách tỉnh, bên sông Long Hồ, Phường 1 TP Vĩnh Long. 

Nhờ cơ sở hạ tầng sẵn có và tương đối hoàn chỉnh, lại nằm ngay ở vị trí tương đối thuận lợi trong thành phố Vĩnh Long , thuận đường đi các tỉnh thành trong khu vực…, nên nhiều chủ tàu, chủ xe khai thác thủy hải sản ở Vĩnh Long và các tỉnh bạn đã chọn nơi đây để mua bán sản phẩm, lấy nhiên liệu…

Như thông lệ, cứ vào lúc đầu hôm trở về sáng, tiếng người nói, cười rộn rã pha lẫn tiếng xe, tàu các loại, làm sôi động hẳn một nhánh sông …

Hiện nay, tại bến cá Vĩnh Long đã có khoảng chục chủ vựa, chuyên mua bán cá ở đây đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Đội quân bốc vác cũng đã hình thành, với trên 30 người thường xuyên túc trực tại bến cá.

Ngoài ra, tại đây còn có khoảng 20 xe ô tô, xe ba gác máy, xe hon đa… sẵn sàng đưa cá đi các nơi theo yêu cầu của các chủ vựa.  Xe mang biển số các tỉnh khác về đây thường xuyên cũng vài chục chiếc…Khác với những ngày mới được đưa vào sử dụng, bến cá Vĩnh Long bây giờ nhộn nhịp, sầm uất hơn nhiều .

 Bến cá Vĩnh Long trở thành điểm chợ đầu mối lớn nhất tỉnh về cung cấp hàng thực phẩm thủy sản như: cá biển, cá đồng đặc trưng của hai hệ sinh thái mặn, ngọt. ngoài ra  còn có tôm, cua… theo mùa .

Vựa cá lớn nhất có số lượng mua, bán bình quân mỗi đêm hơn 5 tấn thủy hải sản các loại.

 

Trời càng về khuya, không khí làm việc trên bến cá càng  khẩn trương. Hàng chục con người vây quanh từng khênh cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, bốc lên xe… Ở góc khác, vài thanh niên hì hục chuyển đá, nước, bơm dầu vào những can nhựa loại 40-50 lít… để chuẩn bị chuyến tải cá mới. Tiếng nói cười râm ran cả khu vực.

Được coi là đặc sản của vùng sông nước miệt vườn, làng cá bè trên sông Cổ Chiên mang đặc trưng sông nước miền Tây , đang trở thành điểm cung cấp nguồn thực phẩm rất lớn cho các chợ đầu mối trong khu vực.

Hôm nay, chiếc ghe của anh Lê Hồng Sang cư ngụ ở Khóm 1, Phường 5, thành phố Vĩnh Long chở khoảng 2,5 tấn cá điêu hồng. Anh cho biết: Khi ghe cặp bến thì chủ ghe không phải lo gì cả. Các công việc như vớt cá, cân cá, gánh cá thì có anh em trong công đoàn bến cá lo. Còn việc tính tiền… Từ A đến Z thì đều có đại lý lo. Chủ ghe cứ việc… ngồi ghi sổ, sáng ra đại lý là nhận tiền.

Tất cả chuyện mua bán  tại bến cá này hay tại chợ cá đều phải thông qua đại lý. Mỗi ký cá các đại lý được hưởng 700đ, bất kể giá cả lên xuống thế nào. Tuy nhiên, các chủ ghe cá rất hài lòng, vì nhờ có các đại lý mà họ không phải lo bị cân thiếu, không lo khâu đầu ra.

Mặc dù không có những đợt cá thắng đậm bất ngờ như nuôi cá xuất khẩu, nhưng những người lái cá như anh Sang đây không lo nợ tiền, chiếm dụng vốn. Mặc dù giá cá ở Vĩnh Long khá “mềm”, thường rẻ hơn các địa phương khác khoảng 1.000 đ/kg, nên thu hút các bạn hàng từ các nơi đổ về đây “ăn hàng”; nhưng giá như hiện nay thì anh cũng làm ăn được .

Như 2,5 tấn cá điêu hồng hôm nay, cân giá 13.000 đ/kg, thì anh cũng kiếm lời khoảng 1.500 đ/kg . Lúc này, những chiếc xe tải từ các tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh… bắt đầu nối đuôi nhau đậu theo thứ tự chờ ăn hàng.

Cũng như mọi hôm, hàng chủ lực hôm nay là cá điêu hồng, cá lóc và cá rô. Trong đó, có những chiếc xe chỉ chở mướn do không có vốn, nhưng phần lớn là những người đi thu mua cá từ các lồng bè hoặc hầm của những nuôi cá, để cân lại cho các chủ vựa, sau đó  chủ vựa sang tay cho các bạn hàng từ các tỉnh khác.Những người làm việc liên tục và cực nhất ở bến cá và chợ cá, chính là những anh em trong tổ công đoàn. Tất cả họ đều đánh trần trùng trục, cứ hai người gánh một giỏ cá điêu hồng, vừa nước vừa cái nặng chừng 70- 80 ký; còn những phuy cá rô to hơn thì có lúc nặng cả trăm, hay hơn trăm ký.

Lúc cao điểm, các công nhân gánh cá liên tục, nhưng ai vào việc nấy rất nhịp nhàng. Người vớt cá thì lặn vào trong đục, cả đêm người ướt loi ngoi, người thì khiêng cá lên bàn cân, người lo bơm nước… Mấy tấn cá đã lên xe gọn gàng chỉ trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.

Công việc rất cực nhọc, nhưng thu nhập khá ổn định. Tùy theo người “giỏi- dở” mà có thu nhập khác nhau.

Thông thường, thấp nhất là 180.000 đ/đêm, người có thu nhập cao nhất là 250.000 đ/đêm. Nhưng phải thật sự là người có sức khỏe tốt, giỏi việc mới có được thu nhập xứng đáng như vậy.

Ở đây, những người làm việc tốt cũng thường được các chủ ghe, các đại lý ưu ái cho thêm chút đỉnh. Do đó, đối với các công nhân gánh cá ở đây, khi công việc ổn định và chịu khó làm việc thì thu nhập tạm đủ trang trải cho cả gia đình, còn có thể lo cho con cái ăn học đàng hoàng.

Cách bến cá chỉ vài trăm mét là khu chợ cá, cũng là chợ suất đêm…

Trời càng về sáng, không khí làm việc khu chợ cá càng khẩn trương hơn. Hàng trăm con người vây quanh từng khênh cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, bỏ vô giỏ xách, bốc lên xe… để chuẩn bị cho buổi chợ hừng đông.

Vốn là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh, nên chợ cá Vĩnh Long  tập trung bạn hàng buôn bán cá từ các nơi đổ về hoạt động làm ăn. Tại chợ, có những bạn hàng chuyên bán cá đồng, chủ yếu là từ các xã giáp với tỉnh Đồng Tháp.

Ngày thường, trung bình mỗi ngày chợ cung cấp cho thị trường hàng trăm ký cá đồng các loại, nhưng vào lúc cao điểm khi nước lũ rút hàng năm , mỗi ngày chợ cá Vĩnh Long có thể cung cấp khoảng từ 1 tấn đến vài tấn cá đồng.

Cuộc mua bán cứ diễn ra náo nhiệt…

Con đường 1-5 ồn ào hơn bởi tiếng còi xe, tiếng chào khách, tiếng trả giá… tạo nên âm thanh rất đặc trưng của chợ. Hai bên đường ,  có nhiều loại cá, tôm, cua tươi ngon. Những người phụ nữ nhanh miệng mời khách. Tiếng mặc cả ngày một nhiều hơn, xé toạc sự tĩnh lặng của màn đêm. 

Dưới ánh sáng mờ của đèn đường, như thói quen, người mua chỉ cần nhìn sơ là biết cá, tôm, cua có tươi ngon hay không. Họ mặc cả và nếu được giá, cuộc giao dịch nhanh chóng diễn ra, để còn quay trở về cho kịp bán buổi chợ sáng, có khi vào lúc còn chưa rõ mặt người…

Rồi hôm sau, nhịp sống  hối hả lại tiếp tục cùng bến cá đêm…

Một đêm thức trắng cùng bến cá Vĩnh Long, chúng ta mới cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của những người mưu sinh lấy đêm làm ngày. Thế nhưng, nhờ có họ mà các chợ khắp nơi trong tỉnh và khu vực có được những mặt hàng thực phẩm tươi ngon. 

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *