Bên bờ hạnh phúc

Nếu như Bến Tre có bánh phồng Sơn Đốc, thì An Giang cũng có đặc sản bánh phồng tại thị trấn Phú Mỹ ở huyện Phú Tân. Gần đây bánh phồng Phú Mỹ của bà con được bán sang cả thị trường Campuchia, một tín hiệu đáng mừng.

 

Người dân địa phương cho biết, làng nghề này đã xuất hiện và tồn tại gần 70 năm nay, tuy nhiên, chỉ chục năm trở lại đây mới thật sự làm nên tên tuổi bánh phồng Phú Mỹ rộng rãi trên thương trường. Hiện làng nghề có trên 20 hộ tham gia làm bánh mỗi ngày. Những hộ này ở gần nhau trong một khóm, một tổ, nên đi đến làng nghề vào những lúc trưa nắng, thường bắt gặp hình ảnh phơi bánh khá đông vui.

Có nhiều người không nhớ rõ gia đình mình bắt đầu làm bánh phồng từ khi nào, nhưng ở thị trấn Phú Mỹ này, mọi người không quên được người đầu tiên làm bánh phồng đem bán là hộ của bác Lê Minh Dơn.  Hiện nay, hộ của bác Dơn cũng là một trong những cơ sở có quy mô lớn  và uy tín của làng nghề . Bác cũng chính là người đã sáng chế ra chiếc máy quết bánh phồng được ứng dụng khá rộng rãi trong làng nghề hiện nay. Tuổi bác đã cao, không còn tham gia trực tiếp làm bánh như ngày nào, nhưng mỗi ngày bác đều có mặt tại cơ sở để truyền nghề lại cho con cháu của mình.

Nghe giới thiệu về chiếc máy quết bánh phồng khá hay, chúng tôi  đến xem cho biết. Nhìn chiếc máy chạy bằng điện khá đơn giản, nhưng đây là cả một công trình tìm tòi nghiên cứu của gia đình bác Lê Minh Dơn nhằm giảm bớt công quết bánh, vốn rất nặng nhọc trong  quy trình làm bánh phồng. Nếu quết bằng tay ,phải mất từ 30 đến 40 phút một mẻ, thì quết máy chỉ mất khoảng 20 phút, nghĩa là năng suất tăng lên gấp đôi, mà bột bánh lại đều hơn, nên công dụng của chiếc máy càng được nhiều thợ bánh ưa chuộng. Tuy nhiên, việc đầu tư cho chiếc máy như thế này cũng cần vài chục triệu đồng, nhiều cơ sở không có điều kiện đầu tư phải đến thuê máy quết, mỗi ổ bánh tốn khoảng 5.000 đồng, bà con chấp nhận được.

 Trong nhiều chuyến đi của mình, chúng tôi gặp không ít  làng nghề bà con phải tranh thủ làm việc khi trời nắng. Có thể nói đó là một trong những khó khăn mà nhiều làng nghề chưa khắc phục được. Nghề bánh phồng ở đây cũng vậy. Do bà con chưa có đủ vốn để đầu tư công nghệ mới nên đa số làm việc còn thủ công . Vì phải tranh thủ trời nắng phơi bánh, nên thường bà con phải thức rất sớm để làm các khâu: xôi, quết, cán. Những chị em làm khâu này cũng thức khuya dậy sớm luôn cùng với chủ để tranh thủ làm cho kịp thời gian.

Theo nhịp sống của thời đại, những người thợ ở đây  không ngừng sáng tạo những cái mới, nhất là trong việc tạo ra những mẫu bánh mới với hương vị lạ, độc đáo khác với bánh phồng kiểu cũ.

 Chẳng hạn, ngoài bánh phồng nướng thông thường, giờ có thêm bánh mè đường mía dùng ăn sống, bánh mè sữa – nước cốt dừa, bánh sữa đường cát trắng,… rất nhiều loại. Đổi mới không ngừng, luôn bắt kịp nhu cầu cuộc sống nên thương hiệu bánh phồng Phú Mỹ đã được khẳng định. Hầu hết, bánh được làm ra đều theo đơn đặt hàng nên không bị tồn đọng. Được biết có nhiều cơ sở đã bán được cho những khách hàng ở nước bạn Campuchia, hoặc bà con Việt kiều Âu, Mỹ,…với số lượng đều đặn khá lớn.

Là một trong những người thợ làm bánh giỏi và có nhiều tâm huyết với nghề, chị Thảo cũng chia sẻ một số khó khăn của nghề đang gặp phải. Theo chị, đa số các cơ sở ở đây còn thiếu vốn đầu tư công nghệ mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công; mà lao động thủ công thì ngày càng khan hiếm, giá cả thuê mướn mỗi lúc một tăng. Các cơ sở cũng không dễ tăng giá bán , bởi làm như vậy rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Chính vì thế, thời gian gần đây có một số cơ sở phải đóng cửa, tìm nghề mới.

Kinh tế thị trường giúp làng nghề phát triển, nhưng sự cạnh tranh, đào thải cũng không kém phần khắc nghiệt.

Hàng năm, những tháng cuối đông, đầu xuân là thời điểm cao điểm làm bánh phồng, sản lượng thường tăng gấp đôi ngày thường. Hộ ít nhất cũng làm gần 100kg nếp, tương đương 4.000 bánh mỗi ngày. Như hộ của chị Hồ Thị Sen, gia đình không có ruộng đất, nhiều năm qua chỉ sống bằng nghề làm bánh phồng,  trung bình mỗi ngày chị sản xuất 3 đến 4 thiên bánh, thu lãi 200 đến 300 ngàn đồng. 

 

Khi hỏi về những nguyện vọng đối với nghề bánh phồng truyền thống này, chị Sen cũng có tâm nguyện giống với chị Thảo mà chúng tôi đã gặp trước đó. Các chị đều mong có vốn để đầu tư máy sấy, máy cán để giảm bớt công lao động chân tay và giảm giá thành sản phẩm, từ đó sẽ tăng khả năng cạnh tranh của thương hiệu bánh phồng Phú Mỹ trên thị trường.

Thật ra, chính quyền và ngành chức năng địa phương cũng đã thấy được vấn đề này, và nhiều năm qua đã lập phương án hỗ trợ cho bà con. Bước đầu còn gặp khó khăn, địa phương sẽ cùng bà con từng bước tháo gỡ, để tìm đến mục tiêu chung là duy trì và phát triển thương hiệu đặc sản của quê hương – bánh phồng Phú Mỹ.

Được biết, nhiều năm qua, các ngành chức năng tỉnh An Giang đều có những dự án hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống phát triển, song song với việc khai thác du lịch tại làng nghề. Chúng tôi hy vọng với những nỗ lực như vậy, vùng nếp Phú Tân và làng bánh phồng Phú Mỹ sẽ mãi là những hình ảnh đẹp cho những ai từng đến nơi này. Nếu như thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Phú Tân đặc sản nếp ngon, thì cuộc sống cũng đã ban tặng cho vùng đất này những người thợ làm bánh giỏi, tất cả cùng tạo nên những món quà độc đáo không chỉ riêng của mùa Xuân. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *